Ngày hội Đại đoàn kết ở Ngàn Phe

Đến hẹn lại lên, cứ vào độ tháng 11 hằng năm, khi những ruộng lúa bậc thang chín vàng óng, cây hoa sở đơm bông trắng xóa một góc rừng, là mọi bản làng của huyện Bình Liêu lại rộn ràng trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11). Năm nay cũng vậy, giữa sương giăng khắp núi, mưa phùn lất phất bay, thôn vùng cao Ngàn Phe ( xã Đồng Tâm, Bình Liêu) lại rộn ràng vui Ngày hội Đại đoàn kết.

Từ trung tâm huyện Bình Liêu, vượt qua gần 8km với những cung đường quanh co, uốn lượn, chúng tôi mới đến được thôn Ngàn Phe - một trong những thôn khó khăn của xã Đồng Tâm. Thôn có 95 hộ dân với 412 nhân khẩu, đều là người dân tộc Dao Thanh Y. Mặc dù vẫn còn đó nhiều khó khăn do trình độ nhận thức còn thấp, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào nông, lâm nghiệp song từ nhiều chủ trương, chính sách và các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của người dân nơi đây đã từng bước đổi thay.

Chị em phụ nữ Dao chuẩn bị trang phục tới dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Từ sáng sớm, tiếng loa phóng thanh đã vang lên rộn rã ở nhà ông Voòng Phúc Niệp – Phó Bí thư chi bộ, người có uy tín thôn Ngàn Phe để mời gọi bà con về tề tựu tại nhà sinh hoạt cộng đồng. Trưởng thôn, Trưởng ban MTTQ và các đoàn thể, người có uy tín trong thôn thì đã có mặt đông đủ ở nhà cộng đồng – nơi diễn ra ngày hội.

Anh Phùn Dảu Coóng – Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ngàn Phe cho biết: Ngày thường, mỗi người mỗi việc nhưng đến ngày hội, những lo toan của cuộc sống thường nhật được gác lại, để cùng nhau chung vui. Không phân biệt già, trẻ, gái, trai, trong ngày hội, bà con ai cũng trở nên thân thiết như người một nhà.

Đến với ngày hội, bà con đồng bào ở đây ai cũng chọn cho mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất. Chị Tằng Thị Huệ chia sẻ với chúng tôi: Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự Ngày hội Đại đoàn kết kể từ khi về làm dâu ở Ngàn Phe nên tôi mong ngày này lâu lắm rồi. Hôm nay, tôi cùng các chị em trong thôn dậy sớm để mặc trang phục dân tộc đến đây tham dự Ngày hội.

Ai cũng vui vẻ cùng tề tựu về nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Ngàn Phe.

Trong không khí vui mừng, phấn khởi của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, các đại biểu, cán bộ và nhân dân thôn Ngàn Phe đã cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua 88 năm xây dựng và trưởng thành; đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Trưởng Ban Mặt trận thôn Lỷ Cắm Màu thẳng thắn thừa nhận ở Ngàn Phe trình độ dân trí còn thấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế, nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cùng với tinh thần đoàn kết, bà con đã cùng nhau nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nổi bật là Ban công tác mặt trận phối hợp các chi hội đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhân dân hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới” và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cơ sở hạ tầng trong thôn được đầu tư xây dựng, đời sống của nhân dân trong thôn được ổn định và từng bước phát triển, số hộ có nhà ở kiên cố, có các phương tiện xe máy, nghe nhìn, máy xay sát tăng lên, số hộ nghèo trong thôn hằng năm đều giảm, năm 2017 còn 37 hộ nghèo, 20 hộ cận nghèo. Năm 2018, thôn có 73/95 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Cùng với đó, bà con trong thôn đã biết chú trọng thực hiện nếp sống văn hóa, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao qua đó từng bước nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa tinh thần của mỗi người dân.

Các gia đình văn hóa tiêu biểu của thôn Ngàn Phe được UBND xã Đồng Tâm khen thưởng.

Vui mừng trước những kết quả mà thôn đạt được trong năm 2018, ông Tằng Chăn Tào, người dân thôn Ngàn Phe chia sẻ: Trước những kết quả mà đồng chí Trưởng ban công tác mặt trận thôn nêu, người dân chúng tôi thấy rất vui mừng và phấn khởi. Chúng tôi sẽ cố gắng cùng nhau đoàn kết hơn nữa để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đưa thôn bản ngày càng phát triển đi lên.

Bên cạnh sự vui mừng trước kết quả đạt được thì với nhiều người dân trong thôn, ngày hội còn mang đến không khí đầm ấm tình làng nghĩa xóm. Đây cũng là diễn đàn để người dân có điều kiện phát huy tính dân chủ, tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

Anh Tào cho biết thêm: Ngày hội mỗi năm được tổ chức một lần, nên người dân trong thôn chúng tôi ai cũng cố gắng sắp xếp công việc để tham dự và chia sẻ công việc, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu nên người. Qua việc tổ chức ngày hội, mỗi hộ gia đình, người dân trong thôn lại xích lại gần nhau hơn, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt.

Chia tay Ngàn Phe cũng là lúc cơn mưa phùn kịp ngớt nhường chỗ cho những tia nắng mặt trời, những cô gái người Dao váy áo xúng xính trở về nhà. Ngày hội đã khép lại, nhưng đã góp phần gắn kết và thắt chặt thêm tình đoàn kết ở cộng đồng khu dân cư bản Dao, qua đó góp sức xây dựng thôn, bản ngày càng ấm no.

La Lành – Hoàng Gái
(Trung tâm TT&VH Bình Liêu)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201811/ngay-hoi-dai-doan-ket-o-ngan-phe-2408327/