Ngày hội của lòng dân

Bây giờ, có đi khắp hơn 100 ngàn khu dân cư trên cả nước, hỏi về Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, chắc hẳn sẽ có nhiều câu chuyện để kể. Vui, buồn đều có nhưng hơn cả là sự sẻ chia ấm áp mà hàng xóm láng giềng dành dụm cho nhau, là những cuộc hạnh ngộ bất ngờ nhưng tình thân chan chứa. Cứ thế, dưới mái nhà Mặt trận, Ngày hội Đại đoàn kết đã trở thành ngày hội của lòng dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự ngày hội đại đoàn kết với bà con xã Dur Kmăl.

Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04 về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm là Ngày hội Đại đoàn kết ở các cộng đồng dân cư.

Mục đích ban đầu của Ngày hội là ôn lại truyền thống của MTTQ Việt Nam, là dịp để báo cáo những kết quả hoạt động của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhưng sau 15 năm, Ngày hội đã trở thành nơi cố kết cộng đồng, nơi sẻ chia của tình làng nghĩa xóm, nơi bạn bè thân hữu gặp gỡ, nơi để người lãnh đạo được trở về với dân.

Bức tranh hội tụ ấy chính là biểu hiện sinh động nhất biểu tượng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện rõ tính đúng đắn, ý nghĩa chính trị, xã hội một cách sâu sắc về chủ trương thực hiện. Ngày hội Đại đoàn kết đã trở thành nhiệm vụ quan trọng trong công tác Mặt trận.

Trở về Tây Nguyên trong tháng 11. Những cơn mưa còn rớt lại như “vàng” ngấm sâu vào lòng đất, tưới tắm cho hàng ngàn hecta cà phê, hồ tiêu; những dòng sông như Đakla, Sêrêpôk lại cuồn cuộn nước về. Những cánh rừng biên giới dọc các huyện Buôn Đôn, Ea Súp (Đắk Lắk) mơn mởn một màu xanh.

Trong chiều dài lịch sử, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng các dân tộc Tây Nguyên đã và đang có đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. Đặc biệt đồng bào các dân tộc tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn luôn là nền tảng văn hóa, lịch sử quan trọng để giữ gìn, phát triển kinh tế-xã hội trên mảnh đất hết sức thiêng liêng này. Xã Dur Kmăl, ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk là một ví dụ.

Dur Kmăl là một khu căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bây giờ đồng bào của 7 dân tộc anh em như Kinh, Tày, Thái, Mường, Ê Đê, Nùng, Cao Lan cùng chung sống trên mảnh đất này.

Theo bà H’ Duyên Hmôk, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xã Dur Kmăl, thời gian qua, bà con trong các buôn, thôn đã có nhiều hoạt động thiết thực trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và địa phương phát động.

Trong tiếng cồng tiếng chiêng, bà con Dur Kmăl phấn khởi chào đón hai vị khách đặc biệt đến cùng Ngày hội. Già làng Y Đhun Hók – người trao hai chiếc áo truyền thống của bản làng cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn xúc động chia sẻ rằng, tấm áo này chính là tình cảm, hơi ấm dạt dào mà bà con nơi đây muốn dành cho những vị khách đặc biệt.

Khoác lên mình tấm áo của đồng bào, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn xúc động như đón nhận tình cảm của cả Tây Nguyên, nhấp một chút rượu cần, bắt nhịp một vòng xoang… Tất cả mang hương vị Tây Nguyên đầy sự chân thật và nồng ấm.

Tây Nguyên không chỉ được coi là mái nhà của miền Trung khi có chức năng phòng hộ rất lớn mà còn được xem là nóc nhà của toàn Đông Dương. Nóc nhà tức là bộ phận quan trọng nhất, nhạy cảm, mong manh nhất. Cho nên những vấn đề hiện tại của Tây Nguyên vừa nóng bỏng vừa lâu dài. Làm gì, sống như thế nào trên nóc nhà lừng lững nhưng cũng dễ bị tổn thương này luôn là nỗi trăn trở không chỉ vì Tây Nguyên, vì sự phát triển bền vững của Tây Nguyên mà còn vì sự phát triển bền vững của cả đất nước.

Thực tiễn đã cho phép chúng ta rút ra một bài học sâu sắc mang tính quy luật: Bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc.

Đại đoàn kết là sứ mệnh của Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Trải qua 88 năm hình thành và phát triển, trong tiến trình đó, Mặt trận có sự đoàn kết, tập hợp tất cả những lực lượng dân tộc và trong các mục tiêu chung của dân tộc, trong những phong trào thi đua yêu nước.

Trong căn nhà rông truyền thống của đồng bào, ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, muốn đoàn kết thì không thể một cá nhân riêng lẻ mà phải có sự tổ chức, tập hợp bà con, tập hợp quần chúng nhân dân, trên dưới đồng lòng…

“Muốn đoàn kết thì chúng ta phải có Mặt trận, thành lập Mặt trận để tinh thần đại đoàn kết được phát huy, đúng như lời Bác Hồ đã căn dặn “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết thì mọi việc đều đi đến thắng lợi”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước cũng đánh giá cao việc UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư từ hơn 10 năm qua và mong muốn đồng bào trong xã tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, tạo sự đồng lòng, nhất trí để đưa mọi chủ trương, chính sách của Đảng cùng đi đến thắng lợi.

Đối với mỗi người Việt Nam, lòng yêu nước, sự nhân nghĩa và tinh thần đoàn kết đã trở thành một tình cảm tự nhiên, in đậm dấu ấn trong cấu trúc xã hội truyền thống, tạo thành quan hệ ba tầng chặt chẽ: gia đình - làng xã - quốc gia.

Bây giờ, có đi khắp hơn 100 ngàn khu dân cư trên cả nước, hỏi về Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, chắc hẳn sẽ có nhiều câu chuyện để kể. Vui, buồn đều có nhưng hơn cả là sự sẻ chia ấm áp mà hàng xóm láng giềng dành dụm cho nhau, là những cuộc hạnh ngộ bất ngờ nhưng tình thân chan chứa. Cứ thế, dưới mái nhà Mặt trận, mối quan hệ gia đình- làng xã- quốc gia lại thêm bền chặt. Và Ngày hội Đại đoàn kết chính là một biểu hiện sinh động nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trong vòng tay của bà con nhân dân thôn Nội Ninh.

Vì Ngày hội còn là một dịp để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã về với dân “để nghe người dân nói, để xem đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn ra sao” như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi về với bà con trong ngày hội tại thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa lớn lao, là một hoạt động thiết thực để tránh bệnh quan liêu, xa dân mà một bộ phận cán bộ mắc phải. Đối với khu dân cư, đây là dịp tổng kết tình làng nghĩa xóm, sự đóng góp của mỗi người dân trong việc xây dựng thôn, làng. Đây cũng là diễn đàn dân chủ ở nông thôn, tập hợp sức mạnh của người dân.

Nội Ninh là một vùng quê xanh, sạch, kiểu mẫu về nông thôn mới. Với 92% là hộ gia đình văn hóa. Gần 100% dân số có thẻ bảo hiểm y tế trong khi cả nước mới đạt khoảng 86%.

Bởi vậy, điều mà người đứng đầu Chính phủ đặc biệt chú ý chính là bài phát biểu của đồng chí Trưởng Ban công tác Mặt trận của thôn vì “nội dung súc tích, nêu được mặt nổi trội ở địa phương đạt được, thành quả đó chính là chúng ta biết phát huy sức mạnh dân chủ ở địa bàn”.

Vì thế, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa lớn lao mà mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu hơn, phải biết dựa vào dân, lắng nghe ý kiến nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở địa phương, ở cơ sở. Cho nên, Thủ tướng cho rằng, cán bộ, đảng viên ngoài năng lực, phẩm chất hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phong cách, tư tưởng, tinh thần đoàn kết là một tiêu chuẩn quan trọng.

Từ Nội Ninh, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền trong cả nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và đẩy mạnh các cuộc vận động phong trào thi đua yêu nước, nâng cao hiệu quả phong trào giúp nhau giảm nghèo bền vững, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Phát huy mặt tốt, khắc phục nhanh tồn tại, bất cập, yếu kém để làm sao nhân dân tin tưởng, nên “đầu tiên tôi đề nghị là chúng ta phải làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, như chống quan liêu, xa dân, không lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm”, Thủ tướng nêu rõ.

Bà con nhân dân thôn Nam Ô Trình chào đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn về dự ngày hội.

Mong muốn này cũng là quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi về với bà con thôn Nam Ô Trình, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy (Thái Bình) trong Ngày hội Đại đoàn kết. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền ở tỉnh Thái Bình cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

“Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, kịp thời chia sẻ, động viên, lắng nghe, tập hợp ý kiến nguyện vọng chính đáng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Mặt trận ở cơ sở và khu dân cư”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hiện nay trong các hoạt động của Mặt trận cơ sở, công tác hòa giải và hoạt động thanh tra nhân dân là hai hoạt động rất thiết thực. Hai hoạt động này liên quan chặt chẽ đến nhau. Thanh tra nhân dân là tìm ra những vấn đề bất hợp lý trong công việc, chính sách ở cơ sở. Từ mâu thuẫn phát hiện trong quá trình thanh tra, có thể giải quyết trong công tác hòa giải. Và công tác hòa giải là một bước đỡ gánh nặng, giảm nhẹ áp lực cho chính quyền ở cơ sở, góp phần không để xảy ra những điểm nóng.

Trong nhiều năm qua, công tác hòa giải và hoạt động thanh tra, giám sát của Mặt trận ở trên 100 ngàn khu dân cư cả nước đã phát huy hiệu quả thiết thực trong đời sống cộng đồng, đặc biệt góp phần phát huy dân chủ cơ sở, từ đó góp phần xây dựng và gìn giữ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Người dân thôn Nội Ninh trong Ngày hội Đại đoàn kết.

Nhấn mạnh ý nghĩa của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc sau 15 năm triển khai tới hơn 100 ngàn khu dân cư trên cả nước, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, Ngày hội đã được đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước về với khu dân cư trên khắp mọi miền Tổ quốc, mỗi khu dân cư đều mang bản sắc riêng, nét độc đáo riêng góp phần kết nối tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để tiếp tục nhân lên sức mạnh đại đoàn kết, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn mong muốn cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và người dân sẽ cùng đoàn kết, chung sức, đồng lòng triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đổi mới sản xuất kinh doanh, quan tâm chăm lo, bảo vệ sức khỏe của người dân, để mỗi miền quê trở thành những nơi đáng sống.

Những tiết mục văn nghệ của bà con thôn Nam Ô Trình.

Lê Na

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/ngay-hoi-cua-long-dan-tintuc424361