Ngày hội của các tổ chức xã hội Việt Nam

Hội thảo Thường niên các tổ chức xã hội năm 2019 hướng chủ đề vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng và góp ý xây dựng các dự thảo luật.

Sáng 18/9, Liên Hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội năm 2019 với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện cho các tổ chức trong và ngoài Liên hiệp, bao gồm cả các tổ chức quốc tế như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam.

TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội các tổ chức xã hội 2019, TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam nhận định, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống y tế công bằng, dân tộc, đại chúng, chất lượng và hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Với lợi thế tập hợp các chuyên gia và hoạt động có hiệu quả, các tổ chức xã hội đã được các cơ quan quản lý Nhà nước, chính phủ tin cậy, giao triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng: Tổng hội Y học Việt Nam đánh giá, kiến nghị các giải pháp để sử dụng hiệu quả của quỹ bảo hiểm y tế; Tổ chức đánh giá và công bố chất lượng bệnh viện (trong đó có chất lượng xét nghiệm).

Nhiều tổ chức xã hội đã phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo để đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế như các dự thảo Luật: Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược, Luật Người cao tuổi, Luật Phòng chống HIV/AIDS, Luật Bảo hiểm y tế, Luật chuyển đổi giới tính, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, LUật phòng chống tác hại của rượu, bia.

Chỉ tính riêng dự thảo luật phòng chống tác hại của rượu bia, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) và Liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN) đã tham dự 10 hội thảo, tổ chức và phối họp tổ chức 5 hội thảo, viết 8 thư kiến nghị gửi cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng còn nhiều bất cập. Trong nhiều vấn đề thì vấn đề xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức. Vai trò của các tổ chức xã hội chưa được phát huy, việc huy động và khuyến khích nguồn lực xã hội, từ khối tư nhân tham gia chưa sâu rộng hơn vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng chưa tương xứng với tiềm năng.

Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, các tổ chức xã hội còn gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc, đó là nhận thức về vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội còn nhiều hạn chế đặc biệt là các quy định về quản lý trong việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội còn hạn chế.

Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức xã hội tại Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong vấn đề sức khỏe cộng đồng.

TS. Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Ông Phong đánh giá việc lựa chọn chủ đề trong Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội năm nay về chăm sóc sức khỏe cộng đồng là "xuất sắc" bởi đây là thời điểm thích hợp.

"Đến năm 2035, nước ta đã chuyển sang dân số già. Già nhưng chưa giàu. Đó là một thách thức thực sự của Việt Nam. Tuổi thọ bình quân được nâng cao hơn nhưng người cao tuổi Việt Nam đang sống chung với bệnh tật rất lớn. Tuổi trẻ làm ăn, tiết kiệm được thì khi có tuổi lại bỏ ra cho các chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe. Đây là thách thức trong xã hội và phải xã hội hóa lĩnh vực này. Các tổ chức xã hội phải là tiên phong và sẽ làm tốt vấn đề này. Nhưng các tổ chức xã hội chỉ làm tốt khi có những chính sách tốt ban hành kèm theo" - ông Phong nhận định.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, thông qua kiểm soát vấn đề ngân sách trong ngành y, ông nhận thấy đầu tư cho y tế dự phòng rất ít so với đầu tư cho khám, chữa bệnh.

"Căn cứ theo Nghị quyết 18 của Quốc hội, tổng số đầu tư cho y tế thì 30% phải đầu tư cho y tế dự phòng nhưng điểm lại, hầu hết các địa phương đều không đạt được con số này. Do đó, sức khỏe cộng đồng sẽ có vấn đề khi nguồn lực đầu tư, chính sách, giải pháp chưa đáp ứng được yêu cầu. Như vậy, vai trò của các tổ chức xã hội là thúc đẩy, phản biện xã hội, giúp cho thực hiện chính sách đúng theo quy định của pháp luật" - ông Phong nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Đỗ Thị Vân - Giám đốc Trung tâm thông tin Tổ Chức Phi Chính phủ (NGO-IC) nhận định, tất cả các tổ chức xã hội đã "len lỏi" trong cộng đồng và đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hệ thống tổ chức xã hội vô cùng rộng đi khắp cộng đồng mang đến giá trị đáng kể đối với sự phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam.

"Trong thời gian tới, các tổ chức xã hội rất mong có được một môi trường pháp lý để hoạt động mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội" - bà Vân nhận định.

Toàn cảnh Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội 2019.

Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, các tổ chức xã hội đã tham gia góp ý trực tiếp vào nội dung các dự thảo. Đây là các phản biện mang tính chất độc lập, khách quan, khoa học góp phần hoàn thiện.

Các tổ chức xã hội cũng cung cấp các bằng chứng khoa học chính xác, kịp thời cho các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội để bảo đảm tuân thủ theo đúng khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới, các cam kết của Việt Nam với quốc tế như Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức xã hội cũng đặc biệt quan trọng trong vận động, truyền thông mạnh mẽ về sự cần thiết ban hành luật, bảo vệ
các quan điểm, nội dung của dự án luật.

Ông Quang bày tỏ, Bộ Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng các dự thảo, tạo sự hoàn thiện hơn về thể chế pháp lý trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/ngay-hoi-cua-cac-to-chuc-xa-hoi-viet-nam-3387819/