Ngày hoàn lương của du đãng từng một mình 'làm thịt' 20 đối thủ

Mấy chục năm bên nhau, ba lần khắc khoải đợi anh nơi tù ngục, tình yêu nhẫn nại của chị đã giúp anh trở về nẻo thiện.

Với người lương thiện, cái tên Long “gái” (tức Nguyễn Việt Long, SN 1964, ngụ Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội) gợi nhớ đến gã du đãng khét tiếng một vùng.

Nhưng trong mắt chị Nguyễn Thị Hiền (sN 1969, ngụ cùng địa chỉ), Long luôn là người đàn ông tốt. Mấy chục năm bên nhau, ba lần khắc khoải đợi anh nơi tù ngục, tình yêu nhẫn nại của chị đã giúp anh trở về nẻo thiện.

Bến xe phía Nam từng là bến xe có quy mô lớn nhất ở Hà Nội.

Tình nghèo đong đầy kỉ niệm

17 tuổi nghỉ học, theo mẹ buôn bán lặt vặt ở Bến xe phía Nam, Hiền đã lọt vào “mắt xanh” của Long. Lúc ấy, gã mới chỉ là giang hồ nhép, theo các đàn anh thỉnh thoảng tham gia vài vụ ẩu đả nơi bến bãi. Trong mắt Hiền, đó là một anh chàng đẹp trai, chỉ hơi nghịch ngợm chút thôi.

Thực ra, vẻ bề ngoài của Long dễ dàng khiến người mới gặp lầm tưởng. Gã không những đẹp trai mà còn trắng trẻo, ăn nói nhỏ nhẹ và không bao giờ nói tục. Long giống như một loại “của hiếm” trong giới giang hồ.

Có lẽ cũng vì những đặc điểm đó, gã mới có biệt danh là “gái”. Nhưng bất cứ đối thủ nào bị đánh lừa bởi bề ngoài của gã đều sẽ trả giá đắt. Long rất giỏi võ và khi ẩu đả, gã ra tay cũng tàn bạo như mọi giang hồ máu lạnh khác.

Chuyện về võ nghệ của Long được kể nhiều nhất là vụ gã một mình “làm cỏ” băng “thương binh” ở bến phía Nam. Đó là khoảng năm 1990, bến xe này hỗn loạn các băng nhóm tranh giành lãnh địa. Khu vực làm ăn của Long bị giành giật trắng trợn bởi một nhóm khoác danh nghĩa thương binh. Chỉ có vài người thực sự là cựu chiến binh còn đa số là những kẻ giả danh.

Với cái “mác” từng cống hiến xương máu nơi chiến trường, họ gây nhiễu các hàng quán trong bến mà ít ai dám dây dưa với họ. Biết va chạm không tránh khỏi, Long bắn tin thách đấu với khoảng 20 đối thủ.

Gã lạnh lùng bảo: “Chúng mày không què cụt thì cũng có vẻ yếu ớt, giờ lên cả thì mới cân, kẻo giang hồ lại bảo tao bắt nạt người tàn tật”. Dù đến một nửa băng thương binh là những người có thương tật nhưng dám thách đấu với tất cả như thế cũng không đơn giản.

Tuy vậy, cuộc chiến diễn ra khá chóng vánh. Nhóm thương binh người vác nạng, kẻ vung gậy hùng hổ lao đến, còn Long cứ như cái bóng, lướt qua đâu là có người ngã ở đó. Phút chốc các đối thủ nằm la liệt rên la, nạng với gậy rơi lỏng chỏng.

Sau vụ ẩu đả, băng thương binh vắng bóng khỏi bến xe. Cái tên Long “gái” từ đó nổi như cồn. Nhưng đó là chuyện sau này, còn lúc mới đến với nhau, Long và Hiền đều chẳng có gì.

Có mỗi chiếc xe lọc cọc, tối nào Long cũng đạp xe từ ngõ Lò Lợn (Phố Bạch Mai) xuống khu Đuôi cá, đón Hiền đi chơi. Mà nào có tiền để ăn uống gì, hai người cứ lang thang dạo phố, mỏi thì dừng nghỉ, miễn bên nhau là vui rồi.

Sau này Hiền kể: “Nhà hai đứa đều nghèo, phải bươn trải mới có cái ăn. Có mấy đồng thì để dành nhỡ xe hỏng nên đâu dám tiêu. Đạp xe cả tối, về biết anh đói mệt, tôi thường nấu nắm phở khô. Thường là “ không người lái” mà hai đứa vẫn xì xụp, sơn hào hải vị cũng không bằng”.

Tình nghèo cứ đong đầy những kỷ niệm giản dị như thế. Hiền yêu Long, nhưng chọn lựa sống bên kẻ giang hồ, cô không biết từ đây đời mình sẽ gặp toàn sóng gió. Yêu nhau hai năm, lần đầu tiên Hiền biết thế nào là chia ly.

Long bị bắt sau một vụ ẩu đả gây thương tích, lĩnh án 2 năm tù. Lúc ấy, Hiền còn rất trẻ. Cảnh chờ đợi người tù tội, không khỏi khiến cô có những lúc chán nản trong lòng. Nhưng dường như số phận đã gắn kết hai người, cô không thể quên mà cũng không nỡ phũ phàng với Long.

Bố Long mất sớm, Long đi tù nhà chỉ còn mẹ. Hiền thường xuyên qua lại phụ giúp việc nhà, chăm sóc. Những lúc mẹ Long ốm đau.

Vài tháng một lần, hai người phụ nữ cũng gom được chút tiền, đi thăm nuôi kẻ trong vòng lao lý. Gặp Hiền, nhìn cô đỡ đần mẹ như đứa con dâu hiền thảo, từ lúc ấy, Long tự hứa rằng đời này sẽ không bao giờ phụ cô.

Ngập sâu vào tội lỗi

Không phụ người yêu nhưng Long lại phụ chính bản thân mình. Quãng thời gian trả giá không khiến Long tỉnh ngộ, trái lại, còn dấn sâu thêm vào tội lỗi. Hai năm gã ở tù, đám đàn anh bỏ bẵng, chẳng ngó ngàng gì. Long vô cùng cay cú.

Vì thế, ngay khi trở về xã hội, gã tụ tập vài chiến hữu thân thiết cùng một số bạn quen trong tù, thành lập băng nhóm riêng. Long tuyên bố: “Làm đàn anh mà không lo cho đàn em thì không xứng là đàn anh. Từ nay, Long “gái” này không làm đàn em của thằng nào hết”.

Long kéo gần chục chiến hữu trở lại địa bàn cũ, tranh giành tầm ảnh hưởng với chính những kẻ từng là đàn anh mình. Đầu những năm 1990, “thế giới ngầm” bến xe phía nam nổi sóng, xô xát, đâm chém xảy ra liên miên. Rất nhiều trong những vụ việc đó do Long “ gái” cầm đầu.

Giỏi võ lại lì lợm, thêm đám đàn em “máu lửa”, Long dần đánh bật hoặc thu phục các băng nhóm khác. Hai năm sau ngày ra tù, gã đã trở thành một thế lực không ai dám đụng đến. Từ gần chục người ban đầu, băng Long “gái” đã lên hơn 40 thành viên.

Cùng với sự “lên số” của Long là bao ngày đêm lo âu mất ăn mất ngủ của Hiền. Sau khi Long ra tù, hai người đã về chung sống với nhau không cần cưới hỏi.

Và vì thế, Hiền càng dễ dàng chứng kiến bao thăng trầm của kiếp giang hồ. Hiền kể lại: “Anh ấy cứ ra khỏi nhà là tôi đứng ngồi không yên. Nhiều đêm anh trở về, máu me đầy người, lúc là máu anh ấy, cũng có lúc là máu đối thủ. Biết anh ấy đang đi vào con đường tối nhưng tôi chẳng biết khuyên thế nào, vì khi mới yêu, tôi đã trót chấp nhận con đường giang hồ ấy rồi”.

Đến khoảng năm 1991, giang hồ bến phía Nam dần thỏa hiệp với nhau, “chung sống” hòa bình. Long “gái” cùng vài “trùm” khác chia nhau địa bàn hoạt động. Mọi lĩnh vực bảo kê từ xe cộ, quán xá, hàng hóa cho đến cờ bạc, mại dâm đều trong tầm kiểm soát của họ.

Long bắt đầu kiếm được nhiều tiền “bẩn”. Gian hàng nhỏ đi thuê của Hiền bên hông bến xe đã được mua đứt, mở rộng, nâng cấp thành nhà hàng 3 tầng khang trang.

Mỗi lần, Hiền bước ra cửa, đám đàn em Long đều chào ràn rạt. Nhưng dù Long có nói thế nào, Hiền vẫn không chịu nghỉ ở nhà. Cô vẫn đều đặn mở cửa hàng, bán buôn như lúc trước.

Từng khắc khoải đợi lúc Long đi tù, từng chăm sóc Long thương tích đầy người, hơn ai hết, Hiền hiểu giang hồ chỉ là phù vân, được đấy mà mất đấy. Dự cảm ấy không sai. Năm 1993, khi Hiền mang thai đứa con đầu lòng thì Long bị bắt. Cầm đầu nhiều hoạt động phạm pháp, Long trả giá đắt với 7 năm tù.

Hai lần không biết mặt con

Lần nữa, Hiền lại đằng đẵng chuỗi ngày đợi chờ, một mình nuôi con, một mình thăm nuôi chồng “hờ”. Hiền không nhận sự trợ giúp từ đám đàn em Long, cũng kiên quyết không cho họ cùng đi tiếp tế.

Nói “ không” với tiền “bẩn” như thế, Hiền những mong Long sẽ tỉnh ngộ. Nhưng cạm bẫy giang hồ đã sa vào rồi thật khó thoát ra. Năm 1998, Long được tha tù, lập tức trở về với sự “tiền hô hậu ủng” của đàn em. Gã nói với vợ “hờ”. “Anh từ nhỏ đã theo nghề “dao búa”.

Ngoài ra, còn biết làm gì khác đâu”. Thời điểm này, hoạt động băng nhóm ở bến phía Nam bị trấn áp, không còn đất sống. Long “ gái” cùng đám đệ tử chuyển hướng cho vay nặng lãi kiêm đòi nợ thuê.

Lĩnh vực phi pháp này kiếm bội tiền nhưng cũng khiến Long phải va chạm, xung đột với nhiều băng nhóm khác. Khoảng cuối năm 2000, trong một vụ thanh toán của “ thế giới ngầm”, Long bị bắn trọng thương. Tuy nhiên trước đó, gã đã kịp giết một người trong nhóm đối thủ.

Ra viện, Long cũng nhập trại luôn với bản án 12 năm tù. Hiền là người đau khổ nhất. Như cái “dớp”, chồng “hờ” trả giá đúng lúc chị mang thai đứa con thứ hai. Lần “ bóc lịch” này, vết thương do bị bắn hành hạ khiến Long đau ốm liên miên.

Gã sinh ra quẫn trí, tìm đủ cách chống đối, vi phạm nội quy trại giam, không chịu cải tạo. Nghe tin ấy, Hiền biết mình không chần chừ được nữa. Lên trại giam số 5 (tỉnh Thanh Hóa ) thăm Long, chị nói:

“Năm nay anh đã gần 40 tuổi, một nửa cuộc đời đã trôi qua, vậy mà anh vẫn ngập trong sai trái. Em hai lần vượt cạn, anh đều không ở đó để nhìn mặt con. Với em, anh luôn là người chồng tốt, em có thể chấp nhận con người giang hồ của anh. Nhưng còn các con thì sao?”.

Nhạt nhòa nước mắt nhìn Long qua cửa kính buồng thăm gặp, Hiền ra tối hậu thư: “Nếu anh vẫn không chịu cải tạo để thành người lương thiện, thì vì tương lai các con, em sẽ bỏ anh”.

Đêm ấy trong buồng giam, Long suy nghĩ rất nhiều. Đời gã mấy chục năm lăn lóc giang hồ, được gì ngoài tấm thân tàn tạ vì những vết thương đâm chém.

Và Hiền, 17 tuổi cô đã theo gã. Vậy mà cả tuổi thanh xuân chỉ là chuỗi ngày chờ đợi gã nơi lao lý, khổ cực nuôi con một mình. Hai con gã nữa, Hiền đã đúng, chúng sẽ ra sao nếu người bố cứ mãi u mê trong tội lỗi.

Sau những lời quyết liệt của Hiền, Long hiểu rằng để không mất cô và các con, gã chỉ có con đường hoàn lương. Từ đó, Long tu tâm dưỡng tính, cố gắng lao động cải tạo.

Thấy chồng “ hờ” sửa đổi, Hiền mừng lắm. Tháng nào chị cũng đưa hai con lên thăm bố, để Long có động lực phấn đấu. Năm 2008, nhờ cải tạo tốt, Long được tha tù trước thời hạn.

Giờ đây, Long đã trở thành người lương thiện. Gia đình họ vẫn sống trong căn nhà kiêm cửa hàng bên hông bến xe phía Nam.

Nhưng không còn Long “ gái”, du đãng khét tiếng một vùng nữa. Chỉ có một người đàn ông trung niên, sức khỏe không tốt lắm, ngày ngày chăm chỉ phụ vợ bán hàng tạp hóa. Và trong mắt chị Hiền, anh Long lại là gã trai thuở nào, trắng trẻo, nhỏ nhẹ, chẳng nói tục bao giờ.

Việt Văn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ngay-hoan-luong-cua-du-dang-tung-mot-minh-lam-thit-20-doi-thu-d77425.html