Ngày hè của trẻ ở bản Phai Làu: Nhọc nhằn mưu sinh

Hè là thời gian để trẻ em có thời gian vui chơi, giải trí chuẩn bị cho năm học mới. Thế nhưng, các em ở bản Phai Làu, xã Đồng Văn (Bình Liêu - Quảng Ninh) lại phải rong ruổi theo chân bố mẹ lên rừng lấy củi, chăn trâu, cắt cỏ hoặc ra các khe suối bắt cá, lấy cỏ cây, hoa lá, đất cát làm thú vui ngày hè.

Thiếu sân chơi nhiều trẻ em tìm ra suối, ra mương để tắm, tiềm ẩn nguy cơ thương tích và đuối nước.

Nhọc nhằn

Đến bản Phai Làu vào những ngày này không khó để chúng tôi bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ từ 8 - 12 tuổi với nước da đen nhẻm, đầu trần chân đất đi chăn trâu; hình ảnh những em gái nhỏ người Dao với đôi chân trần, trên vai vác bó củi to hơn người khiến ai thấy không khỏi chạnh lòng.

Vừa đi vừa thở thở hổn hển, em Dường Ngọc Lan, học sinh lớp 4, thều thào: “Kể từ lúc được nghỉ hè, ngày nào em cũng cùng bố mẹ lên rừng, hôm thì lấy củi, hôm thì chăn dê. Bọn em không có thời gian vui chơi như các bạn ở thành phố, càng không có nhiều đồ chơi và chỗ chơi như các bạn”.

Như bao đứa trẻ khác trong bản người Dao ở Phai Làu, ngày nào cũng vậy, khi sương còn giăng trên đỉnh đồi, Dường Phúc Lâm đã cùng đám trẻ trong bản cơm đùm, cơm nắm lùa trâu lên các sườn đồi để chăn. Em Lâm tâm sự: “Em cùng các bạn trong bản đưa trâu lên đồi từ sớm để trâu ăn, nếu đi muộn, nắng quá, trâu chẳng chịu ăn cỏ”. Hỏi về mơ ước những ngày hè, Lâm cho biết: “Em mong sẽ được vui chơi thỏa thích, có thật nhiều đồ chơi”.

Ông Chìu Văn Phúc, Trưởng bản Phai Làu, cho biết: “Bản có hơn 80 hộ với 100% là đồng bào dân tộc Dao. Đời sống nơi đây còn nhiều khó khăn, bà con lo ăn còn chưa đủ nói gì đến lo chơi cho lũ trẻ. Nghỉ hè, trẻ con ở đây không có thời gian đi chơi như trẻ con dưới xuôi vì mùa hè là mùa công việc đồng áng của nhà nông như: thu hoạch lạc, ngô, gặt lúa, cấy lúa. Đứa trẻ lớn chút thì ở nhà trông em, đứa trên 10 tuổi đi theo phụ giúp bố mẹ công việc nhà như chăn trâu, chăn dê, lấy củi, làm việc đồng áng. Nói chung, đời sống ở đây khó khăn nên trẻ con không có nhiều điều kiện để nghỉ ngơi, vui chơi”.

Cần lắm những sân chơi

Lang thang một ngày ở miền sơn cước Phai Làu, không khó để chúng tôi bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ mặt mày lem luốc thản nhiên nô đùa giữa lòng đường, khi nhìn thấy xe máy của người lạ đi qua, chúng vội vàng đứng khép nép vào nhau, mắt ngơ ngác nhìn theo.

Thiếu sân chơi bổ ích, phù hợp với lứa tuổi, những đứa trẻ ở vùng cao thường nghĩ ra những trò chơi mạo hiểm như leo cây, tắm suối, nhảy từ những tảng đá to nhào xuống khe hay đu từ dây leo nhảy xuống suối, hoặc các em nhỏ hơn thì tắm ở các mương dẫn từ khe suối ra ruộng… Tất cả những trò chơi này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ em.

Anh Giáp Văn Cường, Bí thư Đoàn xã Đồng Văn, cho biết: “Vì địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên việc tập hợp, duy trì tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi ở đây rất khó khăn. Tuy nhiên, để trẻ có một sân chơi, một kỳ nghỉ hè bổ ích, chúng tôi phối hợp với cán bộ các thôn, bản tổ chức tuyên truyền, vận động gia đình quản lý tốt các em khi ở nhà, tránh không để tình trạng đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, chúng tôi cũng tham mưu với huyện Đoàn hỗ trợ thêm kinh phí mua đồ chơi cho trẻ, tập trung trẻ tại các nhà văn hóa cộng đồng thôn bản để các em có thể đến chơi hàng ngày, hạn chế thấp nhất tình trạng đi tắm suối không có người lớn đi kèm, nhất là khi nước lũ đến bất ngờ”.

Việc tạo ra những hoạt động tập thể ngày hè cho trẻ ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số không chỉ là dịp để các em được vui chơi mà còn là cơ hội để các em học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và mạnh dạn hơn thông qua các hoạt động đó.

La Lành

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ngay-he-cua-tre-o-ban-phai-lau-nhoc-nhan-muu-sinh-post5462.html