Ngày hè của con

Thế rồi kỳ nghỉ hè cũng đến, cho dẫu muộn hơn mọi năm trước cả tháng trời. Hà Nội đang trong những ngày nắng nóng, chỉ cần nghĩ đến việc sẽ được đi chơi đây đó và không phải căng đầu vì những môn học là bọn trẻ đã vui mừng quá đỗi.

Trẻ em chơi thả diều trong những ngày hè. Ảnh: NGUYỄN NGOAN

Trẻ em chơi thả diều trong những ngày hè. Ảnh: NGUYỄN NGOAN

Thế rồi kỳ nghỉ hè cũng đến, cho dẫu muộn hơn mọi năm trước cả tháng trời. Hà Nội đang trong những ngày nắng nóng, chỉ cần nghĩ đến việc sẽ được đi chơi đây đó và không phải căng đầu vì những môn học là bọn trẻ đã vui mừng quá đỗi.

Có những gia đình chọn cách gửi bọn trẻ về quê với ông bà. Quanh năm sống ở thành phố, giờ được về quê nghỉ hè, đó là niềm mơ ước của trẻ con. Thế nhưng, đó chỉ là số ít, vì không phải gia đình nào cũng có một vùng quê nơi thôn dã để về. Với những đứa trẻ mà bố mẹ lựa chọn cho chúng ở lại thành phố thì mỗi gia đình cũng sẽ có cách thu xếp phù hợp.

Trên con phố quen hằng ngày tôi vẫn chở con gái đi học qua, điều đọng lại trong nó chỉ là hai buổi sáng, chiều tấp nập người, xe đi về hối hả. Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè, vào đúng ngày cuối tuần, sáng sớm tôi dẫn con đi bộ dọc phố để đến khu chợ. Điều khiến con bé ngạc nhiên là phố cũng có lúc trầm lặng và thong thả đến vậy. Vỉa hè thênh thang dưới hàng cây cổ thụ, thay vì ngày thường chật kín những chiếc xe đỗ dọc, đỗ ngang. Con gái tôi đang chuẩn bị bước vào lớp 3, ở tuổi ấy có lẽ cũng đủ để có những ký ức đậm sâu về phố. Nó đếm được trên quãng đường mình đi có 36 cây xà cừ và 12 cây sấu. Những vòm cây thu hút nó bởi bóng dáng một chú sóc nâu đuôi đỏ lúc ẩn, lúc hiện như đang đùa giỡn trong vòm lá xanh. Thì ra ở phố cũng có những phút giây con người gần gũi với thiên nhiên như thế, con bé thốt lên như thể nó là người đầu tiên khám phá ra bí mật. Đi qua chỗ bác sửa xe máy, tay chân lúc nào cũng lấm lem dầu, hay bà bán hàng rong với những món quê, con bé lại tiếp tục ngạc nhiên khi thấy tôi chào hỏi và nói chuyện như với người thân thích. Tôi giải thích cho con, họ là những người quen của phố mình suốt nhiều năm nay, con nghĩ xem, nếu không có bác sửa xe chúng ta sẽ thật vất vả mỗi khi xe hỏng, nếu không có bà bán hàng rong thì cũng thật khó khăn khi ta muốn ăn bắp ngô hay miếng bánh dợm…

Bị hấp dẫn bởi những vòm cây, những con người của phố, hôm sau con bé lại bày tỏ mong muốn được khám phá thêm những điều ở phố mình mà lâu nay nó đã bỏ qua. Ở vùng ngoại ô hay ở các miền quê, bọn trẻ có thể tha hồ thả diều, đá bóng, ngụp lặn trong một không gian rộng lớn. Còn ở thành phố, chúng ta cũng có thể tạo ra cho con một không gian lớn hơn, bằng cách khám phá chính nơi mình đang sống. Đến những khu vui chơi mãi rồi cũng chán, nhưng khi mang trong mình cảm giác là người khám phá thì khác. Khuất lấp trong những ngôi nhà, những con đường, những khu phố là bao nhiêu con người, bao nhiêu câu chuyện và sâu hơn, đó là lịch sử. Một tối đi dạo, quá chân tôi dẫn con qua phố Lò Rèn, nó kinh ngạc khi thấy hình ảnh người đàn ông trung tuổi ngồi bên cái lò đỏ rực lửa trong khi nhiệt độ ngoài trời cũng đang rất nóng. Tôi nói cho nó biết, đó là người thợ cuối cùng còn lại của phố Lò Rèn. Trước đây cả phố này đỏ lửa trong tiếng búa, tiếng đe, bởi vậy phố có tên là Lò Rèn. Nhưng thời gian trôi, nhịp sống thay đổi cho nên nghề đã bị mai một. Từ đó con bé đã có một hình dung rõ hơn về Hà Nội với ba mươi sáu phố phường, mỗi phố đều từng gắn với một nghề truyền thống, cho dẫu nay đã không còn. Hình ảnh người thợ rèn trên phố cổ đã cho nó dấu ấn về sự bền bỉ, say mê.

Chúng ta vẫn luôn dạy con trẻ về vẻ đẹp của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nhưng đó sẽ chỉ là một cách nói, nếu như chúng không biết được để có được lịch sử hào hoa ấy là công sức của biết bao thế hệ nối tiếp nhau đóng góp nên. Kỳ nghỉ hè mới bắt đầu, có lẽ còn rất nhiều điều để chúng ta nói với con và nói với chính mình...

Tuấn Lam

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/ngay-he-cua-con-609776/