Ngày Giêng xưa ấy, bây giờ…

'Nguyên' là thứ nhất, 'tiêu' là đêm. Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng Mười). Ngày xuân như được ai giục, ai mời, tôi tới một ngôi chùa tịch mịch ven sông Hồng, mạn đàm với Sư thầy Đàm Lan.

Thả đèn trong ngày Tết Nguyên Tiêu.

Vừa bước chân vào sân chùa đã nghe thấy tiếng nhà chùa trách nhẹ: “Sao bác tới chùa muộn thế” rồi nhẩn nha sư thầy rót nước.

Bưng bát nước vối trên tay, lại bấn vào với những bước chân chầm chậm trên từng bậc thềm lên chùa khấn vái. Lại trầm tư phóng tầm mắt ra sông hồi tưởng bao thế hệ tiền nhân đã từng qua đây xông pha giữ cõi.

Tôi buột miệng dạm nhời: “Thưa! Nhà chùa chuẩn bị cúng Rằm xong chưa ạ?”. “Dạ! Bác hỏi thăm. Cũng vậy, như năm nhiều trước”, sư thầy Đàm Lan chia sẻ.

Chỉ một câu “cũng vậy” ấy mà thật nhiều gói đựng. Bởi tôi biết, nhà chùa bận suốt những ngày xuân, ngày rằm sao rỗi.

Rằm tháng Giêng âm lịch, tiết Thượng nguyên, Tết Nguyên tiêu hôm nay như thường lệ là dịp để mọi chúng nhân cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cùng chung mơ ước một năm mới tốt lành, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Vào dịp này, người dân thường về chùa, đình, miếu để thắp hương cầu phúc, dâng sao giải hạn, cầu phúc cho gia đình và người thân, với mong muốn trong năm đó được bình an, gặp nhiều may mắn.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền, việc dâng sao giải hạn xuất phát từ Lão giáo.

Trong Bát quái đồ, mỗi người có 9 vì sao chiếu mệnh, mỗi năm mỗi người có sao cát tinh (sao tốt) và sao hung tinh (sao xấu). Sao cát tinh như Thái dương, Mộc đức, Thái âm, Thủy diệu… Sao hung tinh như: La hầu, Thái bạch, Kế đô…

Vào những ngày đầu năm mới, người ta thường đoán sao theo tuổi để biết cát, hung thế nào, rồi sắm sanh nhang đèn cúng sao giải hạn…

Người dân đổ về chùa dâng sao giải hạn hóa giải nỗi lo lắng, an tâm trong một năm, cũng là để nhận về mình giáo lý nhân quả, sống tốt đời đẹp đạo.

Tại các di tích thờ tự và cổ tự trong thành phố Hồ Chí Minh như: Giác Lâm, Giác Viên, Phụng Sơn, Hội Sơn, Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm, Ấn Quang, Già Lam, Dược Sư, Lăng Ông Bà Chiểu…, ngay từ mùng 8 Tết đã rộng cửa, sửa soạn để khách thập phương đến lễ Phật, dâng hương cầu phúc.

Những nơi có đông đồng bào người Hoa sinh sống, nhất là tại Sài Gòn - Chợ Lớn, Tết Nguyên tiêu diễn ra thật sinh động. Trong những ngày đó, các nhà chùa thường tổ chức lễ đàn Dược Sư, cầu an, thuyết pháp cho đồng bào Phật tử.

Từ năm 2009 trở lại đây, cứ vào dịp Tết Nguyên tiêu, chùa Vạn Phật lập đàn Dược Sư Hộ Ma theo truyền thống Phật giáo Mật tông, thu hút đồng bào người Hoa tham dự cầu nguyện.

Một trong nghi lễ truyền thống được đồng bào người Hoa chú trọng, đó là lễ “Thầu Đăng”. Nghi lễ này vừa phản ánh tín ngưỡng của đồng bào người Hoa với những ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc, vừa là một hoạt động xã hội có ý nghĩa to lớn trong việc đóng góp cho các hoạt động phúc lợi xã hội.

Cũng từ nhiều năm nay, rằm tháng Giêng đã trở thành ngày hội văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là dịp để mọi người cùng nhau thực hiện những ước mơ tốt đẹp trong tương lai.

Phật giáo là một tôn giáo gắn liền với văn hóa dân tộc, là nơi mà mọi người quay về nương tựa để xây dựng niềm tin vào một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Bởi vậy, ông bà ta thường có câu: “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.

Trong ngày lễ này, mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng của mỗi gia đình, vùng miền có thể khác nhau nhưng thể hiện được tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm an lành, may mắn.

Ngoài mâm lễ gia tiên, người ta thường làm một đàn lễ bên ngoài để cảm ơn thần linh đất, trời, Phật, Thánh và các vị anh hùng dân tộc.

Nhưng Phật là ở tại tâm nên tùy gia cảnh và quan niệm của mỗi người mà có những đàn lễ của riêng mình.

Có người cầu kỳ lễ lạt nhưng cũng có người chỉ cần pha một ấm trà, chén rượu, hoa quả, thắp nén nhang cũng đủ tỏ bầy tấm lòng thành kính với Phật tổ, tiền nhân.

Ngọc Kha

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ton-giao/ngay-gieng-xua-ay-bay-gio-tintuc396242