Ngày đoàn tụ đẫm nước mắt của cô gái sau gần 400 ngày lưu lạc

Chỉ vì tin vào những lời dụ dỗ đường mật của bọn mua bán người mà Trần Thị Kim Loan, quê ở Ninh Thuận đã bị các đối tượng đưa sang Trung Quốc. Đặt chân đến 'miền đất hứa', Loan phải chịu không biết bao nhiêu đắng cay, tủi nhục. Cuối cùng, sau hơn một năm lưu lạc, ở xứ người Loan may mắn thoát khỏi cuộc sống 'tù ngục', trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Nạn nhân Trần Thị Kim Loan khai báo sự việc tại Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam. Ảnh: Minh Văn

Được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng Trung Quốc, tổ chức trẻ em Rồng Xanh và Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP), giữa tháng 10-2018, Trần Thị Kim Loan đã được giải cứu và đưa về Việt Nam. Ngay sau khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Loan được cán bộ Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam làm thủ tục tiếp nhận. Ngồi trò chuyện với cán bộ Biên phòng, Loan liên tục lau hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má. Đến bây giờ, Loan vẫn ngỡ như một giấc mơ khi được trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình.

Nhớ lại quãng thời gian bị dụ dỗ, lừa bán sang Trung Quốc, Loan nói: “Cách đây 2 năm, tôi tình cờ quen và nói chuyện qua lại trên mạng xã hội với một người phụ nữ tên Xuân, sống tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Sau những cuộc trò chuyện, tâm sự về hoàn cảnh khó khăn của tôi, Xuân nhờ tôi tìm người để giới thiệu sang Trung Quốc lấy chồng, với tiền hoa hồng là 5 triệu đồng/người. Xuân cũng khuyên tôi, nếu cuộc sống hiện tại khó khăn quá thì nên sang Trung Quốc lấy chồng, sẽ được sống sung sướng hơn, lại có tiền gửi về cho bố mẹ ở quê. Trước lời gợi ý của Xuân, tôi đã đồng ý và đến giữa tháng 8-2017, dưới sự hướng dẫn của Xuân, tôi bắt xe từ Đồng Nai lên thành phố Hồ Chí Minh gặp một phụ nữ tên Bích. Bích đã mua vé máy bay cho tôi ra Hà Nội. Tại Hà Nội, tôi được một phụ nữ tên Giàu đón, đưa lên thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) và sang Trung Quốc”.

Đến khi qua biên giới, Loan mới vỡ ra rằng mình đã bị lừa. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, Loan bị bán 5 lần, trong đó có 4 lần bị bán làm vợ cho 4 người đàn ông Trung Quốc và một lần bán vào tiệm mát-xa. Trải qua những lần bị lừa bán, Loan phải chịu bao nhiêu đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Cuối cùng, không thể chịu nổi cuộc sống hiện tại, Loan đã trốn ra ngoài và được các cơ quan chức năng Trung Quốc và Việt Nam hỗ trợ giúp đỡ để trở về quê hương.

“Tưởng rằng ra nước ngoài lấy chồng sẽ có cuộc sống sung sướng, an nhàn, có tiền phụ giúp cho gia đình, nhưng khi sang bên đó, tôi mới thấy trái hẳn với viễn cảnh mà bọn chúng vẽ ra, cuộc sống chẳng khác gì “tù ngục”. Nhiều hôm nhớ bố mẹ, nhớ anh chị và các em, tôi đã khóc rất nhiều. Mỗi lúc nghĩ đến họ, tôi lại như được tiếp thêm động lực để tiếp tục sống, mong ngày được về. Giờ về quê nhà, được gặp lại gia đình, tôi vẫn ngỡ đây là một giấc mơ” - Loan bùi ngùi.

Ngồi bên cạnh con gái, ông Trần Văn Hòa (sinh năm 1956), bố của Loan rưng rưng nước mắt. Ông cho biết: “Cuộc sống gia đình khó khăn nên cháu phải nghỉ học giữa chừng để vào Nam làm thuê kiếm sống. Bản thân tôi và anh trai của cháu cũng vào đây làm công nhân đã nhiều năm nay. Cuối năm 2017, khi biết tin con gái bị lừa bán sang Trung Quốc, gia đình tôi đã trình báo với cơ quan chức năng, đồng thời, nhờ nhiều người quen hỏi han về tung tích của cháu ở bên đó, nhưng không ai biết. Đến giữa tháng 10 vừa rồi, khi nhận được tin báo đến đón cháu, chúng tôi vui mừng khôn xiết. Cảm ơn các cơ quan chức năng và cán bộ Biên phòng nhiều lắm!”.

Cũng trong đợt này, ngoài Loan, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam còn tiếp nhận 6 nạn nhân, trong đó có 5 nạn nhân quê Nghệ An và 1 nạn nhân quê Kiên Giang, bị các đối tượng bị lừa bán sang Trung Quốc để lao động nhưng không được trả tiền công. Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Đội trưởng Đội đặc nhiệm số 2, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam cho biết: “Sau khi tiếp nhận Loan cùng 6 nạn nhân trong đợt trao trả này, đơn vị đã tiến hành lấy lời khai để điều tra các đối tượng, đường dây mua bán người; đồng thời, hỗ trợ cho mỗi nạn nhân từ 2 đến 3 triệu đồng giúp họ trở về quê hương”.

Được biết, từ năm 2017 đến nay, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam đã phối hợp với lực lượng C45 Bộ Công an, BĐBP Cà Mau, BĐBP Kiên Giang tiếp nhận và giải cứu 25 nạn nhận bị lừa bán ra nước ngoài, bắt giữ 7 đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán người. Đa số các nạn nhân bị lừa bán đều là những người trình độ hiểu biết còn hạn chế, bị các đối tượng dùng lời ngon ngọt dụ dỗ, lôi kéo, hứa hẹn việc làm với mức thu nhập cao lừa phỉnh ra nước ngoài lấy chồng để có cuộc sống sung sướng.

“Một trong những thủ đoạn thường dùng của các đối tượng lừa các nạn nhân lấy chồng Trung Quốc là “đánh” vào tâm lý của các cô gái, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Nắm bắt được nhu cầu của các cô, các đối tượng tiếp cận dùng lời lẽ ngon ngọt, cảm thông, thậm chí tạm ứng một số tiền giúp đỡ những phụ nữ đã bị đưa vào “tầm ngắm”, rồi dụ họ theo mình sang “chân trời mới”.

Tuy nhiên, sau khi sang Trung Quốc, các nạn nhân bị gả bán cho nhiều người đàn ông Trung Quốc mua về làm “vợ”. Các đối tượng trong đường dây mua bán người là người Việt Nam, cư trú ở Trung Quốc, sau đó cấu kết với các đối tượng ở trong nước hình thành đường dây hoạt động ở nhiều địa bàn và có địa chỉ không rõ ràng. Vì vậy, việc điều tra, xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn” - Thượng tá Nguyễn Văn Minh cho biết thêm.

Hồ Phúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ngay-doan-tu-dam-nuoc-mat-cua-co-gai-sau-gan-400-ngay-luu-lac/