Ngày đẹp, giờ đẹp có đẹp thật?

Trước đây, nhắc tới việc khẩn cầu lấy may mắn, chọn ngày giờ đẹp… dễ nghĩ tới người lớn tuổi. Nhưng nay, tâm lý này lan truyền sang không ít người trẻ.

Ngày thất tịch một số bạn trẻ đua nhau mua chè đậu đỏ ăn cầu duyên

Ngày thất tịch một số bạn trẻ đua nhau mua chè đậu đỏ ăn cầu duyên

Ban đầu chỉ là chơi cho vui, sau đó bị ảnh hưởng lúc nào không hay. Mặc dù chỉ là trào lưu nhẹ nhàng, nhưng cũng tác động ít nhiều đến tâm lý của chính người trong cuộc.

Ở Trung Quốc, vào ngày 7-7 âm lịch (25-8) hay còn gọi là ngày thất tịch, nhiều clip quay cảnh hàng loạt bạn trẻ xếp hàng dài ngoài Cục Dân chính để chờ làm thủ tục đăng ký kết hôn. Dù trước đây nhiều người quan niệm ngày này rất xấu và khuyến cáo không nên tổ chức kết hôn, nhưng nay giới trẻ lại xem đó là ngày đẹp. Vài ngày trước, trên mạng xã hội Việt Nam cũng lan truyền thông tin ăn đậu đỏ cầu duyên sẽ hết ế. Chạy theo trends (xu hướng), một số bạn trẻ đua nhau mua đậu đỏ ăn thử cầu may. “Không được tình duyên thì cũng bổ dạ dày. Chả mất gì”, Phương Mây Lệ (23 tuổi, ngụ tại quận 3, TPHCM) vui vẻ chia sẻ. Nhắc lại câu chuyện thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Lê Ngọc Oanh (ngụ tại quận Gò Vấp) không khỏi ngượng ngùng. Oanh nhờ mẹ mua chè đậu (xanh, đỏ, trắng) đủ loại ăn mong để thi đậu. Hậu quả, khi ăn hết số chè tối đó, Oanh bị rối loạn tiêu hóa. Rất may nhờ uống thuốc kịp thời nên không phải vào bệnh viện. “Hai ngày sau mới thi nên mình không sao. Chứ thi liền là rớt luôn rồi. Ám ảnh thiệt”, Ngọc Oanh tâm sự.

Không chỉ ăn đậu để hy vọng thành công, nhiều bạn trẻ cũng sẵn sàng lên mạng tìm hiểu thông tin về ngày đẹp, giờ đẹp để có thể xuất hành, mua bán nhà, cưới hỏi… Tất nhiên, mục đích ban đầu của người tìm hiểu chỉ mong làm hài lòng bản thân, hướng đến sự bình an. Nhưng một khi làm quá, tin tưởng một cách mù quáng, vô tình khiến bản thân mệt mỏi, thậm chí rơi vào bế tắc. Chỉ vào đôi mắt thâm quầng của chồng sắp cưới, Mai An Nhi (24 tuổi, Đồng Nai) cho hay, gia đình chồng rất hiện đại, nên không cứng nhắc việc chọn ngày, xem giờ cưới, nhưng chồng Nhi thì ngược lại. Dù tuổi đời khá trẻ, hai vợ chồng bằng tuổi nhau, nhưng chồng Nhi đã lên kế hoạch cưới phụ thuộc vào ngày, giờ đẹp do thầy chấm lá số tử vi hướng dẫn. Nhi kể lại: “Chúng tôi đã đặt tiệc, chuẩn bị mọi thứ từ giữa năm 2019. Ngày giờ được lựa chọn là vào ngày 26-7-2020, được xem là đẹp, may mắn. Bỗng nhiên, cuối tháng 7 vừa rồi dịch Covid-19 bùng phát đợt 2. Lúc này, chúng tôi phải tạm nghỉ việc không lương do công ty gặp khó. Ngày đẹp đâu chưa thấy, nhưng mất phí đặt cọc tiệc cưới, mất việc… là có thật”.

Chọn giờ đẹp, ngày đẹp cầu may không có gì xấu, nhưng lệ thuộc và tin tưởng một cách tuyệt đối vào các thông tin này thì cần phải xem lại. Trong một xã hội hiện đại, các luồng thông tin thật - giả đan xen, việc định hướng thông tin cho chính mình và người thân vô cùng quan trọng. Tham khảo và áp dụng thông tin một cách chọn lọc sẽ giúp cuộc sống tươi trẻ, tích cực hơn.

GIA BẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ngay-dep-gio-dep-co-dep-that-682302.html