Ngày đầu tiên thi THPT quốc gia 2019: Đề thi nhẹ nhàng hơn mong đợi

Kết thúc ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh trên cả nước đều thở phào nhẹ nhõm vì đề thi 2 môn đầu tiên khá nhẹ nhàng, thậm chí có nhiều ý kiến còn cho rằng dễ hơn cả đề minh họa.

Niềm vui của thí sinh tại TP.HCM sau 2 môn thi đầu tiên được đánh giá không gây nhiều khó khăn - Ảnh: Khả Hòa

Môn văn an toàn, không đột phá

Một giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM) nhìn nhận nội dung đề thi yêu cầu thí sinh (TS) không quá khó nhưng cũng không phải dễ. Nhưng điểm đặc biệt nhất là không có nội dung vượt ngoài tầm hiểu biết của TS như năm ngoái, thay vào đó vấn đề khá gần gũi và thực tế.

“Đề thi này muốn an toàn, không quá đột phá nên câu số 2 của phần II giống kết cấu của năm 2015. Có thể nói khá nhẹ nhàng, an toàn và có phần thuận lợi hơn cho TS so với đề minh họa. Tất nhiên vì đề quá an toàn, ngữ liệu cho ngắn nên TS phải có học bài kỹ và có khả năng phân tích sâu mới đạt được điểm cao”, giáo viên này nói.

[VIDEO] Sinh viên tình nguyện tỉ mỉ ngồi vẽ sticker "tiếp lửa" cho thí sinh thi THPT quốc gia - Ảnh:

Cô Nguyễn Thị Thương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), nhận xét đề năm nay tương đối rõ ràng, vừa sức nhưng vẫn có khả năng phân loại được học sinh. Phần đọc hiểu đảm bảo những kiến thức và kỹ năng cơ bản. Ở câu 4 có tính mở. Nhưng nếu học sinh không tinh ý và kỹ năng kém sẽ dễ lặp lại ý ở câu nghị luận xã hội.

Còn giáo viên Trương Minh Đức, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho rằng đề minh họa và đề chính thức không có bất cứ sự liên quan nào. “Nếu khi công bố đề minh họa, giáo viên tỏ ra vui mừng vì cách hỏi, cách đặt vấn đề phát huy được năng lực học sinh thì nay với đề thi chính thức, giáo viên hoang mang về cách dạy, còn học sinh không biết học thế nào là hợp lý bởi đề thi tập trung vào kiểm tra kiến thức, cần ghi nhớ nhiều mà ít đòi hỏi tư duy”, giáo viên này nhận xét.

Theo giáo viên này, câu nghị luận xã hội nói về sức mạnh ý chí của con người là một kiểu ra đề xáo mòn, không phát huy năng lực, nhận thức, tư duy của học sinh. Với cách hỏi này, học sinh có thể học thuộc lòng, theo văn mẫu.

Cô Lê Thị Tâm, giáo viên dạy văn, Trường THPT Bàu Bàng, H.Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), nói: “So với đề năm 2018, đề năm nay nhẹ nhàng và TS làm bài dễ đạt điểm cao hơn”.

Các học sinh đều nhận xét đề thi ngữ văn THPT quốc gia 2019 vừa sức, không thách đố.

Tô Kiến Lương, học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), so sánh với đề minh họa và cho biết, cách đặt câu hỏi của đề thi chính thức dễ hơn. Nguyễn Gia Ny, Trường THPT Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh, TP.HCM) cho biết câu nghị luận xã hội bàn về ý chí, khát vọng sống gần gũi với đời sống, dễ liên hệ thực tiễn. Nguyễn Hoàng Minh Phương, TS Trường THPT Phước Hòa, xã Phước Hòa, H.Phú Giáo (tỉnh Bình Dương), cho biết: “Em làm bài khá tốt. Với đề văn này tất cả học sinh trung bình đều có thể làm bài đạt từ 5 điểm trở lên”. Các TS ở Quy Nhơn (Bình Định) cho rằng đề thi phù hợp với sức học.

Ghi nhận tại các điểm thi THPT Lương Sơn, THPT Nguyễn Trãi, tỉnh Hòa Bình, nơi có nhiều TS là học viên của trung tâm GDTX dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, nhiều TS cho biết chỉ làm được khoảng 50 - 70% so với yêu cầu của đề thi. Rất nhiều TS cho biết đã “trật tủ” vì tập trung vào ôn các tác phẩm thơ.

Sẽ có hàng ngàn điểm 10 môn toán ?

[VIDEO] Chuyện bảo mật kỳ thi THPT quốc gia: Không được ăn sáng, uống cà phê dọc đường - Ảnh:

Vừa bước ra khỏi phòng thi, TS Hải Đông (THPT Vĩnh Lộc B) đã giơ hai tay tỏ ý vui mừng vì “làm bài không đến nỗi nào”. Đông cho biết tâm trạng của em hiện giờ rất thoải mái, môn toán em đã hoàn thành không tệ. “Có khoảng 5 câu thì khoanh lụi, nhưng còn lại cũng khá ổn. Đề toán không quá dài, làm vừa đủ thời gian”, Đông nói.

Hoàng Danh, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), cho biết bài thi được khoảng 7 điểm. “Đúng như dự đoán trước đó, mình có thể đạt 7 điểm môn toán. Đề không quá khó nhưng dễ hơn nhiều so với năm trước”, Danh cho hay.

Cũng như vậy, TS ở Quy Nhơn (Bình Định) thở phào vì đã có một ngày thi như ý. “Đề thi môn toán như vậy là vừa sức nhưng cũng phân loại được trình độ học sinh. Khoảng 35 câu đầu có thể không dùng máy tính, TS tự giải nhanh được. 15 câu sau tương đối khó hơn, trong đó 4 câu cuối cùng rất khó. Đề thi năm nay chắc các TS sẽ được điểm cao, thậm chí sẽ có hàng ngàn TS được điểm 10”, Lê Minh, học sinh Trường THPT Quốc Học, TP.Quy Nhơn, nói.

Ở Bình Dương, Nguyễn Minh Tâm, học sinh Trường THPT Phước Vĩnh, cho biết: “Đề thi môn toán chiều nay không quá khó. Với học sinh trung bình thì có thể làm được từ câu 1 đến câu 30”.

Ý KIẾN

Đảm bảo được 2 mục đích

Mặc dù đề không thật hay, không tạo được nhiều hứng thú cho TS khi làm bài, tuy nhiên vẫn đảm bảo được 2 mục đích là xét tốt nghiệp và phân loại TS để xét tuyển ĐH.

Mức đánh giá lực học khá, giỏi của đề nằm ở việc đòi hỏi kỹ năng làm bài của TS. Phân loại TS rõ nhất của đề thi nằm ở vế sau của câu nghị luận văn học: “Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông...”. Để làm tốt yêu cầu này, TS phải hiểu kỹ đoạn văn bản đề cho trong toàn bộ nội dung tác phẩm, có hiểu biết kỹ càng về phong cách nghệ thuật của nhà văn, cũng như xây dựng một dàn bài tích hợp hợp lý.

Giáo viên Trần Ngọc Tuấn (Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)

Để đạt điểm cao không dễ

Đề thi năm nay phù hợp với học sinh (HS) về kiến thức cơ bản cả phần đọc hiểu và làm văn. Câu 2 của đề bài vừa quen thuộc nhưng cũng khá bất ngờ. Quen thuộc vì nội dung của câu hỏi thuộc phần tác phẩm các em đã chính thức được học trong chương trình. Nhưng bất ngờ vì văn bản là một đoạn văn xuôi chứ không phải là một đoạn thơ và không có phần liên hệ với chương trình lớp 10 và 11 như đề thi minh họa.

Đề thi không khó vì nội dung thuộc phần cơ bản. Nhưng để có kết quả tốt thì không dễ vì HS phải vận dụng kiến thức đó vào việc phân tích đoạn văn của đề để nói lên cảm nhận của mình. Do đó, không cẩn thận, HS sẽ dễ rơi vào thiếu ý.

Giáo viên Nguyễn Hữu Dương (Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Phổ điểm môn văn sẽ từ khoảng 6 - 7

Đề thi môn ngữ văn năm nay nằm trong nội dung HS được học trong cấp THPT và đặc biệt là lớp 12. HS không bất ngờ nội dung và cấu trúc cơ bản khá sát với đề minh họa. So sánh với đề thi năm trước, có thể thấy rõ đề vừa sức với HS hơn, khoa học và khơi gợi sáng tạo rất rõ. Với những HS học ban D thì phổ điểm khoảng từ 6 - 7 điểm.

Giáo viên Nguyễn Kim Anh (Trường THPT Phan Huy Chú, Q.Đống Đa, Hà Nội)

Học sinh khá, giỏi “có đất” để sáng tạo

Đề thi phù hợp với khả năng, trình độ nhận thức của HS đồng thời có tính gợi mở, giúp HS khá giỏi “có đất” để phát huy năng lực tư duy và sự sáng tạo.

Văn bản bài văn nghị luận văn học được trích dẫn hay, tiêu biểu, phù hợp với kiến thức của HS đã được học trong chương trình đồng thời có sự phân hóa về năng lực. Đề thi gọn gàng, không quá ôm đồm kiến thức nên đảm bảo được thời gian làm bài của HS.

Giáo viên Vũ Thị Bình (Trường THPT Trần Phú, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Thanh Niên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/ngay-dau-tien-thi-thpt-quoc-gia-2019-de-thi-nhe-nhang-hon-mong-doi-1096773.html