Ngày đầu 'kết liễu' xăng A92: Không vỡ trận!

Hôm qua các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex, PVOil… đồng loạt khai tử xăng A92.

Theo quyết định của Chính phủ, từ 1-1-2018 chỉ cho phép các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh xăng sinh học E5 và xăng khoáng A95 trên thị trường toàn quốc. Điều này có nghĩa là toàn bộ xăng A92 sẽ bị khai tử.

Tuy nhiên, từ hôm qua nhiều đơn vị như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil)… đã quyết định bán xăng sinh học E5 thay cho xăng A92 trước quy định nửa tháng.

Vẫn còn lo ngại

Ghi nhận tại chi nhánh 1 của Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu Comeco trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, TP.HCM cho thấy lượng khách hàng ghé vào đổ xăng ở trụ bơm có gắn chữ E5 khá nhộn nhịp. Khách hàng tên Nguyễn Văn Tâm nói bình thường vẫn đổ xăng A92 nhưng nay cửa hàng không bán loại xăng này nên anh đổ xăng E5.

“Do thấy giá xăng E5 rẻ hơn so với xăng A95 cả 1.000 đồng/lít nên tôi đổ. Còn về chất lượng xăng sinh học như thế nào, có ảnh hưởng đến động cơ hay không thì phải… chạy một thời gian mới biết được” - anh Tâm chia sẻ.

Tại một cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.HCM đã bán xăng sinh học nhưng nhiều khách hàng vẫn chưa nhận ra sự thay đổi này. Chị Trần Thanh Thảo, một khách hàng, nói rất bất ngờ khi ghé vào cửa hàng xăng mới biết mình mua “nhầm” xăng sinh học vì vẫn nghĩ còn bán xăng A92 như trước đây. Tuy vậy, chị không yêu cầu người bán rút xăng sinh học ra khỏi bình.

“Tôi có nghe nói xăng sinh học nhưng vẫn lo lắng không biết khi dùng có gây hư hỏng gì cho xe của mình không? Nay đã mua xăng sinh học rồi chạy thử xem sao, nếu có vấn đề gì thì chuyển sang A95 vì không còn sự chọn lựa nào khác” - chị Thảo chia sẻ.

So với xăng A92, xăng sinh học chỉ thấp hơn khoảng 200-300 đồng/lít. Ảnh: TÚ UYÊN

Trong khi đó, một số khách hàng trước đây từng chọn mua xăng sinh học E5 thì nhận xét xài loại xăng này hao hơn so với xăng A92. Chẳng hạn, khi đổ 50.000 đồng xăng A92 có thể chạy được gần năm ngày nhưng cùng với số tiền đó khi đổ xăng sinh học E5 chỉ mới chạy được 3-4 ngày đã hết.

Không chỉ vậy, một số người e dè chất lượng xăng sinh học E5 nên chuyển qua xăng A95. Tuy nhiên, xăng A95 mắc hơn xăng A92 khoảng 700 đồng/lít nên tốn tiền nhiều hơn. “Nếu cả gia đình tôi không sử dụng xăng sinh học, chuyển sang sử dụng xăng A95 thì mỗi tháng phải tốn thêm khoảng 300.000-400.000 đồng” - anh Minh, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM, nhẩm tính.

Ngoài ra, một số người tiêu dùng (NTD) còn cho biết dùng xăng sinh học E5 khá bất tiện khi lỡ bị vô nước thì rất mệt. Trước đây, nếu xăng A92 bị lỡ vô nước thì có thể xả nước ra đằng nước, xăng đằng xăng và có thể chạy tiếp được, còn xăng E5 thì chưa chắc xe đã chạy được. Đó là chưa kể nhiều người lo ngại khi sử dụng xăng sinh học sẽ phải cải tiến động cơ bởi cồn trong xăng sẽ làm ôxy hóa các chi tiết của máy, dẫn tới hư hỏng.

“Rồi sẽ quen thôi”

Ông Bùi Thiên Lộc, Trưởng chi nhánh số 1 Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu Comeco trên đường Lý Thái Tổ, cho hay việc chuyển từ xăng A92 qua xăng sinh học rất dễ dàng, không gặp khó khăn nào. Tại cửa hàng có thể chứa 30.000-40.000 lít xăng sinh học, không lo lắng thiếu hàng.

Cũng theo ông Lộc, một số đơn vị xe tư nhân lâu nay sử dụng xăng A92 nay thấy xăng sinh học rẻ và tốt hơn nên chuyển sang dùng loại xăng này để tiết kiệm chi phí. Trong đó, có đơn vị một ngày đổ 400-500 lít xăng A92, khi chuyển sang xăng sinh học một tháng lợi được 14-15 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Lộc thừa nhận lượng người dùng xăng A95 tăng lên. “Tôi không biết trước đây ô tô đổ xăng nào nhưng từ khi ngưng A92 thì lượng xe hơi chuyển sang đổ A95 tăng lên. Còn người sử dụng xe hai bánh có thể chuyển sang dùng xăng sinh học” - ông Lộc nhận định.

Cân nhắc lợi ích kinh tế

Nhiều công ty xăng dầu đánh giá thời gian gần đây NTD đã dần chấp nhận và sử dụng xăng sinh học nhiều hơn. Bởi so với xăng A92, xăng sinh học chỉ thấp hơn khoảng 200-300 đồng/lít nhưng nếu so với xăng A95 thì thấp hơn khoảng 1.000 đồng/lít. Do vậy, khi dừng bán xăng A92, NTD sẽ cân nhắc về tính kinh tế giữa xăng sinh học và xăng A95 để lựa chọn mặt hàng phù hợp.

Liên quan đến lo ngại của NTD về chất lượng xăng sinh học, các DN khẳng định không có bất cứ ảnh hưởng gì đến động cơ, máy móc khi chuyển đổi sử dụng từ xăng truyền thống sang loại xăng này. Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty Petrolimex Sài Gòn, cho rằng trên thế giới đã dùng xăng sinh học E5 từ lâu, thậm chí E10, E20. Ở Việt Nam cũng đã bán thử nghiệm loại xăng E5 từ năm 2014.

“Từ khi bán xăng E5 cho đến nay, chưa có bất cứ trường hợp khiếu nại hay phàn nàn nào của khách hàng về chất lượng mặt hàng này tại hệ thống cửa hàng chúng tôi” - ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hùng, giá của xăng sinh học hiện nay rẻ hơn xăng A95 hơn 1.000 đồng/lít. Do đó, với những dòng xe như Honda Wave, Honda Future, Yamaha Sirius hay taxi đều có thể sử dụng xăng E5 để tiết kiệm chi phí nhiên liệu. Đại diện Petrolimex cũng khẳng định sẵn sàng đáp ứng nguồn xăng A95 nếu nhu cầu loại xăng này gia tăng đột biến.

“Ở thị trường TP.HCM có thể thay đổi nhanh chóng, người dân sẽ quen dần và chấp nhận xăng sinh học. Việc khai tử xăng A92 chính là yếu tố thúc đẩy người dân chuyển sang dùng xăng sinh học E5, góp phần tiết giảm khí thải độc hại để bảo vệ môi trường” - ông Hùng nói vẻ tự tin.

Không được để vỡ trận

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng mới đây khẳng định: Từ khi xăng E5 triển khai tại bảy tỉnh/thành từ cuối năm 2014 đến nay, không có bất cứ khiếu kiện gì của NTD chứng tỏ xăng sinh học an toàn cho động cơ. Bộ KH&CN cũng đã có kiểm định, xác nhận.

“Hiện nay xăng sinh học E5 được bán 100% tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Đà Nẵng và nhận được phản hồi tốt từ phía NTD” - ông Vượng nói.

Trước đề nghị lùi thời hạn thực hiện việc chuyển đổi xăng khoáng A92 sang xăng sinh học E5 muộn hơn ngày 1-1-2018, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: “Chính phủ và Bộ Công Thương rất quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi này. Thời hạn đã đề ra là không đổi. Các DN hoàn toàn có thể chuyển sang kinh doanh xăng E5 từ sớm để đến ngày 1-1-2018 sự chuyển đổi được thực hiện chu đáo, tránh vỡ trận”.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/quan-ly-kinh-te/ngay-dau-ket-lieu-xang-a92-khong-vo-tran-745622.html