Ngày đầu dừng Uber, tài xế Grab than ế, gửi đơn kêu cứu

Sáng 9/4 - ngày đầu tiên Uber chính thức rời khỏi thị trường Việt Nam và sáp nhập vào Grab

Nhiều tài xế Grab Bike than ế khách trong ngày đầu tiên Uber sáp nhập

Ngày đầu tiên ứng dụng Uber dừng hoạt động tại Việt Nam sau thương vụ sáp nhập với Grab ở Đông Nam Á, nhiều lái xe than ế khách. Nhiều lái xe còn gửi đơn kêu cứu về những sai phạm của Grab lên cơ quan chức năng.

Tài xế Grab than ế khách

Sáng 9/4 - ngày đầu tiên Uber chính thức rời khỏi thị trường Việt Nam và sáp nhập vào Grab, ghi nhận của PV Báo Giao thông, hình bóng các Uber Bike và Uber Car gần như vắng bóng hoàn toàn trên khắp đường phố Hà Nội. Thay vào đó là màu xanh của đội ngũ lái xe Grab.

Để kiểm chứng, PV liên tiếp thực hiện các thao tác đặt chuyến theo các lộ trình: 300 Kim Mã - Cầu Giấy; 43 Nguyễn Chí Thanh - BX Giáp Bát, Vinaconex Tower Láng Hạ - BX Mỹ Đình; BX Mỹ Đình - Bưu điện Cầu Giấy trên ứng dụng Uber và đều được trả lại thông tin với nội dung: “Rất tiếc, hiện tại không có xe Uber nào trong khu vực của bạn” cùng hình ảnh bản đồ “trống trơn”.

Để có ý kiến đa chiều, Báo Giao thông đã gửi câu hỏi đề nghị lãnh đạo Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam trả lời về những vấn đề các lái xe nêu trong đơn. Tuy nhiên, dù Công ty TNHH Grab Taxi đã nhận được câu hỏi, nhưng sau rất nhiều lần “khất nợ” vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng đến Báo Giao thông.

Ngược lại, cũng với lộ trình trên, đặt trên ứng dụng Grab, xung quanh mỗi khu vực gọi xe luôn có khoảng 15-20 xe Grab Bike cùng hơn chục chiếc Grab Car đang hoạt động. Anh Lý Văn Thanh, tài xế Grab Car BKS 30E-719.87 cho biết, mình vừa chạy xe cho Grab và Uber, nhưng mới hết hạn hợp đồng với bên Uber từ tháng 3/2018. Theo anh Thanh, ngày đầu sáp nhập, so với thời điểm trước, lượng khách giảm rõ rệt. “Bình thường chỉ cần đứng 3-5 phút tại một điểm là đã “book” được một chuyến, nhưng hôm nay phải mất gần chục phút mới “chớp” được khách. Từ 9h - 9h50, tôi mới chạy 3 chuyến”, anh Thanh nói.

Trên chuyến đi lộ trình từ số 71 Nguyễn Văn Huyên về số 8 Nguyễn Công Hoan, PV được anh Nguyễn Sơn Tùng, tài xế Grab Car BKS 30E-270.11 cho biết: “Lượng khách trong ngày đầu tiên Uber dừng hoạt động giảm nhiều. Bình thường, chạy từ 9h30 sáng đến thời điểm này (10h15 - PV), tôi đã được 4-5 chuyến nhưng hôm nay mới được 2 chuyến”.

Liên quan đến mức chiết khấu tài xế nộp về công ty sau khi sáp nhập, anh Tùng cho biết, hiện tại, các tài xế cũ của Grab vẫn đang chịu mức 24,5% (tính cả thuế VAT), còn những tài xế mới chuyển sang hoặc đăng ký mới phải chịu mức cao hơn, khoảng gần 29% (cả thuế VAT).

Anh Nguyễn Phương Long, một tài xế Uber mới chuyển sang “đầu quân” cho Grab chia sẻ: “Biết được thông tin Uber sẽ sáp nhập vào Grab, cách đây một tháng tôi đã chuyển đổi sang chạy Grab. Khó khăn nhất trong giai đoạn đầu chuyển từ Uber sang là việc làm quen ứng dụng Grab. Cách đây 4-5 ngày, hệ thống Grab bị lỗi liên tục, mất kết nối có khi lên đến cả chục phút làm nhiều tài xế hoang mang, nhưng giờ tình trạng đó đã được khắc phục”.

Cũng theo anh Long, trong tháng 3 đã có hơn 40 trường hợp tài xế Grab bị khóa tài khoản do cho người khác mượn sử dụng. Cũng vì bị khóa tài khoản nên một số người bạn của tôi đã phải bán xe chuyển nghề sau khi Uber bị sáp nhập.

Và kêu cứu...

Một thông tin đáng quan tâm là gần đây, Báo Giao thông liên tục nhận được đơn kêu cứu của nhiều lái xe thuộc các doanh nghiệp, HTX đối tác của Công ty TNHH Grab Taxi gửi tới cơ quan chức năng và Báo Giao thông “tố cáo” những sai phạm của Grab trong quá trình hợp tác. Trong đơn, tài xế tỏ rõ sự bức xúc khi Công ty TNHH Grab Taxi tự ý thay đổi chính sách với đối tác khi chưa nhận được sự đồng thuận, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tác như có hành vi đột ngột tăng mức chiết khấu từ 15% lên 20% rồi trên 28% mà không có sự trao đổi, thỏa thuận và thống nhất với lái xe. Hay Công ty TNHH Grab Taxi không có sự trao đổi mà tự ý trừ 3,6% cước phí của toàn bộ chuyến đi với lý do để đóng thuế thu nhập cá nhân cho tài xế. Tài xế cho rằng, họ chỉ phải đóng thuế số tiền sau khi đã chiết khấu 25% cho Grab chứ không phải 100% cước phí toàn bộ chuyến đi.

Cũng liên quan đến vấn đề thuế, các tài xế cho biết, theo Thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính về tỷ lệ tính thuế trên doanh thu, tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân đối với ngành nghề kinh doanh vận tải chỉ là 1,5% nhưng Grab lại thu đến 3,6%? “Số tiền chênh lệch đó được Grab sử dụng thế nào?”, một tài xế đặt câu hỏi.

Liên quan cách hành xử của Grab đối với lái xe, trong đơn kêu cứu, tài xế cho biết, Công ty TNHH Grab Taxi tự ý khóa tài khoản của lái xe khi chỉ dựa trên nhận xét chủ quan của khách hàng mà chưa xác minh từ phía lái xe. Ngoài ra, khi Sở GTVT Hà Nội cấm đường trên 13 tuyến phố, Grab đã không cập nhật lại lộ trình chuyến đi, không thay đổi cước phí khiến thu nhập của lái xe giảm sút.

Theo Quyết định 24 của Bộ GTVT, Công ty TNHH Grab Taxi chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ, không có chức năng kinh doanh vận tải, không ký kết hợp đồng với lái xe nhưng lại đưa ra và tự ý thực hiện các mức chiết khấu phần trăm kết quả hoạt động của lái xe, quyết định và công bố giá cước, trích cước phí với lý do để đóng thuế thu nhập cá nhân cho lái xe? Vì vậy, Công ty TNHH Grab Taxi đã không tuân thủ quy định của pháp luật, Quyết định 24 về đề án thí điểm.

Trước những vướng mắc trên, phía lái xe đã nhiều lần mong muốn đối thoại tìm giải pháp giải quyết hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên nhưng Công ty TNHH Grab Taxi đã có hành vi ngăn cản quyền trao đổi, trốn tránh, không bố trí người làm việc.

Nhóm P.V

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/ngay-dau-dung-uber-tai-xe-grab-than-e-gui-don-keu-cuu-d251275.html