Ngày đầu chất vấn làm 'nóng' nghị trường

Theo Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 30/10, Quốc hội bắt đầu tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện 6 Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, trong đó có 3 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 3 nghị quyết về chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trong ngày đầu chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 36 đại biểu chất vấn và 23 đại biểu tranh luận; 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả lời. Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đưa ra nhiều vấn đề “nóng” đối với các thành viên Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá ngày chất vấn đầu tiên diễn ra rất sôi động.

Các đại biểu đã đưa ra câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kéo dài nhiều năm tại các lưu vực sông, tình hình ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân tại các khu, cụm công nghiệp làng nghề.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Để xử lý môi trường các dòng sông, đặc biệt các dòng sông liên tỉnh thì phải xử lý tại nguồn. Người gây ô nhiễm cũng phải chịu trách nhiệm xử lý. Trên thực tế, các dòng sông này liên quan đến các địa phương. Nguồn nước chảy qua các địa phương chưa được xử lý, đặc biệt là nước sinh hoạt từ Hòa Bình chảy về Hà Nam. Đây là trách nhiệm của các địa phương.

Với quan điểm như vậy, Bộ trưởng cho rằng cần có một đề án tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông trong đó có các con sông trên.

Về vấn đề ô nhiễm các khu, cụm công nghiệp, làng nghề hiện nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, môi trường tại khu công nghiệp đã có bước tiến đáng kể. Riêng cụm công nghiệp hiện nay tình hình hết sức nan giải.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tích cực tiến hành thanh, kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá lại các tiêu chí đáp ứng yêu cầu môi trường đối với các làng nghề cũng như cụm công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trả lời chất vấn về tình trạng còn hơn 11,7 nghìn tội phạm truy nã đang nhởn nhơ ngoài xã hội, cùng những giải pháp căn cơ để giảm tính nguy hại từ các đối tượng này và việc một doanh nghiệp mua 100 USD của người dân khi không được pháp luật cho phép và đã bị Công an Cần Thơ khám nhà, tịch thu tài sản được cho là không có nguồn gốc là đúng hay sai?

Về vấn đề này, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, lượng tội phạm truy nã trên có thể dẫn tới những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Về biện pháp, theo Bộ trưởng Tô Lâm, cần tăng cường công tác quản lý dân cư, quản lý cư trú, tăng cường việc “nắm người, nắm hộ” ngay từ cơ sở; đồng thời thực hiện cải cách, từ chứng minh nhân dân, quản lý hộ khẩu cho đến quản lý căn cước công dân, từ đó tội phạm truy nã không thể lợi dụng làm giả mạo giấy tờ.

Cùng với đó, Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường thông tin tội phạm, trước hết là trong lực lượng công an. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Công an, không để các đối tượng nguy hiểm chạy trốn, đặc biệt trốn ra nước ngoài, là hết sức cần thiết; tăng cường phát động quần chúng nhân dân phát hiện các đối tượng truy nã.

Đối với vụ việc Công an Cần Thơ khám nhà, tịch thu tài sản được cho là không có nguồn gốc của một doanh nghiệp trên địa bàn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Công an Cần Thơ có đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm hành chính của đối tượng vi phạm. Hiện nay, đối tượng đã thi hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính này và không có khiếu nại hay khởi kiện.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, đây là vụ việc gây bức xúc cho xã hội; đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo thực hiện đúng pháp luật; quy định nào chưa hợp lý phải sửa lại.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã nêu nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về những sai phạm trong xây dựng, mua bán và quản lý chung cư, vấn đề nhà ở cho công nhân. Tại hội trường, với tư cách là người đứng đầu ngành xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã hứa sẽ làm hết sức mình để có thể chấm dứt vi phạm trong hoạt động xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng được nhiều đại biểu đặt câu hỏi về việc bổ nhiệm chức danh “hàm”; công tác cán bộ đối với người dân tộc thiểu số, cải cách thủ hành chính, việc tinh gọn bộ máy nhà nước, vấn đề biên chế giáo viên hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Nhiều câu hỏi liên quan đến tình trạng giá xe nhập khẩu về Việt Nam hiện nay; việc rà soát, xem xét các thủy điện nhỏ và vừa; quy trình xả lũ của thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An), việc xử lý 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương... đã được gửi đến Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Qua thống kê, từ đầu năm đến nay, việc nhập khẩu ô tô từ ASEAN vào Việt Nam chưa có mức độ tăng đột biến trên tổng thể chung của kim ngạch nhập khẩu ô tô hàng năm đối với thị trường nội địa. Về cơ bản, quy mô thị trường ô tô nội địa khoảng 500.000 xe và nhập khẩu hàng năm trên dưới 200.000 ô tô nhập khẩu, còn lại là sản phẩm trong nước. Vì vậy, không có những vấn đề lớn đặt ra trong câu chuyện về thị trường nội địa và việc nhập khẩu ô tô của Việt Nam.

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về "sức khỏe" của 12 dự án thua lỗ do Bộ Công Thương quản lý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: Bộ đã, đang xử lý 12 dự án này theo đúng Đề án của Chính phủ đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Đến nay, 12 dự án về cơ bản đã đảm bảo được tiến độ chung theo các mức độ khác nhau.

Trước tình trạng nhiều hành vi gây bức xúc xã hội thời gian qua, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về các giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội và đạo đức gia đình.

Bộ trưởng nêu giải pháp cụ thể: Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Đảng, Nhà nước giao trách nhiệm tham mưu để xây dựng con người mới, khắc phục sự xuống cấp đạo đức xã hội. Bộ đã tham mưu để Trung ương ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa con người, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng điều tra, giải quyết tin báo tố giác, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Thu Phương - Phúc Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/ngay-dau-chat-van-lam-nong-nghi-truong-20181030220639410.htm