'Ngày đàm phán' trên bán đảo Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đồng ý thực hiện các bước đi tiến tới phi hạt nhân hóa, một cử chỉ rõ ràng giúp khởi động lại các cuộc đàm phán bị đình trệ với Mỹ.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giữ bản tuyên bố chung đã ký.

Đóng cửa vĩnh viễn cơ sở hạt nhân

Thỏa thuận này được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được tổ chức tại nhà khách Paekhwawon ở Bình Nhưỡng.

Theo đó, Triều Tiên đồng ý đóng cửa vĩnh viễn cơ sở kiểm tra động cơ tên lửa và bệ phóng tên lửa Dongchang-ri dưới sự tham gia của các chuyên gia từ các quốc gia liên quan, Tổng thống Moon Jae-in cho biết tại cuộc họp báo chung với ông Kim Jong-un sau hội nghị thượng đỉnh. Bình Nhưỡng cũng đồng ý thực hiện các bước đi bổ sung, chẳng hạn như việc đóng cửa vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon, tùy thuộc vào hành động của Mỹ. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và các mối đe dọa khỏi bán đảo Triều Tiên. "Tuyên bố tháng 9 sẽ mở ra một mức độ cao hơn cho sự cải thiện trong quan hệ (giữa miền Nam và miền Bắc)... và mang lại thời đại hòa bình và thịnh vượng hơn", ông Kim Jong-un nói về thỏa thuận vừa ký với người đồng cấp Hàn Quốc sau 2 ngày đàm phán ở Bình Nhưỡng.

Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh, thỏa thuận với Triều Tiên cũng đánh dấu lần đầu tiên hai nước thảo luận các bước đi chi tiết tiến tới phi hạt nhân hóa.

Tiến tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

"Tôi hy vọng các cuộc đàm phán giữa miền Bắc và Mỹ nhanh chóng tiếp tục", Tổng thống Moon Jae-in nói tại cuộc họp báo chung.

Trong động thái báo hiệu một bước đột phá, Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh kết quả của hội nghị thượng đỉnh liên Triều bằng một thông điệp trên Twitter. "Ông Kim Jong-un đã nhất trí cho phép tiến hành các cuộc thanh sát hạt nhân, tùy thuộc vào các cuộc đàm phán cuối cùng, và phá hủy vĩnh viễn một bãi thử cũng như bệ phóng trước sự hiện diện của các chuyên gia quốc tế. Trong khi chờ đợi, sẽ không còn các vụ thử tên lửa hay hạt nhân", ông viết.

Không rõ ông Trump ẩn ý gì về việc thanh sát hạt nhân. Mỹ được cho là đã gửi danh sách các kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cần được kiểm tra, động thái mà Bình Nhưỡng luôn bác bỏ, dẫn đến sự bế tắc trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa hai nước. Tuy nhiên, cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Moon Jae-in, Chung Eui-yong, khẳng định kết quả của hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên lần này sẽ dẫn đến việc nối lại các cuộc đàm phán Mỹ-Triều. "Dựa trên kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này, tôi hy vọng các cuộc đàm phán Mỹ-Triều sẽ tăng tốc, và chúng tôi cũng hy vọng một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ được tổ chức sớm", ông nói với các phóng viên ở Bình Nhưỡng.

Theo kế hoạch, Tổng thống Moon Jae-in sẽ tới Mỹ vào tuần tới để hội đàm với Tổng thống Trump sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Dự kiến, nhà lãnh đạo Hàn Quốc sẽ thông báo với ông Trump về kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều với Triều Tiên vừa diễn ra ở Bình Nhưỡng. Mục đích chính trong chuyến thăm Mỹ của ông Moon Jae-in là nhằm phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.

Cải thiện quan hệ liên Triều

Thỏa thuận được ký bởi hai nhà lãnh đạo Hàn -Triều tại Bình Nhưỡng cũng kêu gọi các bước để cải thiện hơn nữa quan hệ liên Triều.

Hai bên đồng ý bắt đầu làm việc để kết nối lại các tuyến đường sắt và đường bộ xuyên biên giới vào cuối năm nay. Ngoài ra, hai nước sẽ mở lại khu công nghiệp chung ở thị trấn biên giới Kaesong và các chương trình du lịch đến Núi Kumgang ngay sau khi "điều kiện được đáp ứng" Để thúc đẩy hòa giải hơn nữa, hai nước đồng ý sớm thành lập một cơ sở chung mới để đoàn tụ thường xuyên và tự do hơn các gia đình bị ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Trong một thỏa thuận quân sự riêng biệt, hai miền Triều Tiên nhất trí thiết lập vùng cấm bay ở các khu vực biên giới để ngăn chặn các vụ đụng độ máy bay. Hai bên cũng đồng ý thiết lập vùng đệm gần đường giới tuyến quân sự trên biển Hoàng Hà để ngăn chặn các vụ đấu súng và tập trận bắn pháo trên biển. Hàn-Triều nhất trí sẽ ngừng các cuộc tập trận quân sự biên giới nhằm vào nhau từ ngày 1-11 tới. Hai bên cũng nhất trí, mỗi bên sẽ rút 11 chốt biên phòng trước cuối năm nay. Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo cho biết đã đồng ý nhanh chóng khởi động một ủy ban quân sự chung để xem xét việc thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng và cho phép liên lạc thông suốt để ngăn chặn xung đột trong tương lai.

Hai nước sẽ tiếp tục tham gia vào các sự kiện thể thao quốc tế, bao gồm Thế vận hội Olympic 2020 sắp tới. Họ cũng sẽ cùng nhau tổ chức Thế vận hội Mùa hè 2032. Ông Lee Myung-ho, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc và Triều Tiên có kế hoạch thành lập các đội tuyển bóng bàn và bơi chung tại Đại hội thể thao người khuyết tật Châu Á (Asian Para Games) được tổ chức từ 8 đến 16-10 tới. Hai miền Triều Tiên cũng nhất trí diễu hành chung tại lễ khai mạc sự kiện này ở thủ đô Jakarta của Indonesia.

Nhà Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng cho biết ông sẽ sớm đến thăm Seoul. Theo ông Moon Jae-in, "sớm" có nghĩa là trước cuối năm nay.

Sau hội nghị thượng đỉnh và họp báo chung, hai nhà lãnh đạo tiếp tục đối thoại trong bữa ăn trưa tại nhà hàng mì lạnh nổi tiếng của Bình Nhưỡng, Okryukwan. Ông Moon dự kiến sẽ trở về nước trong ngày 20-9 sau khi tới thăm núi Baektu ở tỉnh Ryanggang của Triều Tiên cùng với ông Kim. Núi Baektu cao nhất Triều Tiên là một địa điểm linh thiêng, gắn liền với sự nghiệp cách mạng của các nhà lãnh đạo vĩ đại Triều Tiên. Đây được xem là nơi cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, được sinh ra.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_195561_-ngay-dam-phan-tren-ban-dao-trieu-tien.aspx