Ngày đẫm máu ở miền Nam Thái Lan

Tối 5-11, các tay súng nổi dậy ở tỉnh Yala miền Nam Thái Lan đã tấn công khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và 4 thành viên lực lượng dân phòng tình nguyện bị thương. Các vụ tấn công của những tay súng nổi dậy tại các tỉnh Yala, Pattani và Narathiwat ở miền Nam Thái Lan trong 15 năm qua khiến hơn 7.000 người thiệt mạng, theo tổ chức Deep South Watch theo dõi tình hình bạo lực tại khu vực này.

Đại tá Pramote Prom-in, phát ngôn viên lực lượng an ninh khu vực miền Nam, cho biết vụ tấn công xảy ra vào khoảng 23h20 ngày 5-11 tại tỉnh Yala. Những kẻ tấn công còn cài chất nổ và rải đinh trên đường tẩu thoát để ngăn chặn lực lượng an ninh. Đây là một trong những vụ tấn công lớn nhất trong thời gian gần đây.

Bạo loạn ở miền Nam Thái Lan là một chiến dịch ly khai tập trung ở vùng Pattani, 3 tỉnh miền Nam của Thái Lan với bạo loạn liên tục lan sang các tỉnh lân cận và đe dọa lan đến Thủ đô Bangkok. Một loạt các xung đột đã dẫn đến cái chết của 7.000 người trong 15 năm qua.

15 người thiệt mạng và bốn người bị thương trong ngày 5-11 tại tỉnh Yala.

15 người thiệt mạng và bốn người bị thương trong ngày 5-11 tại tỉnh Yala.

Vùng bạo loạn là nơi đa số cư dân lại là thiểu số Hồi giáo trên một đất nước Phật giáo, các vụ bạo động rẽ qua một bước ngoặt mới đáng ngại hơn vì liên can trực tiếp đến tôn giáo. Người Hồi giáo nơi đây vẫn thường than phiền là bị chính phủ Trung ương kỳ thị và đòi quyền tự trị cho khu vực vốn có nền văn hóa khác biệt ở giáp biên giới Malaysia.

Họ thường tấn công vào các mục tiêu của chính quyền hay quân đội, nhưng thường dân, cả người Hồi giáo lẫn Phật giáo, cũng phải hứng chịu thương vong.

Tháng 1- 2019, 6 người đàn ông xông vào đền Rattanupap ở tỉnh Narathiwat, miền Nam Thái Lan, và xả súng khiến hai người thiệt mạng, trong đó có trụ trì đền. Các tay súng dường như đã cải trang thành lực lượng an ninh chính phủ.

Trước đó, vào tháng 4-2017, khoảng 30 kẻ nổi dậy đã bao vây một đồn cảnh sát tại tỉnh Yala và nã khoảng 500 phát đạn khiến 12 sĩ quan cảnh sát bị thương. Trước đó vài ngày một vụ tấn công tương tự đã xảy ra tại đồn cảnh sát tại tỉnh Narathiwat (miền Nam Thái Lan) đúng lúc diễn ra nghi thức chào cờ buổi sáng, khiến 1 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương.

Cuộc tấn công ngày 5-11 là chiến dịch lớn nhất của phiến quân "trong một thời gian dài", Don Pathan, chuyên gia về bất ổn miền Nam Thái Lan, nói với AFP. Vụ việc này xảy ra vài tháng sau cái chết của Abdulloh Esormusor, một phần tử nổi dậy 34 tuổi, bị hôn mê khi đang bị giam giữ tại một doanh trại quân đội.

Vài ngày sau khi Abdulloh bị giam giữ, 4 người thiệt mạng trong một cuộc tấn công đêm khuya vào một tòa nhà quân sự, làm dấy lên đồn đoán đây là đòn trả đũa.

Ngày 2-8-2019, ít nhất 5 quả bom đã phát nổ ở thủ đô Bangkok trong đó có trạm tàu điện trên cao BTS Chong Nonsi, đường Rama 9, trung tâm hành chính Chính phủ Thái Lan ở Chaeng Wattana, và trung tâm mua sắm King Power trên tòa nhà cao nhất Bangkok.

Sau đó một ngày, ba quả bom đã phát nổ tại ba máy rút tiền ở tỉnh Pattani, miền Nam Thái Lan. Các vụ nổ xảy ra đúng vào thời điểm an ninh đang được thắt chặt tại Bangkok trong tuần lễ diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan.

Cảnh sát Thái Lan sau đó nghi ngờ các vụ đánh bom xảy ra ở thủ đô Bangkok có thể mang động cơ chính trị. Tuyên bố được đưa ra giữa lúc nhà chức trách Bangkok đang truy lùng hơn 10 nghi can liên quan tới những vụ tấn công này.

Cảnh sát Thái Lan điều tra tại hiện trường một trong những vụ đánh bom ở Bangkok ngày 2-8.

Theo cảnh sát Thái Lan, 2 kẻ tình nghi bị bắt đến từ tỉnh Narathiwat ở miền Nam. 2 đối tượng này nằm trong số 15 nghi can bị nghi dính líu đến loạt vụ tấn công nói trên. Mặc dù vậy, không phải tất cả các nghi can đều có quan hệ với lực lượng nổi dậy ở miền Nam và một số đã trốn chạy khỏi Thái Lan.

Tư lệnh Cảnh sát Chaktip Chaijinda nhấn mạnh, loạt vụ đánh bom ở Bangkok có thể liên quan đến những vấn đề chính trị. Ông Chaktip không cung cấp thêm thông tin chi tiết nhưng cho biết 80-90% các vụ đánh bom trước đây đều có liên hệ đến động cơ chính trị và cảnh sát thực sự muốn biết nhân vật đứng đằng sau vụ việc lần này.

Sau khi các vụ nổ xảy ra, Ủy ban về tình hình khẩn cấp của Chính phủ Thái Lan đã quyết định kéo dài việc thực hiện sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp ở vùng cực Nam thêm 3 tháng nữa. Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng tại các tỉnh Pattani, Yala và Narathiwat từ ngày 20-9 đến 19-12, trừ các huyện Mae Lan và Betong của tỉnh Yala cũng như Sukhirin và Sungai Kolok của tỉnh Narathiwat.

Sắc lệnh này nhằm đảm bảo an ninh cũng như hòa bình và trật tự trong vùng. Tuy nhiên, vụ tấn công này một lần nữa cho thấy tình hình bất ổn ở đây sẽ còn phức tạp khi các nhóm phiến quân vẫn coi đánh bom, tấn công cảnh sát là cách để "dằn mặt" chính quyền.

Đức Quý

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/ngay-dam-mau-o-mien-nam-thai-lan-569362/