Ngày cuối năm và nỗi đau tai nạn giao thông

Những ngày giáp tết, cứ mỗi lần xem tin tức về các vụ va chạm, tai nạn giao thông là lòng tôi lại trĩu nặng. Tôi cứ day dứt khi nhớ về vụ tai nạn mà nạn nhân là những người bạn của mình, cũng vào những ngày cận tết như hiện tại.

Mỗi cá nhân nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông sẽ giúp giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Ảnh minh họa: Zing.vn

Tôi còn nhớ, cách đây gần 15 năm, lúc đó bạn tôi, là sinh viên năm 3 khoa Luật thương mại, trường đại học Luật TPHCM, do hoàn cảnh khó khăn nên buổi sáng lên giảng đường, buổi tối phải đi làm thêm để có tiền đóng học phí và trả tiền thuê nhà trọ. Một ngày giáp tết (26 tháng Chạp Âm lịch), sau tan ca, hai người bạn tôi chở nhau trên một chiếc xe máy đi từ Thủ Đức về trung tâm thành phố đã va chạm với chiếc xe container chạy cùng chiều. Tai nạn giao thông thảm đã làm cho hai người bạn của tôi không bao giờ còn có cơ hội để thực hiện ước mơ trở thành người trợ giúp pháp lý cho người nghèo.

Có thể thấy, tai nạn giao thông giờ đây không chỉ là nỗi đau mà còn là nỗi ám ảnh đối với rất nhiều người và đối với rất nhiều gia đình. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đau lòng xảy ra, nhất là vào mỗi dịp cuối năm khi cái tết đang cận kề, tai nạn giao thông đã "cướp" đi những ước mơ, những hoài bão của rất nhiều người.

Sự gia tăng các vụ tai nạn giao thông đường bộ trong những ngày cận Tết xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính, chủ yếu vẫn là ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong đó có tình trạng lạm dụng rượu, bia trong các buổi liên hoan, tổng kết cuối năm, chúc mừng nhau trong khi chia tay vê quê ăn tết nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông còn diễn ra phổ biến. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc không làm chủ được bản thân, hành vi điều khiển phương tiện trong tình trạng không tỉnh táo, thường phóng nhanh, vượt ẩu, xử lý tình huống kém dẫn đến xảy ra tai nạn giao thông.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, nếu trước đây tai nạn giao thông xảy ra nhiều ở các đô thị, khu vực đông dân cư, thì gần đây, các vụ tai nạn lại có chiều hướng tăng ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, tình hình giao thông đường thủy gần đây cũng xảy ra những tai nạn đáng lo ngại. Gần Tết Nguyên đán lưu lượng người đi lại, vận chuyển hàng hóa gia tăng, phát sinh tình trạng đò dọc đò ngang, trong khi rất ít phương tiện vận chuyển có đủ điều kiện an toàn theo quy định pháp luật. Do lượng khách qua đò đột ngột phát sinh chắc chắn sẽ hình thành các điểm phương tiện đưa rước khách ngang sông hoạt động trái phép. Vào những giờ cao điểm, các chuyến đò nơi đây thường xuyên trong tình trạng quá tải.

Về nguyên nhân xảy ra tai nạn phần lớn là do người điều khiển phương tiện vẫn còn thiếu ý thức trong chấp hành các qui định về đảm bảo an toàn giao thông như chở quá tải, đi không đúng luồng tuyến dẫn đến va chạm. Mặt khác, trên nhiều tuyến sông cấp Trung ương và tỉnh quản lý, thì có lực lượng kiểm tra thường xuyên, nhưng các tuyến sông nhỏ do xã huyện quản lý lại ít được quan tâm, kiểm tra dẫn đến đăng, nò, vó, đáy, lấn chiếm luồng làm cho phương tiện bị cản trở và là một trong nhưng nguyên nhân khiến tai nạn đường thủy gia tăng.

Có thể thấy, đằng sau những con số thống kê về hàng ngàn vụ tai nạn giao thông trong những ngày giáp tết, trong và sau Tết Nguyên đán, cướp đi tính mạng hàng trăm con người là nỗi đau của rất nhiều người và rất nhiều gia đình, hệ lụy cho xã hội. Điều đáng nói là tình trạng này vẫn tiếp diễn trong nhiều năm qua.

"Hạnh phúc đằng sau tay lái" là một câu châm ngôn hay đó cũng là một khẩu hiệu tuyên truyền mà bất cứ người tài xế, người tham gia giao thông nào cũng có thể thấu hiểu nhằm để giữ mình, răn mình cần phải cẩn thận hơn để mang lại hạnh phúc cho mình và người khác.

Nguyễn Đước - Quang Huy

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/269038/ngay-cuoi-nam-va-noi-dau-tai-nan-giao-thong.html