Ngày cuối năm nói chuyện Tết

Ngày cuối năm có thể nói chuyện gì ngoài chuyện Tết? Tôi định bụng tìm trong sách vở một câu chuyện nào đó về Tết xưa gần với cảm xúc của mình nhất để đăng. Và tôi nhớ tới bài viết của cụ Phạm Quỳnh mà tôi rất thích.

Khi xem ảnh cụ, tôi lập tức nghĩ tới người con trai nổi tiếng của cụ là Nhạc sĩ Phạm Tuyên. Cách đây mấy năm tôi có đến thăm Nhạc sĩ ở khu Vạn Bảo, Ba Đình. Căn phòng nhỏ của ông chỉ có cây đàn Piano phím đã ngả vàng, ba bề bốn bên tường nhà đều là sách.

Sau vài câu thăm hỏi, ông đi đến giá sách lấy ra một cuốn và nói với tôi: Mình muốn khoe với bạn cái này. Bà con bên Mỹ vừa hoàn thành tuyển tập các sáng tác của cụ, và đây là quyển tóm lược nội dung các tập sách sẽ in. Mình trông mong mãi, nay thì thỏa nguyện rồi.

Đa phần chúng ta biết tới cụ Phạm Quỳnh qua câu nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Cụ là chủ bút của Nam Phong tạp chí, giảng viên Trường Cao đẳng Hà Nội, người sáng lập Hội Khai trí Tiến Đức, Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ, Tổng Thư ký Ủy ban Cứu trợ xã hội Bắc Kỳ. Dưới triều Nguyễn, cụ làm đến Thượng thư Bộ Học và Thượng thư Bộ Lại.

“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” là câu cụ Phạm Quỳnh đọc trong bài diễn thuyết tại lễ kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Du mùng 10 tháng 3 âm lịch, đăng trên Nam Phong tạp chí số 86, tháng 8-1924. Xin trích một đoạn:

“Văn chương người ta thiên kinh vạn quyển, dẫu có thiếu mất một quyển cũng chẳng hại gì. Văn chương mình chỉ độc có một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc, ví lại khuyết nốt thì dân tộc ấy thế nào?

Than ôi! Mỗi lần nghĩ tới mà không khỏi rùng mình, chột dạ, sửng sốt, rụng rời, tưởng như hòn ngọc ở trên tay bỗng rơi xuống vỡ tan tành vậy. Rồi mới tỉnh ra, sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ dịp rung đùi, lên giọng cao ngâm:

Lơ thơ tơ liễu buông mành,

Con oanh học nói trên cành mỉa mai.

Hay là:

Phong trần mài một lưỡi gươm,

Những phường giá áo túi cơm sá gì.

bỗng thấy trong lòng vui vẻ, trong dạ vững vàng, muốn nhảy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!…”

Chiều Ba mươi tết, bên nồi bánh chưng nghi ngút khói, ngắm những nụ đào đang nhú, nghe người xưa nói về tết xưa cũng là điều thú vị. Dưới đây là vài đoạn trong bài viết “Tâm lý ngày Tết” của cụ Phạm Quỳnh:

“Dân Việt Nam ta có cái may mắn, cái đặc ân là có một dịp vui chung cho tất cả, dịp ấy cứ đều đặn mỗi năm một lần vào ngày đầu xuân năm mới. Về dịp này tất cả đàn con đất Việt, từ người giàu cho đến kẻ nghèo, từ người tiên tiến cho đến kẻ thủ cựu đều một lòng một dạ, cùng nhau hớn hở đón chúa xuân, trong mấy ngày lễ long trọng, trang nghiêm mà cũng rộn ràng náo nhiệt biết bao! Ngày ấy là ngày Tết.

“Tết”, chữ màu nhiệm thay! Như đã chứa chất biết bao niềm vui mừng của cả một dân tộc vô tư vui vẻ, cứ mỗi năm, đến kỳ xuân tới là quên cả hết thẩy những nỗi lo lắng khó khăn của năm cũ để sẵn sàng hoan hỷ bước vào năm mới với chứa chan hy vọng.

Trong mấy ngày cổ truyền ấy, con người ta phải hoàn toàn đổi mới, lột hết những gì cổ hủ của con người cũ đi mà tự tạo nên một tâm hồn mới mẻ; phải đuổi hết những tư tưởng yếm thế, phải tạo ra những ý vui, chỉ nói những lời ngọt ngào dễ thương, quên hết những hận thù, để đối với ai - dù là kẻ thù chăng nữa - cũng một lòng khoan hồng bác ái.

Ai cũng có vẻ tạo ra một vẻ mặt sung sướng, vui tươi, niềm nở như để dễ quyến rũ cái Hạnh phúc nó như cái bóng phảng phất khó lòng mà nắm được, tựa hồ như con chim hoàng oanh của nhà thi sĩ nọ, ríu rít hót ca trên cành liễu này rồi phút chốc đã lại bay qua cành liễu khác.

Tết với những tượng trưng và nghi lễ của ngày ấy đã ghi vào đời sống của chúng ta một giai đoạn vui sướng, mà giai đoạn ấy chúng ta có cái may mắn là cứ mỗi năm ta lại được sống lại một lần. Sống mấy ngày hoan hỷ vui chung cả quốc dân, tự thấy mình đã cũng chia sẻ sự vui sướng ấy và cùng thông cảm với tất những người đồng chung về một ý thức, một tư tưởng, đó là niềm vui không phải nhỏ; niềm vui ấy, chính ngày Tết đã đem lại cho ta, và ta sẽ không bao giờ quên ơn.

Riêng về phần tôi, mỗi lần ngó về dĩ vãng, nhớ lại những ngày thơ ấu, những năm của tuổi trẻ đã qua, ngày Tết đã để lại cho tôi toàn những kỷ niệm êm đềm.

Một ngày kia nếu phải bỏ phiếu để bãi bỏ cái ngày lễ ấy đi, thì dù ai biện lẽ phải gì hay ho tốt đẹp đến đâu, tôi cũng bỏ phiếu chống sự bãi bỏ ấy, mặc dầu họ có thể cho tôi là một anh thủ cựu bướng bỉnh hay liều lĩnh”.

Chép đến đây, tôi bỗng giật mình khi chợt nhận ra rằng, Phạm tiên sinh đã có cái nhìn thấu cả trăm năm khi lên tiếng bảo vệ Tết âm lịch, bởi vào thời gian này, có vị Giáo sư muốn theo lịch Tây, bỏ phăng Tết ta. Mà cái ý nguyện bỏ Tết ta của vị Giáo sư nọ mãnh liệt lắm, nó kéo dài mười bốn năm rồi, bây giờ vẫn đăng đàn phát ngôn, vẫn với luận điểm '’Còn giữ tết ta, đất nước còn nghèo!’'.

Lê Trọng Hà

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ngay-cuoi-nam-noi-chuyen-tet-82389