Ngày con đi học

Bước vào năm học mới, khi công việc luôn tất bật thì việc chọn trường cho con luôn là vấn đề mà các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Con đi học, bước vào môi trường mới, chẳng biết con có được quan tâm, chăm sóc chu đáo như ở nhà hay không? Đó là nỗi lo không của riêng ai, khi đã làm cha mẹ.

Lần đầu đến trường, lúc nào con cũng khóc. Ảnh minh họa

I. Bol là tên mà vợ chồng tôi dùng để gọi tên con khi ở nhà. Chẳng hiểu vì sao vợ tôi lại đặt cho con cái tên ngộ nghĩnh, thân thương ấy. Hỏi ra mới biết vợ đặt tên con như vậy, bởi lúc còn nhỏ đầu con không có tóc. Hay nói đúng hơn là đầu trọc. Giờ nhìn lại hình con lúc nhỏ, tôi mới sực nhớ, ngày con còn bé, vợ thường cưng nựng và gọi con bằng cái tên thân thương "đầu trọc bol bol". Cái tên Bol bắt nguồn từ đó.

Đầu trọc chỉ là lúc nhỏ. Giờ con đã lớn, tóc đã phủ đầy. Hôm nay, con đã đến trường. Ngày con đi học, là bậc cha mẹ, trong lòng vợ chồng tôi cứ lâng lâng một cảm xúc "vừa mừng, vừa lo". Mừng vì con đã lớn, được đến trường, mừng vì con được học thêm những điều mới mẻ từ thầy cô, bè bạn, mừng vì con có thêm nhiều bạn mới... Tuy nhiên, kèm theo đó, vợ chồng tôi luôn đau đáu một nỗi lo. Không biết con đến trường có ăn uống được không, có khóc không, con có nghịch ngợm, đánh bạn và có chịu nghe lời thầy cô giáo hay không...

II. Con rất tinh nghịch, hay "nịnh" để lấy lòng ba mẹ. Những lần làm sai, con thường cất lên những câu nói "tỉnh bơ": Sáng giờ con quên hôn ba/mẹ nữa trời; ba, mẹ! Con muốn hôn ba mẹ; ba mẹ thương con lắm phải không... Những câu nói hồn nhiên, ngây thơ của con vô tình khiến cho vợ chồng tôi phì cười. Khi ấy, con lại sà vào lòng chúng tôi. Và hạnh phúc đến với gia đình tôi từ những điều đơn giản nhất.

Ngày con đi học, vợ chồng tôi đã thức trắng đêm vì không biết, khi đến trường con có ngoan không, có khóc đòi mẹ khi gửi con lại trường hay không...

Hôm nay, con đến trường, tạm xa rời vòng tay ba mẹ trong những giờ đến lớp. Trong lòng tôi rất băn khoăn, ngổn ngang những câu hỏi rằng, ai cho con ăn, ai ru con ngủ, ai đưa con đi vệ sinh... rồi trong lòng tự trả lời, cô giáo! Tôi tự cười với lòng. Hóa ra, tôi trở thành ông cụ non từ khi nào chẳng biết.

III. Suốt gần một tháng, trước ngày con đến trường. Vợ chồng tôi luôn cố gắng làm tốt công tác "tư tưởng" cho con như, cho con xem hình ảnh, clip ngắn về hình ảnh các em bé đến trường được thầy cô giáo dạy nắn nót viết từng chữ cái đầu đời, rồi tập tành học cách đánh vần từng chữ ê, a rất ngô nghê, trông con rất thích; hướng dẫn cho con cặn kẽ mọi điều cần thiết giành cho trẻ khi bước vào mẫu giáo... Cuối cùng, nhờ làm tốt công tác "tư tưởng" vợ chồng tôi đã thuyết phục thành công con đến trường.

Ấy vậy mà, cũng có lúc con nghịch ngợm và lấy lý do rằng, trường đóng cửa rồi sẽ không phải đi học. Thậm chí, có lúc con nói ra những câu khiến vợ chồng tôi rất "khó đỡ": "Cô giáo trốn rồi sao mà đi học". Đó là những lúc cuối tuần, khi trời vừa chập choạng tối, vợ chồng tôi thường cho con đi chơi nhà thiếu nhi. Khi đi ngang trường, cũng là lúc trường đóng cửa không có thầy cô giáo. Khi đó, vợ giải thích cho con: "Con không được nói vậy biết không? Bây giờ là buổi tối, lại là ngày cuối tuần nên con được nghỉ học. Con không đi học nên cô giáo cũng không đến trường biết chưa?

Con khóc, cô giáo phải dỗ dành. Ảnh minh họa

Dạ biết! Con đáp. Và có những lúc con buột miệng hỏi vợ tôi: "Mẹ ơi! Ngày cuối tuần là thế nào hả mẹ? Tại sao con được nghỉ học ngày cuối tuần? Khi ấy, vợ tôi lại chịu một phen "chao đảo" vì những câu hỏi của con.

IV. Ngày con đi học, tôi không ở nhà để cùng vợ đưa con đến trường. Dù tối hôm trước con có dặn: "Mai ba đi học với con nghe ba". Tôi hứa, để con vui lòng "Con ngủ ngoan đi, mai hai ba con mình đi học". Con ngoan ngoãn chìm vào giấc ngủ. Để rồi, sáng thức dậy, con nhìn không thấy tôi và con khóc, nói với vợ tôi một cách ngây ngô: "Ba nói dóc, con giận ba. Mẹ đóng cửa lại đi, đừng cho ba về".

Những lần như vậy, vợ tôi nói: "Con đóng cửa, ba không về, lấy tiền đâu mua sữa cho con uống? Và con lại đáp: "Thì mẹ mở cửa ra lấy tiền rồi đóng lại". Rồi vợ tôi dỗ dành con và chuẩn bị cho con đến trường. Nghe vợ tôi kể lại, tôi vừa cười, vừa thương con. Lần đầu thất hứa với con, tôi cũng buồn vì không thể cùng con đến trường trong ngày đầu tiên con đi học.

Hôm nay, là ngày con đi học. Sáng thức dậy, con hớn hở kêu mẹ cho mặc quần áo mới. Xem ra, con cũng ham học. Ăn mặc cho con tươm tất, vợ tôi len lén lấy chiếc cặp bỏ vào cốp xe. Vì sợ con đổi ý. Nỗi lo sợ của vợ tôi là có căn cứ vì mỗi lần cho con đeo cặp lên vai là con giẫy nẫy kêu la, không chịu đi học. Lúc lên xe, con khăng khăng kêu mẹ đọc dòng chữ tên con "Trần Nguyễn Nhật Duy" mà vợ tỉ mẩn thức gần trắng đêm để thêu lên áo cho con. Con khoái chí cười khúc khích.

Đến trường, con không chịu vào lớp. Vợ tôi nói gạt "mình vào gặp cô lấy đồ rồi đi chợ nghen con". Con hớn hở theo mẹ vào lớp. Đến lớp, vợ tôi truyền tay con sang tay cô giáo. Vợ vội ra về. Con khóc. Cô giáo dỗ dành "Nhật Duy ngoan, ở đây chơi với cô, cô cho con ăn bánh, chiều mẹ lại rước Nhật Duy đi chợ chơi nha". Vợ về, lại một lần nữa con biết mình đã bị lừa. Chắc con giận lắm, nhưng vì tương lai của con nên buộc lòng vợ chồng tôi phải làm như vậy và đến khi trưởng thành, chắc con sẽ hiểu.

TRẦN DUY (Kiến thức gia đình số 38)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ngay-con-di-hoc-post226823.html