Ngày chiến thắng trong hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1975 mang thêm ý nghĩa ngày chiến thắng. Tình giai cấp hòa trong tình dân tộc, làm nổi bật nét đẹp trong tư tưởng cách mạng của Bác Hồ.

Sáng 1/5/1975.

Tại Sở Chỉ huy, Bộ Tổng tham mưu báo cáo tình hình đồng bằng sông Cửu Long và các đảo còn lại. Khi biết tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ở phần lớn các tỉnh, lực lượng vũ trang ta đã kết hợp quần chúng nổi dậy, số lượng có nơi ước tới hàng vạn người như ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau... tiến công mạnh vào ngụy quân, ngụy quyền ở cơ sở, buộc chúng phải đầu hàng.

Ở Cần Thơ, đêm 29/4, Sư đoàn 4 tiến công hai sân bay Bình Thủy và Trà Nóc, Tiểu đoàn Tây Đô, Tiểu đoàn 303 kết hợp tác chiến với binh vận tiến công Sở Chỉ huy địch trong thành phố. Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Vùng IV chiến thuật tự sát. Chiều 30/4, tỉnh Cần Thơ được giải phóng.

Ở Vĩnh Long, Trà Vinh, mặc dù bị quân và dân ta tiến công, uy hiếp, đêm 29 và sáng 30/4, một bộ phận quân địch ở đây còn chống trả quyết liệt. Đến 17h ngày 30/4, Tỉnh trưởng Vĩnh Long và Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 ngụy phải đầu hàng. Với hai tiểu đoàn và lực lượng quần chúng có các sư sãi tham gia rất đông đảo, ta đã giải phóng Trà Vinh trong ngày 30/4.

Sau khi chiếm được các thành phố, thị xã quan trọng, ta đã kịp thời đưa lực lượng tiến sâu vào các vùng đồng bào các tôn giáo như Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, bức hàng nhiều đồn bốt địch.

Ở các vùng nông thôn Nam Bộ, hàng trăm chi khu, phân chi khu quân sự, hàng nghìn đồn bốt của địch tan rã, đầu hàng trước làn sóng tiến công và nổi dậy của quân và dân các địa phương... Cả vùng châu thổ sông Tiền, sông Hậu được giải phóng.

Tại Côn Sơn, ngày 30/4 và 1/5/1975, những người cách mạng bị địch giam cầm ở đây đã nổi dậy phá nhà lao, giải phóng đảo. Các lực lượng tại chỗ ở Phú Quốc kết hợp anh chị em tù chính trị trong các trại giam tiến công và nổi dậy giải phóng đảo trước khi lực lượng ta từ đất liền ra tới nơi. Đến ngày 2/5/1975, toàn miền Nam đã sạch bóng quân thù.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta toàn thắng.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là kết quả rực rỡ của việc thực hiện ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh, kết hợp với các mũi tiến công quân sự, chính trị, binh vận sôi nổi của quân và dân miền Nam ngay từ đầu và trong cả quá trình Tổng tiến công và nổi dậy.

Còn phải kể đến hai mũi tiến công ngoài kế hoạch: Đó là sự hình thành và chiến đấu dũng mãnh, thần tốc của cánh quân phía đông, thúc đẩy tình hình chiến trường phát triển mau lẹ, kịp thời tăng cường lực lượng cho trận chiến đấu quyết định diệt địch ở sào huyệt cuối cùng.

Đó là mũi tiến công sắc bén trên vùng lãnh hải, nhanh chóng giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ven biển, hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ giải phóng miền Nam.

Ở đây, các đòn tiến công quân sự mạnh mang ý nghĩa quyết định. Các cuộc nổi dậy của nhân dân sôi nổi, rộng khắp, muôn hình muôn vẻ là đòn chiến lược hết sức lợi hại, tiến công địch khắp nơi, làm cho thắng lợi đến nhanh.

Một sự trùng hợp lịch sử thú vị đã diễn ra: Hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trong thế kỷ XX cùng kết thúc bằng cuộc chiến đấu 55 ngày đêm. Nếu như ở Điện Biên Phủ, 56 ngày đêm là thời gian cần thiết cho một trận tiến công dài ngày vào một tập đoàn cứ điểm kiên cố theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”, thì 55 ngày đêm Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam lại là bước kết thúc chiến tranh không ngừng rút ngắn, khẩn trương, “thần tốc”, nhanh đến không ngờ! Dù ngắn hay dài, thời gian vẫn là lực lượng.

Chiều 1/5, tôi tranh thủ thăm Cục Tác chiến, cơ quan trực tiếp phục vụ chỉ huy quân sự, trong không khí tưng bừng, phấn khởi. Hầu như mọi người trong cơ quan đều có mặt. Một tràng pháo dài nổ vang chào mừng tin toàn thắng. Tôi hỏi thăm anh Hoàng Văn Thái, vì bận không đến dự, ôm hôn anh Cao Văn Khánh, các cán bộ tham mưu, các nhân viên mật mã, đánh máy, thông tin...

Tôi nói: Qua 30 năm lãnh đạo, chỉ huy quân đội, lần này tôi thấy công tác tham mưu có tiến bộ vượt bậc. Từ kế hoạch tác chiến đến nắm địch, nắm ta, truyền đạt mệnh lệnh... đều chính xác, kịp thời. Xin cảm ơn các đồng chí.

Tiếp đó, tôi sang thăm Cục Tuyên huấn, cơ quan giúp Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh trong công tác lãnh đạo, động viên, giáo dục tư tưởng cho bộ đội và tuyên truyền, báo chí.

Anh Lê Quang Đạo, thay mặt Tổng cục Chính trị và toàn cơ quan tuyên huấn đón tiếp rất nồng nhiệt. Ở đây, sau khi khen ngợi những kết quả thu được trên mặt trận tư tưởng và dư luận, tôi nhắc lại tinh thần lời dạy của Bác Hồ: Thắng lợi tuy lớn, mới chỉ là một bước trên con đường vạn dặm của cách mạng, tuyệt đối không được tự mãn, chủ quan.

Vì thời gian có hạn, tôi chỉ thăm được hai cơ quan giúp việc thường xuyên cho Bộ Tổng tư lệnh và Quân ủy Trung ương. Công việc chuẩn bị cho cuộc họp Quân ủy và cuộc họp của Bộ Chính trị trong các ngày tiếp theo không cho phép đi nhiều.

Trong thâm tâm, tôi muốn đến thăm tất cả cơ quan Tổng hành dinh, vì trong chiến công tập thể vĩ đại này, tổ chức nào, cá nhân nào cũng có phần đóng góp. Tôi muốn ôm tất cả đồng chí vào lòng.

Mấy ngày sau, tôi cùng anh Ba vào thăm miền Nam hoàn toàn giải phóng. Quên sao được niềm vui mừng phấn khởi khi đặt chân trở lại trên thành phố mang tên Bác, xúc cảm trước cảnh hân hoan mừng chiến thắng của đồng bào, đồng chí trên phố phường còn nguyên vẹn, tưởng như được đón Bác trở về từ nơi Người đã ra đi.

Chúng tôi về thăm các cơ sở cách mạng ở Sài Gòn, Biên Hòa, Cần Thơ, Rạch Giá... những chiếc nôi đã nuôi dưỡng, chở che cho bao cán bộ kiên trung đi làm cách mạng không hẹn có ngày về. Vui mừng, xúc động, anh Ba giới thiệu các Ba, các Má đã nuôi anh những ngày hoạt động bí mật trong lòng địch.

Trước cảnh cũ người xưa, tôi bồi hồi nhớ lại những lần vào Nam thực hiện các nhiệm vụ cách mạng được giao. Năm 1929, với tư cách phái viên của Tổng bộ Tân Việt và nhóm cộng sản trong Tân Việt, tôi đến Sài Gòn với nhiệm vụ chuyển kỳ bộ Tân Việt sang hàng ngũ cộng sản.

Sau đó, năm 1935, tôi lại vào gặp nhóm đảng viên hoạt động nửa công khai, nhận tài liệu của Đông Dương Đại hội mang ra Hà Nội. Tìm đến các cơ sở cũ, hầu hết đã không còn nữa. Nhiều ân nhân của cách mạng không còn được thấy ngày khải hoàn của dân tộc.

Tiếp đó, tôi đến thăm các binh đoàn chủ lực, đơn vị đặc công, biệt động, các đơn vị bộ đội địa phương. Những “anh bộ đội Cụ Hồ” vừa làm nên kỳ tích, nhưng hết sức giản dị, thân tình. Tôi khen ngợi chiến công của cán bộ, chiến sĩ, lòng bùi ngùi thương tiếc bao đồng chí, đồng đội vừa ngã xuống để Tổ quốc trường tồn.

Tôi cũng đã đến quan sát Bộ Tổng tham mưu quân đội ngụy. Tại phòng làm việc của Tổng tham mưu trưởng, tôi chú ý đến tờ lịch ngày 28 tháng 4 còn bóc dở. Trong phòng triển lãm vũ khí, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại đều được trưng bày.

Trên một tấm bản đồ Đông Dương chi chít những dấu chấm xanh, đỏ, đánh dấu những nơi mà vũ khí, trang bị điện tử phát hiện các căn cứ của ta, nhất là trên đường vận chuyển chiến lược Trường Sơn. Cảm tưởng sâu sắc nhất của tôi là: Vũ khí kỹ thuật Mỹ dù hiện đại đến đâu cũng không thể cứu kẻ thù khỏi thất bại. Quyết định thắng lợi là con người Việt Nam yêu nước, dũng cảm, thông minh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp / NXB Chính trị quốc gia Sự thật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngay-chien-thang-trong-hoi-uc-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-post1209986.html