Ngày Chiến thắng phátxít Đức trong ký ức các cựu binh Mỹ

Một cựu binh Mỹ đóng quân tại Đức nhớ lại: 'Tôi đã rất vui mừng khi nghe được tin tức về chiến thắng trên radio. Đó là một trong những tin được mong đợi nhất mà tôi đã từng nghe.'

Một cựu binh Mỹ viếng mộ các đồng đội hy sinh tại Normandy, Pháp. (Nguồn: AP)

Một cựu binh Mỹ viếng mộ các đồng đội hy sinh tại Normandy, Pháp. (Nguồn: AP)

75 năm đã trôi qua nhưng sự kiện Đức Quốc xã đầu hàng, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai trên chiến trường châu Âu, vẫn gợi lại những kỷ niệm vô cùng tươi đẹp trong ký ức của các cựu chiến binh Mỹ.

Chia sẻ những hồi tưởng với phóng viên TTXVN tại New York, ông James Lambeth, 96 tuổi, một cựu binh Mỹ từng đóng quân tại Đức vào thời điểm đó, nhớ lại: “Tôi đã rất vui mừng khi nghe được tin tức về chiến thắng trên radio. Đó là một trong những tin được mong đợi nhất mà tôi đã từng nghe.”

Ngày 8/5/2020 là dịp kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng hoàn toàn của phe đồng minh (gồm Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp) chống phátxít Đức, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tại châu Âu.

Đúng 22 giờ 43 ngày 8/5/1945 (giờ Berlin), tức 0 giờ 43 ngày 9/5/1945 (giờ Moskva), tại một trường quân sự cũ ở Karlshorst gần Berlin, trước sự chứng kiến của đại diện các cường quốc đồng minh, các đại diện nước Đức Quốc xã đã ký vào biên bản xác nhận đầu hàng không điều kiện.

Tin nước Đức Quốc xã đầu hàng đã lan nhanh khắp nước Mỹ. Các chuông nhà thờ reo vang từng hồi trên khắp cả nước.

Tại nhiều thành phố, các doanh nghiệp đã đóng cửa vào hôm đó khi mọi người vui chơi, nhảy múa trên các con phố.

Tuy nhiên, các hoạt động kỷ niệm cũng giảm bớt dần khi bóng ma của cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt khi mà quân đội Mỹ và Nhật Bản vẫn giao tranh ác liệt trên Thái Bình Dương.

Trong một nỗ lực nhằm duy trì sự tập trung của nước Mỹ, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Harry Truman đã tuyên bố ngày Chủ Nhật sau đó, tức là “Ngày của Mẹ,” là ngày cầu nguyện.

Ông Truman phát biểu rằng niềm vui chiến thắng chưa thể trọn vẹn vì cái giá phải trả quá đắt cho việc tiêu diệt Hitler và chiến thắng của nước Mỹ mới chỉ đạt một nửa.

Trong khi đó, những người lính Mỹ vẫn đang ở chiến trường châu Âu lại không có được tâm trạng phấn khích như vậy.

Mặc dù chiến tranh kết thúc nhưng nhiều binh sỹ Mỹ vẫn chưa thể trở về nhà và họ đang phải gánh vác thêm một nhiệm vụ mới là giúp tái thiết nước Đức.

Ông Lambeth, thành viên của một đơn vị kỹ sư thuộc Thủy quân Lục chiến Mỹ, là một trong những số đó.

Một cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến chống phátxít Đức. (Nguồn: EPA)

Ông nhớ lại: “Không có quá nhiều hoạt động kỷ niệm, chúng tôi vẫn có việc phải làm. Nhưng chúng tôi cũng rất hạnh phúc. Một số người nói về những ký ức tốt đẹp của những năm 40 của thế kỷ 20, về âm nhạc và tất cả mọi thứ. Nhưng đối với tôi, tôi nghĩ rằng ký ức tốt đẹp nhất về thời kỳ đó là khi họ nói với chúng tôi rằng, chiến tranh đã kết thúc.”

Nhật Bản đầu hàng vào ngày 14/8/1945, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến trên toàn thế giới và các hoạt động kỷ niệm được tổ chức rầm rộ hơn trên nước Mỹ. Ngày đó được gọi là Ngày Chiến thắng Nhật Bản.

Tại Mỹ và châu Âu, trong tuần này có nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng nhưng một số cũng đã phải hủy bỏ hoặc giảm bớt quy mô do lo ngại những ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Hiện những người còn giữ những ký ức về ngày này ngày càng ít đi khi mà số cựu binh sống sót từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai ngày mai một dần.

Theo số liệu của Bộ Cựu Chiến binh Mỹ, có khoảng 16 triệu người dân nước này phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng đến năm 2019 chỉ còn khoảng 389.292 người còn sống./.

Khắc Hiếu (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ngay-chien-thang-phatxit-duc-trong-ky-uc-cac-cuu-binh-my/639240.vnp