Ngày càng hiếm những lớp diễn ấn tượng

Trong một vở diễn, góp phần tạo nên sự chỉn chu của tổng thể vở diễn không thể không kể đến những lớp diễn mà đạo diễn và diễn viên đã công phu đầu tư để khi nhắc đến là khán giả phải nhớ.

Một cảnh trong vở Hồi xưa biển ngọt. Ảnh: Gia Tiến

Một cảnh trong vở Hồi xưa biển ngọt. Ảnh: Gia Tiến

Có khá nhiều lớp diễn trong các vở kinh điển được khán giả nhớ mãi và đến nay vẫn còn được dựng lại như lớp diễn chiêu hồn gươm, giáo trong vở Thái hậu Dương Vân Nga; lớp diễn Trưng Trắc tế sống chồng là Thi Sách để nghĩa quân nổi trống tấn công Luy Lâu thành; lớp diễn công chúa Bích Vân tìm gặp, đề nghị Quỳnh Nga “bán chồng” trong Bên cầu dệt lụa

* Những lớp diễn để đời

Thời gian gần đây, có một số vở diễn ở các sân khấu cũng đã chăm chút để có những lớp diễn đi vào lòng người xem. Ai đã xem vở Tiên Nga của sân khấu Idecaf chắc khó thể quên lớp diễn Kim Liên hành thích vua Phiên. Một lớp diễn rùng rùng cảm xúc khi Kim Liên, đóa sen nhỏ bé của nước Việt phải đương đầu với bọn quỷ dữ. Người ta không chỉ thương cô gái bé nhỏ mà còn cảm phục tinh thần yêu nước của người con dân đất Việt. Từng hành động, từng lời nói, cách nhấn thoại của Kim Liên, đặc biệt là cụ Nguyễn Đình Chiểu (do NSƯT Thành Lộc đóng) đều là sự chăm chút hết sức tỉ mỉ của đạo diễn và diễn viên khiến đó là lớp diễn ấn tượng và xúc động nhất trong Tiên Nga.

Ở các vở diễn của sân khấu Hoàng Thái Thanh, hầu như vở diễn nào cũng có 1, 2 lớp diễn mà người xem cảm nhận được đạo diễn và diễn viên phải tốn nhiều tâm sức mới xây dựng được. Nhớ lớp diễn Bún (Hoàng Vân Anh đóng) mất con trong vở Hồi xưa biển ngọt. Đó là lớp diễn mà người xem thấy như tim mình bị bóp nghẹt. Bún quanh năm bươn bả với gánh chè, một lòng một dạ lo cho gia đình nhỏ. Rồi một ngày chồng cô ôm hết tài sản bỏ theo bồ nhí, con gái mới 3 tuổi thì bị sóng cuốn trôi. Bún tan nát, Bún thất thần nháo nhào kiếm con. Xỏ đôi dép chiếc có chiếc không bước thấp bước cao đi như mộng du, cuộc đời sao quá nghiệt ngã với cô…

Có thể nói, đó là lớp diễn lấy bao nhiêu tâm sức của đạo diễn và ê-kíp diễn viên. Phải tinh tế trong từng chi tiết, phải va đập những cơn sóng cảm xúc để rồi người xem như vỡ òa, như tan nát cùng với Bún. Vì vậy ai đã xem Hồi xưa biển ngọt, buộc phải quay quắt, đau đớn với nhân vật trong lớp diễn khó quên này.

* Vì sao thiếu vắng những lớp diễn ấn tượng?

Sự thiếu vắng những lớp diễn ấn tượng trong những vở diễn hiện nay là do đâu?

Trước hết, phải nói đến yếu tố kịch bản. Đã từ rất lâu chúng ta đang đau đầu vì sự thiếu hụt những kịch bản hay cho sân khấu. Có bột mới gột nên hồ, xuất phát điểm là một kịch bản hời hợt, nhạt nhòa thì những thành phần sáng tạo sau đó như: đạo diễn, diễn viên… cũng khó tìm được điểm tựa để tạo nên sức bật cho vở diễn, tạo những điểm sáng lấp lánh trong vở diễn để người xem có thể khóc, cười.

Kế tiếp là đạo diễn. Đạo diễn trẻ và giỏi cho sàn diễn hiện không nhiều. Tìm được người chịu khó, năng động, sáng tạo cũng không hề dễ. Lại có tình trạng sân khấu muốn tiết kiệm chi phí, tận dụng các diễn viên trẻ có chút khả năng đôn lên làm đạo diễn mà chưa qua trường lớp, chưa có kinh nghiệm nhiều dẫn đến việc dàn dựng chỉ đơn thuần là kể một câu chuyện sinh hoạt bình thường. Xem các vở diễn đó, không thấy được bàn tay của đạo diễn, chi tiết vừa thiếu vừa thừa, đạo diễn không đủ bản lĩnh để diễn viên tự do bung miếng, vở diễn lạc lối một cách không kiểm soát. Chỉ riêng việc giữ được đường dây vở diễn xuyên suốt đã khó nói gì đến việc xây dựng một lớp diễn tạo nên điểm nhấn.

Ngày nay, việc tập một vở diễn từ 7-10 ngày là chuyện bình thường, có khi còn ít hơn. Trong khi trước đây, để hoàn thành một vở diễn người ta phải mất cả tháng trời hoặc lên đến vài tháng. Việc tập trung đủ diễn viên cho một buổi tập luôn khiến đạo diễn nhức đầu, bởi mạnh ai nấy chạy sô. Có khi họ bị vắt kiệt sức ở chỗ khác, chạy đến chỗ tập thì cũng mệt lả không còn tâm trí để dành cho sân khấu, cho sự sáng tạo. Thực trạng đó tác động rất mạnh đến việc hình thành một tác phẩm sân khấu chất lượng. Rất nhiều đạo diễn, ngay cả những đạo diễn có tên tuổi, cây đa cây đề cũng ngao ngán thực trạng này. Vì tập dợt một cách chụp giật như thế thì đạo diễn có giỏi cỡ nào, tâm huyết cỡ nào cũng… bó tay. Thời gian đâu, diễn viên đâu để xây dựng một lớp diễn cho ra tấm ra món?

Để xây dựng một lớp diễn chạm đến trái tim người xem, khiến người ta phải thổn thức là công trình sáng tạo của cả ê-kíp. Đạo diễn, diễn viên ngay cả các bộ phận kỹ thuật phải cùng tập trung lại, nghiên cứu, nghiền ngẫm và lăn lộn trên sàn tập, phải mất rất nhiều thời gian để trau chuốt, chỉnh sửa. Thậm chí, khi giới thiệu đến công chúng phải quan sát phản ứng khán giả để có sự điều chỉnh phù hợp, hoàn thiện từ từ để cuối cùng là những khoảnh khắc đọng lại mãi trong lòng người xem.

Sân khấu đang ngày càng khó khăn bởi sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí khác, của thế giới mạng. Thế nhưng, chúng ta không thể vin vào đó rồi chán nản thả nổi những tác phẩm trình làng với công chúng. Thực tế là chúng ta đang thiếu những vở diễn hay, có những điểm nhấn là các lớp diễn được chăm chút để khán giả nhớ đến. Và vì thế đời sống các vở diễn cứ thế mà ngắn dần và trôi vào quên lãng…

Trí Trọng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202012/ngay-cang-hiem-nhung-lop-dien-an-tuong-3034555/