Ngay cả nhân viên Facebook cũng không còn tin Mark Zuckerberg nữa

Sau hàng loạt bê bối vận hành, Mark Zuckerberg đã tuột xuống vị trí 55 trong bảng xếp hạng CEO được yêu thích nhất tại Mỹ.

Sau hàng loạt bê bối về dữ liệu người dùng, uy tín của Mark Zuckerberg đang bị sụt giảm nghiêm trọng với nhân viên tại Facebook. Theo bảng danh sách các CEO hàng đầu nước Mỹ của Glassdoor, vị trí của người sáng lập Facebook đã tụt xuống vị trí thứ 55. Năm 2018, Mark Zuckerberg giữ vị trí 16 trong bảng xếp hạng này.

"Với nhân viên Facebook, Mark Zuckerberg hiện tại không còn là Mark Zuckerberg khi xưa nữa”, CNBC từng nhận định.

Nhân viên Facebook đang mất dần lòng tin với Mark Zuckerberg. Ảnh: Reuters.

Nhân viên Facebook đang mất dần lòng tin với Mark Zuckerberg. Ảnh: Reuters.

Glassdoor là website uy tín ra đời năm 2008 với mục tiêu đánh giá môi trường làm việc, phản ứng của nhân viên và lãnh đạo của các doanh nghiệp tại Mỹ. Theo danh sách mới nhất năm 2019, Mark Zuckerberg đã tụt 39 hạng trong danh sách những CEO được yêu thích nhất do nhân viên bình chọn trong khuôn khổ Employee's Choice Awards.

Đây cũng là lần đầu tiên Zuckerberg rơi khỏi top 20 CEO được yêu thích nhất năm kể từ lần đầu được Glassdoor thực hiện khảo sát vào năm 2013. Trước năm 2018, "cha đẻ" Facebook luôn giữ một vị trí trong top 10.

Ở cuộc bình chọn đầu tiên vào năm 2013, Mark Zuckerberg chính là cái tên đứng ở vị trí số một. Lần lượt những năm sau đó, Zuckerberg xếp vị trí thứ 10 (2014), thứ 4 (2015 và 2016), thứ 10 (2017) trước khi lần đầu rớt xuống vị trí 16 vào năm 2018.

Có thể nói với hàng loạt những bê bối bủa vây trong 18 tháng qua, niềm tin của các nhân viên Facebook bị sụt giảm là hệ quả tất yếu. Thảm họa lớn nhất và khởi đầu cho cơn ác mộng này chính là vụ vi phạm dữ liệu Cambridge Analytica vào tháng 3/2018.

Cơn ác mộng của Facebook khởi đầu với Cambridge Analytica. Ảnh: SecurityDaily.

Cụ thể, vào tháng 6/2014, một nhà nghiên cứu tên là Aleksandr Kogan đã phát triển một ứng dụng trắc nghiệm về tính cách con người trên Facebook. Khoảng 270.000 người đã không mảy may nghi ngờ và cài đặt ứng dụng của Kogan trên tài khoản Facebook của họ.

Kogan sau đó đã cung cấp cơ sở dữ liệu chứa thông tin của 50 triệu người dùng Facebook cho công ty xác lập hồ sơ cử tri Cambridge Analytica. Công ty truyền thông và phân tích dữ liệu từ nước Anh này đã sử dụng bất hợp pháp số dữ liệu trên để tạo ra hồ sơ “đồ họa tâm lý” của các cử tri.

Vụ bê bối chỉ được phát hiện khi Christopher Wylie, một cựu nhân viên của Cambridge Analytica phanh phui việc công ty này đã thu thập dữ liệu của ít nhất 50 triệu người dùng Facebook.

Theo Wylie, Cambridge Analytica đã khai thác lỗ hổng của Facebook để thu thập dữ liệu hàng triệu tài khoản. Từ đó, họ xây dựng những mô hình giúp thu thập tất cả thông tin và nắm bắt tâm lý người dùng. Nguồn dữ liệu này của Cambridge Analytica được cho đã gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng về chính trị, bao gồm cả chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump.

Việc lộ dữ liệu này đã khiến Facebook bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) phạt 5 tỷ USD. Ngoài khoản phạt kỷ lục của FTC, Facebook cũng đang là đối tượng điều tra của nhiều tổ chức, trong đó có Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), cơ quan điều tra tội phạm liên bang và giới làm luật châu Âu.

Mark Zuckerberg xuất hiện tại Điện Capitol trong buổi chất vấn kéo dài tới 5 tiếng ở Thượng viện Mỹ. Ảnh: AP.

"Cơn sóng thần" từ các vụ bê bối khác cũng đã liên tục nhấn chìm Facebook trong những tháng gần đây. Trong đó nổi bật các vụ như can thiệp bầu cử, phổ biến nội dung bạo lực vụ xả súng ở New Zealand và tin tức giả mạo.

Điều này đã dẫn đến cuộc nổi dậy công khai giữa các nhà đầu tư của Facebook. Cụ thể, nhiều người trong số các cổ động cho rằng công ty nên thuê một giám đốc điều hành để kiểm soát toàn bộ quyền lực của Zuckerberg.

Sau một năm đại hạn, kết quả xếp hạng của Glassdoor cho thấy nhân viên Facebook đang mất niềm tin vào Zuckerberg.

Anh Tuấn
Theo Business Insider

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ngay-ca-nhan-vien-facebook-cung-khong-con-tin-mark-zuckerberg-nua-post958464.html