Ngày 'bão' ngang qua phố

Những hồi còi xe cứu thương hú dài rồi trả lại phố thinh lặng, như vốn dĩ gần một tháng trôi qua. Thu về chạm ngõ phố thật khẽ qua sự trở mình khẽ khàng của chiếc lá già, của cơn mưa bụi và thứ không khí se dịu... vừa đủ để người ta có thể cảm nhận được trong không gian yên ắng ngày phố có "bão". Phố rồi sẽ lại yên bình, những ngày "bão" qua sẽ để lại những vui buồn trong lòng người, để thấy tình người là thứ trân quý đến nhường nào giữa ồn ả, xa lạ của phố...

Rồi phố sẽ lại bình yên sau những ngày "bão" qua.

Rồi phố sẽ lại bình yên sau những ngày "bão" qua.

"Bão" mang đến những nỗi buồn

Dịch Covid-19 quay trở lại cộng đồng là một tin khiến nhiều người buồn nhất, phá vỡ sự yên bình sau hơn 90 ngày mọi miền đất nước không xuất hiện ca mắc mới nào. Như một kẻ thù giấu mặt, virus SARS-CoV-2 dùng chiêu xấu nhất: đánh úp, đánh lén, đánh vào bệnh viện - nơi những bệnh nhân vốn dĩ đã sức cùng lực kiệt vì bệnh tật kéo dài. Số ca mắc tăng lên theo tầng thang bậc cấp số mỗi ngày.

Ngày hè, thay vào những kế hoạch, dự định cho những chuyến đi xa nghỉ dưỡng hay về quê thăm gia đình, người dân trong phố lại cùng nhau hướng về những bản tin sớm, tin chiều của ngành y tế.

Những cánh cổng rộng mở mỗi ngày bỗng dưng khép chặt. Sự giao du của đám trẻ trong phố ngày hè là cách đứa trẻ này đứng tận sâu trong khoảng sân nhà mình nói với sang khoảng sân bên kia, qua ngăn cách hàng rào, vẫn đứa nào đứa nấy khẩu trang kín mít. Cũng như nhiều đứa trẻ khác của phố, thằng Tí nhà tôi mỗi bước chân ra sân đều găm lời bà dặn: "Không được sang nhà hàng xóm nghe con". Chỉ chừng ấy, nó cứ đứng trong phần sân nhà mình, tay xoay tròn trái banh, nhón chân, nói vói qua hàng rào, nơi có đứa bạn cùng xóm cũng trong tình cảnh tương tự. Thi thoảng như chưa đã cuộc chuyện trò, thằng Tí chạy vào nhà, cầm điện thoại gọi qua bên kia hàng rào, vừa ngoái lại phân bua: "Con hỏi anh Bin xem hôm nay anh làm những gì?". Những lúc ấy, má tôi đứng lặng thinh, khuôn mặt tuổi già nhăn nheo như nhánh rong biển khô bỗng nhão mềm ra khi gặp nước mưa. Cơ chừng má tôi thương thằng Tí phải đi qua những ngày ấu thơ không bình yên. Thương chỉ biết buồn.

Nhưng buồn nhất giữa ngày "bão" ghé qua không phải là sự lặng yên trên đường phố, phố vắng có vẻ đẹp riêng của nó. Buồn nhất là đâu đó có những sự ra đi cô độc. Là nỗi buồn của những người thân thương đứt ruột thắt gan vẫn chỉ biết đứng từ xa ngóng vọng, thao thức, loay hoay trong trập trùng lo lắng, xót xa đến dường như bất lực.

Ngày phố có "bão", tình người gần lại

Phố lặng yên nhưng trong lòng người thật ồn ã và ấm áp. "Khi nào hết dịch, chúng tôi mới trở về"- Đó là lời khẳng định ruột gan của những người hùng khoác trên mình chiếc áo blouse trắng từ khắp mọi miền đất nước cùng nắm chặt tay nhau ngược về vùng tâm dịch. Cũng trong màu áo ấy, những chiến sĩ ở vùng tâm dịch luôn sát cánh bên nhau, tiếp sức cho nhau với niềm tin: "Chúng tôi sẽ không ngã quỵ". Tiếp sau lưng họ là những sinh viên trường y cùng đặt bút kí vào lá đơn tình nguyện lên tuyến đầu. Từ các cửa ngõ vào thành phố, các chốt phòng, chống, kiểm dịch cho đến bệnh viện, những ngày này không chỉ có sắc trắng blouse hay màu xanh quân ngũ, màu xanh tình nguyện hay muôn màu áo khác của dân thường... Tất cả hòa làm một, một tinh thần đẩy lùi dịch bệnh trong bộ đồ phòng hộ.

Hậu phương của phố còn hiện diện trong một sự ồn ã khác. Đấy là sự ồn ã của những con tim ấm nóng tình người. "Vì không được làm tiền tuyến, xin được làm hậu phương" - đó là tấm lòng của những cô giáo mầm non ở ngôi trường Bình Minh. Mỗi ngày họ đều trở dậy từ rất sớm, cặm cụi nấu những nồi nước sả chanh, mày mò làm chiếc mũ chống giọt bắn... để tiếp sức cho các chốt phòng, chống dịch Covid-19. Hậu phương còn tiếp sức cho tuyến đầu bằng nhiều thứ khác: từ suất cơm, ổ bánh mì, chai nước suối... cho đến các trang thiết bị phòng dịch thiết yếu và cả cái nắm tay giơ cao: "Cố lên!".

Hậu phương còn gắn kết với nhau bằng sự san sẻ của những tấm lòng hảo tâm. Hòa mình vào phố, vì phố, họ không phân biệt bất cứ một vị trí công việc nào, không phân biệt giàu nghèo. Chỉ cần với cái tâm thiện nguyện, họ cùng nhau lên đường, để lại dấu chân qua muôn nẻo ngách, hẻm của phố để không một người dân nghèo yếu thế nào có cảm giác bị bỏ rơi. Hậu phương còn gắn kết với nhau bằng những chuyến xe không đồng đồng hành cùng sản phụ ngược đêm vào bệnh viện vượt cạn hay đưa người bệnh trở về nhà...

Bằng cách ấy, phố nồng ấm tình người. "Bão" qua phố có thể ngắn, có thể rất dài, nhưng chắc chắn không là mãi mãi. Rồi phố sẽ lại bình yên, sẽ lại ồn ã như vốn dĩ phố là phố. Qua "bão", người ta sẽ thấy tình phố thật gần.

VĨNH YÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_230304_ngay-bao-ngang-qua-pho.aspx