Ngày ba rời cõi tạm, 2 con trai bận việc không về

Từ ngày có mẹ mới, ngôi nhà trở nên ấm áp, khói chiều bay lên, những bữa ăn ngon hơn dù đạm bạc. Đồ đạc của ba được giặt là cẩn thận, những cúc áo đứt chỉ, mẹ ngồi vá trong đêm. Mỗi sáng, ba đều có tách trà ấm bụng. Buổi chiều đi làm về, mẹ dịu dàng xoa lưng, nắn bóp tay chân, tỉ tê nói chuyện.

1. - Bộ đồ cũ mèm mà cất làm gì để lũ chuột có chỗ phá phách không biết!?

- Lấy móc vào tủ quần áo rồi vứt cái rương đi!

- Trời đất! Bộ đồ bao năm không thấy ba mặc lại đem cất, cái rương còn tận dụng được thì bảo vứt! Thiệt là tréo ngoe!

Tôi nghe Chiến trả treo nên bực mình hét:

- Ba bảo thì làm đi!

Nó nhăn nhó:

- Nhưng... từ ngày bác Tám mất, em có thấy ba mặc đồ lính nữa đâu.

Vừa lúc đi chợ về, mẹ lườm:

- Nhà này thì đó là tài sản quý giá nhất đấy. Cất đi.

Bộ đồ cũ là tài sản quý giá nhất, Chiến đứng nghệt mặt ra, nó ôm bộ đồ đi cất, ra vẻ nghĩ ngợi.

Mẹ la Chiến xong thì hối hả quét nhà, xuống bếp. Mẹ tôi là vậy, cứ bươn bả suốt, một đời lam lũ không ca thán.

Tôi ngồi bên bàn học, nhìn mẹ đứng hái rau ngoài vườn, ánh nắng chói vào khuôn mặt xương xương, mẹ nheo mắt quay về hướng khác rồi tiếp tục cúi xuống bụi bồ ngót. Bỗng mẹ liêu xiêu, tôi thót tim, hất chiếc ghế chạy ra luống rau... không kịp nữa rồi, mẹ té nhào. Và mẹ ra đi, nhanh như cơn lốc.

Minh họa Đỗ Dũng

2. Năm nay là lần giỗ thứ năm của mẹ. Tóc ba đã trắng phớ. Ba thắp nhang, xin phép mẹ đưa người đàn bà khác về nhà. Người đàn bà đó là thím Hân xóm trên. Tôi biết thím cũng lâu, cụ thể là sau khi mẹ mất một thời gian. Còn nhớ lúc đó ba tiều tụy lắm, nhưng vẫn tỏ ra mạnh mẽ, vẫn làm ruộng và đi cào hến.

Thím Hân góa bụa, nhà gần bến sông. Thím độ chừng năm mươi - không sang trọng, không sắc sảo nhưng có duyên. Thím dong dỏng cao, đặc biệt là đôi mắt mênh mang và thăm thẳm. Nhìn vào thím, không một gã đàn ông nào dám nảy ý định trêu chọc, giễu cợt. Ba đi cào hến, mỗi bận xe đạp xẹp hay vô nhà thím mượn ống bơm.

Cực chẳng đã mới phải vậy vì ba cũng ngại khi phải tiếp xúc với thím, ba sợ thím hiểu lầm. "Những người phụ nữ góa bụa thường dễ tự ái nên với họ cần đối xử thận trọng và chừng mực. Cấm sỗ sàng, lỗ mãng với họ, đó là tội á" - ba dạy anh Hai như vậy.

Bắt đầu từ những lần mượn ống bơm, mua hến. Trò chuyện xã giao khiến họ thành thân. Ba cảm mến và thím cũng không thấy khó chịu khi trò chuyện với ba - ba kể vậy. Sau lần tâm sự đó, tôi chính thức tìm cách tác hợp mối lương duyên.

Nhưng khi ba công bố với mẹ, với các con thì anh Hai hét:

- Nhà này là của mẹ! Chúng con không cho phép một người đàn bà nào khác bước vào!

Nhìn ánh mắt trách hờn và phẫn nộ của con, mặt ba tái đi.

- Sáu mươi tuổi rồi, trai trẻ và một phần xương thịt bỏ lại chiến trường, giờ già cả, khỏe mạnh gì mà đòi lấy vợ, không khéo lại làm trò cười cho bàn dân thiên hạ.

Anh sống chết phản đối, vậy là ba lại thủi lủi làm ruộng, cào hến.

Anh Hai tốt nghiệp phổ thông, học đại học, sau đại học rồi tu nghiệp bên Úc. Anh được trường đại học trong thành phố giữ lại. Rồi anh lấy vợ, ba đón xe vô phố chúc mừng. Nhà hàng lộng lẫy, sang trọng. Người chủ hôn là thầy hiệu trưởng trường đại học mà anh đang công tác.

Em Chiến lên lớp 10. Tôi gấp sách khi mãn 11. Ba nói hết lời, tôi vẫn bỏ học với lý do:

- Con thích kiếm tiền hơn!

Ngày ngày, hai cha con cùng lăn lộn nơi đồng ruộng sông nước. Có cha có con, công việc cũng bớt nhọc.

Thằng Chiến mãn Trung cấp Công nghiệp rồi đăng kí đi xuất khẩu lao động bên Hàn. Hai cha con làm năng hơn để lo hoàn tất thủ tục xuất ngoại.

Ngôi nhà chỉ còn tôi và ba.

Thi thoảng ba mới nhận được tin nhắn của anh Hai và em Chiến. Nào là “Chúng con đã có nhà riêng ở phố!”, rồi “Con trai của chúng con thật đáng yêu, bụ bẫm, nó có ngoại giàu nên ra dáng cậu ấm lắm! ”, rồi “Con đã là tổ trưởng tổ chuyên môn! Sẽ có hy vọng đi xa hơn!” và “Con được tăng lương rồi, cũng đủ sống chứ không dư dật gì vì mức sống ở bên này cao lắm!”.

Thím Hân được ba đón về, tôi kính yêu gọi thím là mẹ, ba không báo tin này cho anh Hai và em Chiến, tôi không hỏi cũng hiểu ý ba.

Từ ngày có mẹ mới, ngôi nhà trở nên ấm áp, khói chiều bay lên, những bữa ăn ngon hơn dù đạm bạc. Đồ đạc của ba được giặt là cẩn thận, những cúc áo đứt chỉ, mẹ ngồi vá trong đêm. Mỗi sáng, ba đều có tách trà ấm bụng. Buổi chiều đi làm về, mẹ dịu dàng xoa lưng, nắn bóp tay chân, tỉ tê nói chuyện.

3. Ba nằm viện, mẹ Hân túc trực bên giường.

Ba bệnh nặng nên chỉ loanh quanh trong nhà. Hôm đó, tôi thấy ba lấy bộ đồ cũ ra ngồi ngắm nghía. Rồi ba nói: “Khi nào ba “đi”, đừng đốt bộ đồ này, chưa chắc xuống dưới âm phủ ba nhận được nên cứ bỏ nó trên bàn thờ. Khi nào tìm gặp đồng đội cũ, ba sẽ về lấy mặc!”. Tôi nghe ba nói vậy thì nhăn riết, kêu ba đừng nói gở, nghe sợ quá.

Đến khi chỉ còn nằm một chỗ, ba bảo tôi gọi điện kêu anh Hai và em Chiến về. Mỗi lần điện, tôi chưa kịp nói ba bệnh thì anh Hai nhăn nhó: “Đừng điện nữa, đã nói để anh chủ động mà. Công việc lu bu nè!”. Em Chiến thì hỏi: “Có chuyện gì phải không?”, tôi bảo: “Ba nói nhớ mày!”, em than thở: “Em cũng muốn về nhưng mỗi lần về rất tốn kém”.

Đêm về khuya, trời không sao thưa, tiếng con ễnh ương lạc lõng, tiếng ếch nhái thưa thớt, sao nghe khắc khoải. Ba gọi tôi đến gần, bảo:

- Con lấy vợ đi, ba mới an lòng!?

Linh tính báo cho tôi một điều chẳng lành, dù hiểu ý ba, song tôi đánh trống lảng:

- Con không thích lấy vợ, tự dưng đeo gông chi cho mệt, vợ bìu con ríu, cái cảnh đó con hãi lắm!

Ba tôi cười:

- Ba biết con và Thoa có tình ý với nhau. Ba sẽ nói mẹ con sang nhà, lễ nghĩa đầy đủ để đón nó về làm dâu, con có vợ, ba mẹ có cháu ẵm bồng!

Biết không thể thoái thác, tôi đành nói:

- Gia cảnh nhà mình vầy, tiền đâu mà lấy vợ hả ba?

Ba khó nhọc nói:

- Con yên tâm, ba đã tính hết rồi. Anh và em con đều có việc làm, nơi ăn chốn ở ổn định nên có lẽ chúng không về quê nữa đâu. Ba đã bán một nửa đất vườn, gửi tiết kiệm cũng đã mấy năm, đủ cho con lấy vợ và có ít vốn mà làm ăn sinh sống với thiên hạ.

Sáng hôm sau, tự dưng ba kêu muốn mặc bộ đồ lính chơi cờ rồi dặn nếu ba có mệnh hệ gì thì cứ đốt bàn cờ theo. Bộ đồ cũ thì giặt sạch đem cất. Tôi kinh ngạc trước quyết định này nhưng cũng ngoan ngoãn làm. Tôi mặc đồ lính cho ba, mắt ba như ánh lên một niềm vui nào đó, tôi không diễn tả được. Tôi và ba chơi cờ. Đi được hai nước cờ, bỗng ba lấy tay sờ lên ngực, mặt nhăn nhó, đỏ ngầu rồi tím tái và ba đi.

4. Chiều, tôi tê tái ngồi khóc trước mộ ba. Băn khoăn không biết sẽ phải nói với anh Quyết (tên đi học của anh Hai) và em Chiến như thế nào. Tôi khóc òa lên, nức nở như một đứa trẻ bị bắt nạt, nghĩ mà giận, lúc ba mất, tôi không làm như thường lệ là nhắn tin hỏi xem anh Hai có bận gì không rồi mới gọi mà trong lúc rối bời, tôi gọi trực tiếp cho anh, đến cuộc gọi thứ bảy anh mới bắt máy và gắt gỏng: “Có chuyện gì thì để tối hẵng gọi, giờ không rảnh, đang đứng lớp!”.

Gọi cho em Chiến, em bắt máy hỏi có việc gì không, tôi đành nói: “Em thu xếp về nhanh nghen!”, em lại dở giọng rầu rĩ: “Đợt trước em thu xếp tính về, nhưng vừa qua, vợ con đau bệnh, đang kẹt cứng nè, tiền đâu mà về!?”. Tôi ngồi khóc rống, lúc đã bình tâm, tôi đưa mắt nhìn sang mẹ Hân. Mẹ lặng lẽ khóc, những giọt nước mắt rớt nhẹ thấm vào đất. Mẹ ngồi sụp xuống, tẳn mẳn vuốt từng nắm cát trên mộ ba như đang ngồi xoa bóp mỗi lần ông đi làm về mệt...

Bước rã rời về nhà, vuốt phẳng phiu bộ đồ cũ, kính cẩn đặt lên bàn thờ. Mai này anh Quyết và em Chiến về thắp nhang trước bàn thờ ba, tôi sẽ nói: “Vì ba của chúng ta là lính!”.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/giai-tri/ngay-ba-roi-coi-tam-2-con-trai-ban-viec-khong-ve-post47637.html