Ngày ấy, Người trở về …

Cuối năm 1940, khi tình hình thế giới có nhiều biến chuyển, với tầm nhìn chiến lược, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài đã nhận định, đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Người quyết định về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng nắm lấy thời cơ trước vận hội mới. Ngày 28-1-1941 đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, khi đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã vinh dự đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Cuối năm 1940, khi tình hình thế giới có nhiều biến chuyển, với tầm nhìn chiến lược, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài đã nhận định, đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Người quyết định về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng nắm lấy thời cơ trước vận hội mới. Ngày 28-1-1941 đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, khi đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã vinh dự đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Nơi suối nguồn chảy mãi

Ai từng thăm suối Lê-nin, núi Các Mác ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), nhất là chạm tới điểm mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc, mới thấu hết chiều sâu ý nghĩa và xúc cảm trong câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

“Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!

Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người

Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ

Mà đến bây giờ mới tới nơi…”

(Trích Theo chân Bác)

30 năm kể từ ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với khát vọng độc lập, tự do cho Tổ quốc, rời bến cảng Nhà Rồng, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Trải bao dặm đường năm châu, bốn biển, Người đã đến với cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Sau những nỗ lực chuẩn bị tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức, ngày 3-2-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; là cống hiến to lớn của Người trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Quyết định về nước và lựa chọn Cao Bằng là sự cân nhắc kỹ lưỡng của Bác liên quan vận hội phong trào cách mạng cả nước. Với tầm nhìn chiến lược, Người nhận thấy, Cao Bằng là nơi hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Bởi đây là địa bàn có ý nghĩa chiến lược, có phong trào tốt, địa bàn biên giới dễ dàng liên lạc quốc tế, có thể phát triển về Thái Nguyên và kết nối với toàn quốc. Từ những nhận định có tính lịch sử ấy, Pác Bó đã trở thành “đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, cội nguồn của cách mạng Việt Nam. Từ đây, những tư tưởng chỉ đạo cách mạng của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được triển khai vào thực tế một cách nhanh chóng và linh hoạt, từng bước đưa cách mạng cả nước tới thắng lợi đỉnh cao là thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những quyết định lịch sử

Tại nơi “địa linh” này, lán Khuổi Nậm, hang Cốc Bó, núi Các Mác còn đó, bên dòng suối Lê-nin hiền hòa, như những chứng nhân trong từng giai đoạn lịch sử trên quê hương cách mạng. Nơi đây, từ ngày 10 đến 19-5-1941, Hội nghị T.Ư 8 được triệu tập, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã quyết định nhiều vấn đề trọng đại, có ý nghĩa khởi nguồn cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trường - Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh… Hội nghị có ý nghĩa to lớn trong tiến trình hoạch định đường lối và thực hiện vận động khởi nghĩa vũ trang; bổ sung và hoàn chỉnh “Chính sách của Đảng” được nêu ra từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1939, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Sự thay đổi căn bản nhận thức về nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương chính là nền tảng để Đảng đặt ra những quyết sách lớn nhằm đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận Việt Minh; xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng ở cả nông thôn và thành thị; xây dựng căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang, tích cực chuẩn bị lực lượng đón thời cơ khởi nghĩa.

Dưới sự chỉ đạo sát sao, bền bỉ của Người và sự đấu tranh kiên trì của các chiến sĩ cách mạng kiên trung, các tổ chức quần chúng lần lượt được thành lập và phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong ba tháng sau khi Người về nước, đã có hàng nghìn người, thuộc các dân tộc tham gia các tổ chức cứu quốc. Tháng 3-1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo cán bộ đang hoạt động ở Cao Bằng, ngoài lối liên lạc thường dùng bằng giao thông bí mật, phải cấp tốc tổ chức liên lạc với miền xuôi. Từ chỉ đạo chiến lược đó đã hình thành những tuyến liên lạc nối Cao Bằng với Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang và mở đường “nam tiến”. Cuối năm 1942, đầu năm 1943, tại Cao Bằng lần lượt tổ chức 19 đội xung phong “nam tiến”, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng ở các tỉnh Việt Bắc, nối liền hai căn cứ cách mạng Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai, lan ra các tỉnh miền xuôi. Phong trào cách mạng ở Việt Bắc gắn liền với phong trào cách mạng của cả nước.

Ngay từ những ngày đầu ấy, Người đã quan tâm đào tạo, huấn luyện cán bộ toàn diện về mặt tư tưởng, lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, cán bộ kiên trung và đặc biệt nhấn mạnh đạo đức cách mạng. Ở Cao Bằng, Người chỉ đạo mở các lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ phù hợp từng đối tượng, lứa tuổi, trình độ, trong đó chú trọng thanh niên và coi đây là lực lượng nòng cốt, xung kích của phong trào... Đội ngũ cán bộ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng chỉ đạo trực tiếp đào tạo và huấn luyện ở Cao Bằng đã nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt, được tôi luyện cả về thực tiễn và lý luận. Đó là cơ sở để thu hút quần chúng tham gia, góp phần quan trọng đưa phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng, tiến đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Nhiều người đã trưởng thành từ những lớp huấn luyện đó, sau này trở thành những cán bộ trung kiên, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam. Chính mảnh đất biên cương này là nơi ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy. Chỉ sau hai ngày thành lập, Đội đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ làm nên chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần, mở đầu truyền thống đánh thắng trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam...

Cách mạng đã mang lại cho Pác Bó - Cao Bằng tầm vóc lịch sử lớn lao, là căn cứ địa đầu tiên, “đại bản doanh” của cả nước, là “cội nguồn cách mạng”, “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam” và trở thành quê hương thứ hai trong trái tim của Bác. Xuân Tân Sửu năm 2021 này cũng vừa tròn 60 năm Bác Hồ trở lại thăm Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng (Xuân Tân Sửu 1961). Tình cảm của Người luôn được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc nơi đây khắc sâu trong tâm khảm, thành động lực tinh thần để không ngừng vươn lên, nỗ lực hành động để đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện, bồi đắp thêm truyền thống vẻ vang của mảnh đất cội nguồn cách mạng.

TIỂU PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/ngay-ay-nguoi-tro-ve--633149/