Ngày ấy, bây giờ

'Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng', câu ca dao ấy cứ đau đáu trong tôi từ thuở ấu thơ. Có phải 'Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng' thì mới xứng đấng nam nhi? Rồi điều không ngờ, năm 1994 tôi từ biệt quê hương Việt Bắc vào Đồng Nai sinh sống.

Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh:T.L

Năm 1998, tôi phải mổ để thay van tim hai lá, ca phẫu thuật thành công mĩ mãn và cũng là lúc diễn ra cuộc thi “Tìm hiểu Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm”. Cảm xúc trong tôi nghẹn ngào đến khó tả, vì đây là cơ hội tốt nhất để tôi biết hơn mảnh đất đã cưu mang mình. Quyết tâm chiến thắng những cơn đau để tham gia làm bài thi, đó là mệnh lệnh tôi đặt cho mình.

***

Tôi tìm về Cù lao Phố viếng đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh để viết lên những dòng đầu tiên: “Mùa xuân Mậu Dần 1698, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã thừa lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu đem quân vào kinh lược xứ Đồng Nai, đưa vùng đất phương Nam vào cương thổ nước Đại Việt…” Bao tháng ngày ròng rã, tôi đã đi khắp nơi trên mảnh đất thân yêu này. Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Nai với bạt ngàn ngôi mộ, lòng dạ tôi bỗng quặn đau. Đây đền thờ Trần Thượng Xuyên một tướng dưới triều Minh (Trung Quốc) đã đem quân chạy về phương Nam, được chúa Nguyễn tiếp nhận làm công dân Đại Việt, ông đã cùng với Nguyễn Hữu Cảnh luyện binh, dẹp loạn để ổn định biên cương. Tượng đài chiến thắng La Ngà, sừng sững hiên ngang như một con dấu chứng nhận trận đánh giao thông lớn nhất ở miền Đông Nam bộ do Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy năm 1948… Trong tôi vút lên những vần thơ của thi tướng: “Ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…”

Đồng Nai còn là nơi hội tụ của những nhà văn hóa lớn: Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức… được người đời xưng tụng là “Gia Định tam gia”. Tôi len lỏi trong từng con ngõ hẹp tới lăng mộ Trịnh Hoài Đức “nằm giữa lòng dân”; tìm về Trưởng nữ Nguyễn Thị Tồn dám đích thân ra tận triều đình Huế đánh ba hồi trống làm kinh động nơi Tam cung lục viện để kêu oan cho chồng là tri huyện Phước Long Bùi Hữu Nghĩa; tôi trân trân ngắm Tượng đài chiến thắng Sân bay Biên Hòa, đọc lên những vần thơ Bác Hồ, rồi ghé thăm ông Hai Cà (Trần Công An) người góp phần làm nên binh chủng đặc công; về Long Khánh để biết thêm chiến thắng Xuân Lộc, tạo bàn đạp cho quân ta tiến quân giải phóng Sài Gòn 1975… Tôi quên đi mệt mỏi, tiếp tục bước chân tìm về Trường bá nghệ Biên Hòa, đối diện ngôi trường là công viên có Đài Kỷ niệm. Nguyễn Ái Quốc trong Bản án chế độ thực dân Pháp đã vạch rõ sự mị dân một cách lố bịch của chính quyền thuộc địa Pháp về sự kiện “Những ngày hội ở Biên Hòa”. Rồi tôi lại tìm về Di tích Nhà Xanh (BIF), nơi xảy ra trận đánh Mỹ đầu tiên của nhân dân miền Nam - một cảnh báo cho đế quốc Mỹ biết rằng: Không có nơi nào trên đất nước Việt Nam bị ngoại bang xâm chiếm là không có người yêu nước đứng lên chống giặc. Rồi nữa, Nhà lao Tân Hiệp, nơi các chiến sĩ cách mạng bị Mỹ - ngụy bắt tù đày đã vùng dậy phá khám, chống trả bọn cai ngục năm 1956. Và đây, Quảng trường Sông Phố nơi diễn ra cuộc mít tinh lớn năm 1945 của quần chúng để nghe Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố chính quyền về tay nhân dân...

Tôi đi trong hào hứng, gặp gỡ biết bao con người, bao nhiêu cảnh vật. Rồi bỗng câu thơ Huỳnh Văn Nghệ lại hiện lên “Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng”. Nguyễn Hoàng (con của danh tướng Nguyễn Kim), người có công lớn giúp nhà Lê đánh nhà Mạc và cũng là người tạo thế Đàng Trong - Đàng Ngoài. Đàng Trong, nơi có Phú Xuân - Huế một thời là kinh đô nước Việt. Sau này Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đưa quân vào kinh lược xứ Đồng Nai. Có lẽ từ những sự kiện lịch sử trên mà hai tiếng Phú Xuân, Đồng Nai được người đời nhắc đến như một sự tri ân những người mang dũng khí, tài thao lược đi mở mang bờ cõi. “Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng”, chắc hẳn có nguyên nhân từ đó.

Tôi đạt giải nhất cuộc thi. Thật sự tôi đến với cuộc thi đâu phải vì giải thưởng, mà muốn được bày tỏ lòng tri ân với mảnh đất đã cứu sống mình. Quay đi ngoảnh lại đã 20 mùa mưa nắng tôi đến với đất mẹ thứ hai. Biên Hòa - Đồng Nai đã bước vào tuổi 320 năm với biết bao thăng trầm lịch sử. Đồng Nai đang đi lên từng ngày, đã và đang đóng góp một ngân sách lớn cho nước nhà ở hàng “top ten”. Đồng Nai không những phát triển mạnh về công nghiệp mà về sản xuất nông nghiệp cũng thật đáng tự hào. Bức tranh Biên Hòa - Đồng Nai đang ngày một sáng tươi, xứng tầm thời đại.

Tôi vẫn đi trên mảnh đất yêu thương này, tìm về những con người và những ẩn số nhân văn, với tấm lòng biết ơn vô hạn...

HỘP THƯ

Tuần qua, Ban tổ chức cuộc thi viết “Biên Hòa - Đồng Nai trong tôi” đã nhận được tác phẩm dự thi của các tác giả: Trần Văn Quỳnh (TP.Biên Hòa), Phạm Văn Hoàng (TX.Long Khánh), Hoàng Trường Vũ Đức Vinh (TP.Hồ Chí Minh).

Ban tổ chức cuộc thi chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận các tác phẩm dự thi.

Ban Tổ chức

Tháng 11-2018

Đào Sỹ Quang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201811/cuoc-thi-viet-bien-hoa-dong-nai-trong-toi-ngay-ay-bay-gio-2921388/