Ngày 30-4-1975 với một luật sư người Mỹ gốc Việt (Tiếp theo và hết)

Từ người chống cộng cực đoan đến người nhiệt thành với Nghị quyết 36 (Nghị quyết số 36/NQ-TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Chính trị), từ người giữ hận 'tháng tư đen' đến người nhận ra hoa trái lâu dài của ngày 30-4-1975,… đó là quá trình rất khó khăn trong nhận thức, hành động mà luật sư Hoàng Duy Hùng - một người Mỹ gốc Việt, đã trải qua trong gần nửa thế kỷ. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất đất nước (1975-2020), từ nước Mỹ, luật sư Hoàng Duy Hùng gửi đến Báo Nhân Dân bài viết kể lại những gì ông đã trải qua, đồng thời trình bày suy nghĩ của ông về ngày 30-4-1975, về công cuộc xây dựng đất nước. Báo Nhân Dân giới thiệu bài viết này để bạn đọc tham khảo, đồn

Từ người chống cộng cực đoan đến người nhiệt thành với Nghị quyết 36 (Nghị quyết số 36/NQ-TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Chính trị), từ người giữ hận “tháng tư đen” đến người nhận ra hoa trái lâu dài của ngày 30-4-1975,… đó là quá trình rất khó khăn trong nhận thức, hành động mà luật sư Hoàng Duy Hùng - một người Mỹ gốc Việt, đã trải qua trong gần nửa thế kỷ. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất đất nước (1975-2020), từ nước Mỹ, luật sư Hoàng Duy Hùng gửi đến Báo Nhân Dân bài viết kể lại những gì ông đã trải qua, đồng thời trình bày suy nghĩ của ông về ngày 30-4-1975, về công cuộc xây dựng đất nước. Báo Nhân Dân giới thiệu bài viết này để bạn đọc tham khảo, đồn

(Kỳ 2)

Khúc quanh năm 2001

Năm 2001, tôi xâm nhập phi pháp về nước qua ngả kênh Thoại Ngọc Hầu (An Giang) với ý đồ sẽ đặt bom gây nổ hai tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh) và bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Trước khi hành động, tôi lên Đền Hùng ở Phú Thọ khấn Vua Hùng và tổ tiên soi sáng để tôi thấy việc làm của mình có thật sự đúng đắn hay không. Trên đường đi, tôi quan sát thấy Việt Nam đã ổn định, đất nước bắt đầu phát triển. Đến Đền Hùng, khấn xong, tôi lại nghiêng về việc không đặt bom nữa, vì tôi không trả lời được các câu hỏi: Làm nổ hai bức tượng này xong sẽ làm gì tiếp theo? Nổ hai bức tượng có giải quyết được vấn đề, hay chỉ làm rắc rối thêm tình hình ở Việt Nam? Từ Đền Hùng về lại TP Hồ Chí Minh, tôi trăn trở suy nghĩ nhiều đêm và cuối cùng quyết định bỏ kế hoạch đánh bom. Đây là một khúc quanh mới trong cuộc đời tôi. Năm đó, lòng tôi đã bị sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế của Việt Nam chinh phục. Tuy không nói ra, nhưng tôi không còn ác cảm với cộng sản, vì nhìn thấy cộng sản đã làm rất nhiều điều hữu ích cho đất nước mà trước đó tôi không nhận ra.

Sau khi trở về Mỹ, tôi bắt đầu từ từ giảm và rút khỏi các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Tôi dành thời giờ đọc nhiều tài liệu hơn về Việt Nam, đọc và nghiền ngẫm về Nghị quyết 36. Tôi đặt bản thân vào vị trí của người Việt Nam trong nước trong từng bối cảnh để đặt ra và trả lời câu hỏi: Nếu là tôi thì sẽ phải ứng xử như thế nào? Chính thời gian nghiền ngẫm này đã khiến tôi hiểu và có thêm những nhận thức đúng đắn, từ đó “ngộ” ra nhiều vấn đề. Ở đây cũng cần kể thêm về một sự kiện, đó là ngày 12-7-2010, với tư cách là Ủy viên Hội đồng TP Houston (Hau-xtơn), tôi đến dự buổi thuyết trình của Thủ tướng Singapore (Xin-ga-po) Lý Hiển Long trước 92 tổng lãnh sự các nước về sự phát triển của thế giới, đặc biệt là Viễn Đông, trong 100 năm tới, tại hội thảo “Viễn Đông trong thế kỷ tới” (Far east in the next century) do Hiệp hội châu Á (Asia society) tổ chức tại khách sạn Hyatt (Hi-át) ở Houston. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, thế kỷ tới là thế kỷ của châu Á, và Đông Dương (gồm Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia) cùng Thái-lan sẽ đóng vai trò quan trọng. Ông cho rằng trong tương lai, sự cạnh tranh về kinh tế giữa các quốc gia sẽ có cường độ mạnh hơn cả sự cạnh tranh chính trị và quân sự. Về kinh tế, ai đã mở hàng trước thì có lợi thế hơn, khách hàng quen thuộc nên sự thành công đỡ khó khăn hơn. Ngó sang bên cạnh, tôi thấy các tổng lãnh sự Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia (In-đô-nê-xi-a) cẩn thận ghi chép vào sổ tay những điểm quan trọng mà Thủ tướng Lý Hiển Long trình bày, người nào người nấy đều có vẻ đăm chiêu suy nghĩ.

Tôi cũng băn khoăn vô cùng, vì thấy người ta bàn luận, đặt ra các kế hoạch cho quốc gia của họ cả hàng trăm năm sau, còn chúng tôi chỉ loay hoay ba cái chuyện cỏn con trong cộng đồng cũng không xong thì làm sao đòi đưa đất nước đến vị thế hùng cường? Lòng tôi nặng trĩu vì nghĩ tới sự phân hóa trầm trọng của người Việt ở hải ngoại, nghĩ tới thái độ tiêu cực của một bộ phận trong số họ đối với quê hương. Chính từ những trăn trở, suy nghĩ, những câu chuyện như đã kể trên, tôi không còn hăng hái tham gia “ngày quốc hận 30-4” do cộng đồng người Việt ở Mỹ tổ chức nữa. Vì nhận thức của tôi đã thay đổi.

Năm 2013, nhìn ra ý nghĩa của sự thống nhất

Thành phố Houston nơi tôi sinh sống đã trải qua nhiều đời thị trưởng, Thị trưởng đương nhiệm khi đó là A. Parker (A.Pác-kơ) muốn có sự kết nối anh em với TP Đà Nẵng, vì tin rằng Đà Nẵng sẽ là một Singapore trong tương lai. Nhưng quan điểm này của Hội đồng TP Houston lại bị nhóm người Việt chống cộng tại địa phương chống đối quyết liệt. Biết tôi vốn xuất thân từ nhóm người chống cộng cực đoan nhưng đã thay đổi vì muốn hòa hợp dân tộc, Thị trưởng A.Parker cử tôi về Việt Nam với nhiệm vụ là tiền trạm để tiến hành kết nghĩa với TP Đà Nẵng. Trong chuyến đi Việt Nam, tôi đã nhìn ra một Việt Nam thay da đổi thịt và đang phát triển. Hơn nữa, trong những năm làm việc trong chính quyền, tôi đã thấy được “nhân quyền” mà Mỹ rêu rao cũng chỉ là bề mặt để che đậy cho chủ trương đoạt lấy quyền lợi cao nhất. Tôi cũng tham gia nhiều cuộc thảo luận để nhận định ưu điểm, khuyết điểm của độc đảng và đa đảng. Tôi cân nhắc mọi ưu điểm, khuyết điểm của độc đảng và đa đảng, rồi tự hỏi nếu áp dụng cho Việt Nam thì đa đảng tốt, hay độc đảng tốt? Và tôi thấy rõ ràng Đảng Cộng sản là tốt nhất cho Việt Nam. Chưa kể nguy cơ, Việt Nam nếu thực hiện đa đảng thì sẽ bị một số nước lớn ở bên ngoài giật dây, thao túng, không khéo sẽ rơi vào cảnh rối ren giống như tại Syria (Xy-ri). Chính vì cảm nhận như vậy nên khi một số cơ quan truyền thông tiếng Việt cũng như đài RFA phỏng vấn, tôi đã nói rằng “nhân quyền” của Việt Nam khác với “nhân quyền” của Mỹ, và tôi có thiện cảm với Việt Nam.

Trở về Mỹ, tôi không tham dự “ngày quốc hận 30-4” của cộng đồng gốc Việt nữa. Bởi với tôi, ngày 30-4 giờ đây không còn là “ngày quốc hận” mà là Ngày Thống nhất. Đất nước Việt Nam sau ngày 30-4-1975 đã thống nhất từ bắc vào nam. Tôi cũng tin tưởng Nghị quyết 36 sẽ thắt chặt, truyền thống đại đoàn kết dân tộc, sự thống nhất nhân tâm giữa trong và ngoài nước sẽ trở thành hiện thực trong những năm tới. Đó là lý do vì sao tôi nhiệt tình cổ vũ, ủng hộ Nghị quyết 36. Với tôi, đó không những là một công tác mà là sứ vụ thiêng liêng. Cuối năm 2019 về Việt Nam, tôi đã được chứng kiến Việt Nam thay đổi như thần tốc về mọi mặt. Sự phát triển của Việt Nam làm cho tôi càng tin tôi đã đúng, rồi quyết định nỗ lực tham gia để góp phần xây dựng củng cố tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc.

Vui mừng về đất nước, nhưng tôi cũng thấy một vài khiếm khuyết của đất nước cần sớm khắc phục. Như tôi thấy nạn kẹt xe và ô nhiễm của Việt Nam quá lớn, nhất là ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tôi mong ước hai thành phố này và các thành phố khác trên cả nước sẽ tăng cường hệ thống giao thông công cộng, mau hoàn thành hệ thống xe điện ngầm để giải quyết nạn kẹt xe, ô nhiễm. Tôi cũng thấy hệ thống điều hành ở Việt Nam vẫn còn một số trì trệ vì có những khâu trùng lắp, giẫm chân lên nhau. Tôi mong Quốc hội và Chính phủ khảo sát, nghiên cứu để có quyết định loại bỏ những khâu trùng lắp trì trệ. Trái với nhận định của nhiều người Việt Nam ở hải ngoại, tôi thấy công an Việt Nam khá nhẹ tay với người vi phạm pháp luật, làm cho nhiều người “nhờn luật”, uống rượu say tiến công công an đang thi hành công vụ hoặc một số sự vụ tương tự. Vì hiện tại các bộ luật của Việt Nam đã có quy định cụ thể về loại hành vi này nên tôi đề nghị Quốc hội cần kiến nghị các cơ quan chức năng phải nghiêm khắc hơn nữa, nhất là hành vi tiến công, cản trở người thi hành công vụ, vì theo tôi, bảo đảm nhân quyền nhưng cũng phải bảo đảm việc tuân thủ pháp luật. Tôi mong Chính phủ có những chương trình truyền thông giúp nâng cao dân trí, để mọi người đều biết và hiểu rằng ở các quốc gia khác, việc tiến công người thi hành công vụ là một tội rất nặng. Đồng thời, cần nghiêm khắc hơn với những cá nhân làm việc trong các cơ quan chính quyền có hành vi nhận hối lộ, tham nhũng, có hành vi sách nhiễu nhân dân, vì đó là các hiện tượng rất dễ làm cho nhân dân giảm niềm tin vào chế độ.

Lời kết

Giờ đây đối với tôi, ngày 30-4 không chỉ là niềm vui mà còn là một thách đố cho chính bản thân tôi là làm sao đáp ứng đúng với trách nhiệm và nghĩa vụ của một người Việt Nam, để Việt Nam của tôi có sức mạnh của tinh thần đoàn kết, cùng tiến vào thời kỳ thái bình, thịnh vượng, trở thành một quốc gia lớn mạnh trong các thập kỷ tới. Biến cố 30-4-1975 đã qua 45 năm rồi, đã có mấy thế hệ người Việt Nam sinh ra và lớn lên, trong khi đất nước luôn mở rộng vòng tay để đón nhận những người con đất Việt trở về thì người Việt ở ngoài nước cần mở rộng lòng mình để có nhận thức đúng đắn, gạt cần sang một bên mọi điều không vừa ý để cùng toàn dân Việt Nam ở trong nước kết thành một khối cùng xây dựng và bảo vệ đất nước.

HOÀNG DUY HÙNG

Houston ngày 5-4-2020

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/44264502-ngay-30-4-1975-voi-mot-luat-su-nguoi-my-goc-viet-tiep-theo-va-het.html