Ngày 30-4-1975 với các danh thủ 2 miền Nam Bắc

Cùng với cả dân tộc, ngày 30-4-1975 là cột mốc đổi đời với các cầu thủ bóng đá. Phải 21 năm sau khi đất nước chia cắt và 18 tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, bóng đá 2 miền Nam Bắc mới có cuộc giao lưu đầu tiên.

Trận đấu lịch sử giữa Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường sắt năm 1976

Trận đấu lịch sử giữa Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường sắt năm 1976

Cựu danh thủ Tổng cục Đường sắt (TCĐS), HLV đội tuyển nữ Việt Nam Mai Đức Chung nhớ lại: “Ngày 30-4-1975, chúng tôi nghe tin miền Nam được giải phóng. Lúc đó ở ngoài Bắc, người dân ra đường với cờ quạt rầm rộ. Từ trẻ con đến người lớn ai cũng vô cùng vui sướng, hạnh phúc. Cảm giác ngày ấy như được tháo bỏ điều gì nặng nề lắm. Từ nay, đất nước chúng ta là một, anh em Nam Bắc là một, không còn bị chia cắt nữa”. Tháng 11-1976, TCĐS đang có chuyến tập huấn và du đấu tại 8 tỉnh của Trung Quốc thì nhận được lệnh cấp tốc về nước chuẩn bị “làm nhiệm vụ quan trọng”. Đó là vinh dự trở thành sứ giả đầu tiên của bóng đá miền Bắc vào miền Nam thi đấu. Cái siết chặt tay nồng ấm giữa thủ quân Cảng Sài Gòn Phạm Huỳnh Tam Lang và thủ quân Phạm Văn Lắm của Hải Quan với thủ quân TCĐS Phạm Kỳ Thụy tại nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất đã trở thành lịch sử.

Trận đầu tiên trong chuyến du đấu, TCĐS gặp Cảng Sài Gòn trên sân vận động Cộng Hòa vừa được đổi tên thành Thống Nhất, tiền đạo Mai Đức Chung mở tỷ số trận đấu. Đó là bàn thắng đầu tiên của làng cầu Việt Nam thống nhất. Sau đó, cú sút quyết đoán của tiền vệ Lê Thụy Hải ấn định chiến thắng 2-0 cho đại diện miền Bắc. Ngày ấy, với đội hình chiến thuật hiện đại 4-3-3 (trong khi các đội bóng miền Nam vẫn chơi 4-2-4 theo trường phái Brasil vô địch thế giới năm 1970), TCĐS thắng như “chẻ tre” trước Tây Ninh 2-0, Đồng Tháp 2-0, Hậu Giang 3-1 (3 đội bóng tỉnh này hồi đó rất mạnh).

Chỉ đến trận giao hữu cuối cùng, Hải Quan mới là đại diện duy nhất của bóng đá miền Nam khuất phục được TCĐS. Sau khi bị dẫn trước, trung phong khét tiếng Cù Sinh gỡ hòa cho Hải Quan và tiền vệ Hồ Thanh Cang với cú ngã bàn đèn tuyệt đẹp đã ghi bàn mang về chiến thắng 2-1 khiến cả sân như vỡ tung.

Nhớ về ngày 30-4, thủ quân đội tuyển miền Nam 1974-1975 Hồ Thanh Cang hồi tưởng: “Sau gần 3 tuần sang Thái Lan dự King’s Cup, chiều 25-4-1975, đội tuyển miền Nam về đến Sài Gòn và chỉ 5 ngày sau, đời cầu thủ của tôi sang trang mới. Từ đội Không Quân dưới chế độ cũ, nhiều anh em rủ nhau về đầu quân cho Hải Quan. Sau 4 tháng tập luyện, chiều 2-9-1975, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh đầu tiên cả nước thống nhất, Hải Quan đá với đội Ngân Hàng và thắng 3-1 (Hồ Thành Cang lập cú đúp). Trên khán đài danh dự ngày ấy có Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam - cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Điều thú vị là lúc ấy cả 4 anh em nhà họ Hồ (Hồ Thanh Hưng, Hồ Thanh Chinh, Hồ Thanh Cang và Hồ Thanh Dũng) cùng chung màu áo Hải Quan, trong đó Hồ Thanh Hưng kiêm luôn HLV trưởng. Năm 1976, Hải Quan vô địch Giải Cửu Long (dành cho các đội khu vực miền Nam, miền Trung là Giải Trường Sơn, còn miền bắc có Giải Hồng Hà). Năm 1977, Hải Quan được chọn làm nòng cốt thi đấu với đội Thiên Tân (Trung Quốc) - trận cầu giao hữu quốc tế đầu tiên diễn ra trên sân Thống Nhất sau ngày 30-4-1975 và thắng tưng bừng 4-1, trong đó có 2 bàn của tiền vệ lừng danh nay đã 77 tuổi.

Cựu danh thủ Lê Văn Tư (tức Tư Lê) trước năm 1975 khoác áo đội Hải Quân của Sài Gòn thì cho rằng: “Nếu không có ngày 30-4 lịch sử ấy thì dân đá bóng tụi tôi làm gì có cơ hội đi khắp mọi miền đất nước để cống hiến cho người hâm mộ lối chơi đậm chất kỹ thuật và hào hoa làm nên thương hiệu Cảng Sài Gòn lừng lẫy một thời”.

Năm 1980, ông Tư Lê còn được tin tưởng chọn ra Hà Nội theo học lớp HLV quốc tế do giảng viên Liên Xô dạy. Trở về CLB, là trợ lý HLV nhưng do đội thiếu người vẫn xin đá tiếp cho đến ngày giải nghệ vào năm 1983, ở tuổi… 41. “Tuy thu nhập của đời cầu thủ ngày ấy không nhiều nhưng tôi rất “giàu” nhờ quen biết bạn bè khắp đất nước qua những chuyến đi thi đấu. Đó là cái “giàu” thật sự mà dù có tiền muôn bạc vạn cũng không mua được...”, cựu danh thủ miền Nam đúc kết về những điều mang lại từ sự kiện 30-4-1975.

Đông Kha

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202004/ngay-30-4-1975-voi-cac-danh-thu-2-mien-nam-bac-3001242/