Ngày 30/1, thế giới có hơn 102 triệu người nhiễm, 2,2 triệu ca tử vong vì Covid-19

Tính đến thời điểm này thế giới có trên 102 triệu người nhiễm, trong đó gần 2,2 triệu trường hợp đã tử vong. Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lan nhanh sang nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bên trong nhà ga điện ngầm của Trung tâm Thương mại thế giới tại Mỹ. Ảnh: AP

Trong đó Mỹ đã có hơn 26,5 triệu ca nhiễm và 447.146 ca tử vong (tăng 3.339 ca tử vong trong 24 giờ qua). Tiếp đó đến Ấn Độ với hơn 10,7 triệu ca nhiễm và 154.176 ca tử vong; Brazil với hơn 9,1 triệu ca nhiễm và 222.775 ca tử vong.

Đặc biệt, với tổng cộng 155.145 ca tử vong do COVID-19, Mexico đã vượt Ấn Độ trở thành nước có số ca tử vong cao thứ ba thế giới sau Mỹ và Brazil.

Đại dịch COVID-19 là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Mỹ trong tháng đầu tiên của năm 2021 bởi trung bình mỗi ngày đại dịch cướp đi mạng sống của hơn 3.000 người Mỹ, theo kết quả một cuộc khảo sát do Trung tâm Y tế Peterson và Quỹ Kaiser (Kaiser Family Foundation) tiến hành vừa được công bố ngày 29/1.

Kết quả khảo sát cho thấy tính đến ngày 26/1/2021, mỗi ngày nước Mỹ có trung bình 3.049 ca tử vong vì COVID-19; 2.068 ca tử vong vì bệnh tim mạch; và 1.639 ca tử vong vì ung thư.

Trước khi xảy ra đại dịch, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ hàng năm.

Nghiên cứu này có sử dung cả dữ liệu theo dõi tỷ lệ tử vong vì COVID-19 do Quỹ Kaiser lưu trữ và cả dữ liệu của Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông trên đường phố ở Toronto, Canada. Ảnh: TTXVN

Hồi tháng 10/2020, Trung tâm Peterson và Quỹ Kaiser đã từng công bố một khảo sát tương tự sau khi số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ cán mốc 200.000 ca. Tại thời điểm đó, COVID-19 mới là nguyên nhân gây tử vong cao thứ ba tại Mỹ.

Cũng tại Bắc Mỹ, để hạn chế các hoạt động đi lại không cần thiết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thông báo một loạt biện pháp, bao gồm việc dừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ các địa danh đầy nắng - những địa điểm “trốn Đông” quen thuộc của người dân Canada.

Thủ tướng Trudeau khẳng định: “Với những thách thức mà chúng ta hiện đang đối mặt với COVID-19, cả ở trong và ngoài nước, chúng tôi đều nhất trí rằng bây giờ không phải là lúc để bay.”

Các hãng Air Canada, WestJet, Sunwing và Air Transat đều đã đồng ý hủy dịch vụ hàng không đến “tất cả các điểm đến ở Caribe và Mexico” bắt đầu từ 31/1 đến 30/4.

Kể từ ngày 7/1, Chính phủ Canada đã yêu cầu hành khách nhập cảnh vào Canada phải có xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 trong vòng 3 ngày trước khi đến quốc gia Bắc Mỹ này.

Ngoài yêu cầu trên, trong những tuần tới, chính phủ liên bang sẽ áp dụng xét nghiệm COVID-19 bắt buộc đối với hành khách khi đến các sân bay (lần xét nghiệm thứ hai).

Bộ Giao thông Vận tải Canada cho biết trong những tuần tới, tất cả khách nhập cảnh Canada qua đường không phải đặt trước một phòng trong một khách sạn được Chính phủ Canada phê duyệt trong 3 đêm và xét nghiệm COVID-19.

Một xe cấp cứu tại London, Anh. Ảnh: Reuters

Tại châu Âu, Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 29/1 cho rằng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, được phát hiện đầu tiên ở Anh và Nam Phi, có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với Pháp, song nước này vẫn có thể tránh được đợt phong tỏa trên phạm vi toàn quốc lần thứ 3.

Thủ tướng Castex khẳng định Pháp sẽ siết chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực biên giới, giảm số người được phép đến các trung tâm mua sắm và tăng cường hoạt động tuần tra của lực lượng cảnh sát để ngăn chặn các đối tượng vi phạm lệnh giới nghiêm hàng đêm.

Trong khi đó, Italy thông báo sẽ nới lỏng các quy định hạn chế tại phần lớn các khu vực trên toàn quốc kể từ ngày 1/2, bất chấp những lời cảnh báo từ giới chuyên gia y tế cho rằng động thái này sẽ mang lại nhiều rủi ro giữa lúc xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây nhiễm nhanh hơn.

Chính phủ Đức đang lên kế hoạch áp đặt một lệnh cấm nhập cảnh nhằm ngăn chặn các biến thể của virus SARS-CoV-2 từ nước ngoài xâm nhập vào nước này. Dự kiến, lệnh cấm này có thể được áp dụng từ ngày 31/1 và kéo dài đến ngày 17/2.

Chính phủ Đức muốn áp đặt lệnh cấm nhập cảnh từ Anh, Ireland, Bồ Đào Nha, Nam Phi và Brazil, đã được Bộ Nội vụ lên kế hoạch trước đó. Danh sách số lượng các quốc gia thuộc diện cấm nhập cảnh sẽ được tăng lên dần. Đức cũng sẽ phân loại thêm 10 quốc gia ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á là các khu vực có nguy cơ cao kể từ ngày 31/1.

Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), 10 quốc gia này gồm Afghanistan, Botswana, Ecuador, Malawi, Mozambique, Namibia, Zambia, Zimbabwe, Sudan và Syria. Ngoài ra, Vương quốc Eswatini và Vương quốc Lesotho thuộc miền Nam châu Phi cũng được tuyên bố là khu vực có biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Cho đến nay, Đức đã có quy định kiểm dịch nghiêm ngặt hơn đối với các nước thuộc danh sách này, nhưng không có lệnh nhập cảnh rõ ràng.

Theo Bộ Nội vụ Đức, các lệnh cấm nhập cảnh nhằm đảm bảo những người từ các khu vực có biến thể mới của virus SARS-CoV-2 chỉ có thể vào nước này trong những trường hợp ngoại lệ được áp dụng đối với người sống và có quyền cư trú tại Đức, cũng như việc vận chuyển hàng hóa, luân chuyển nhân viên y tế, các chuyến bay cứu thương, vận chuyển nội tạng cấy ghép và vận chuyển vì lý do nhân đạo khẩn cấp.

Trong khi đó, trước dấu hiệu dịch COVID-19 thuyên giảm trong nước, Chính phủ Ba Lan đã cho phép các trung tâm thương mại, bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật mở cửa trở lại từ ngày 1/2, song vẫn duy trì hầu hết các biện pháp hạn chế tới ngày 14/2.

Trong khi đó, LB Nga đã quyết định nối lại các chuyến bay thương mại với Hy Lạp và Singapore, bắt đầu từ ngày 8/2 tới. Chính phủ Nga cho biết mỗi tuần sẽ có hai chuyến bay khởi hành từ Moscow đến Athens và 3 chuyến bay đến Singapore. Ngoài Moscow, các sân bay ở Astrakhan, Yekaterinburg, Irkutsk và Khabarovsk cũng sẽ nối lại một số chuyến bay quốc tế từ ngày 8/2.

Người dân quận Đông Thành ở Bắc Kinh xếp hàng đợi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 hôm 22/1. Ảnh: Getty Images

Tại châu Á, chính quyền thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) kêu gọi người dân không rời thành phố và không đi du lịch nếu không cần thiết để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Trong khi đó, chính quyền thành phố Gwangju, Tây Nam Hàn Quốc, đã quyết định tạm cấm các hoạt động tại nhà thờ sau khi ghi nhận các ca nhiễm mới chủ yếu ở các cơ sở tôn giáo. Như vậy, việc cầu nguyện trực tiếp tại tất cả nhà thờ ở Gwangju sẽ bị cấm và chuyển sang hình thức trực tuyến trong vòng 12 ngày, bắt đầu từ ngày 30/1 đến ngày 10/2.

Trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này với 5.725 ca nhiễm mới COVID-19. Dự báo tới trung tuần tháng 3/2021, số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày ở Malaysia sẽ vượt trên 10.000 ca.

Tại Thái Lan, tình hình dịch bệnh ở một số khu vực đã cải thiện, khiến chính phủ nước này thông qua những tiêu chí mới và mã màu cho các tỉnh trên toàn quốc. Theo đó, vùng kiểm soát tối đa có màu nâu sẫm chỉ còn duy nhất tỉnh Samut Sakhon, tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 hiện nay.

Vùng kiểm soát cao có màu đỏ bao gồm thủ đô Bangkok và các tỉnh Pathum Thani, Samut Prakan và Nonthaburi. Vùng giám sát cao màu vàng bao gồm các tỉnh Kamphaeng Phet, Chaiyaphum, Chumphon, Nakhon Ratchasima, Nakhon Sawan, Narathiwat, Buri Ram, Prachuap Khiri Khan, Phang Nga, Phetchabun, Yala, Ranong, Songkhla, Sukhothai, Surat Thani và Uthai Thani.

Còn Philippines sẽ nới lỏng lệnh hạn chế đi lại đối với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Theo đó, lệnh cấm công dân nước ngoài đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Anh, Trung Quốc và Mỹ, sẽ hết hiệu lực sau ngày 31/1 tới.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngay-30-1-the-gioi-co-hon-102-trieu-nguoi-nhiem-22-trieu-ca-tu-vong-vi-covid-19-post116618.html