Ngày 20/11 ý nghĩa của cô giáo Khoàng Hà Pơ

Ở điểm Huổi Lính A sắp có nhà xây, đường vào cũng tốt hơn, các con đi học đỡ vất vả, đó là hạnh phúc của cô giáo Pơ rồi

Bất ngờ chúng tôi nhận được tin cô giáo Khoàng Hà Pơ, một trong hai cô giáo ở điểm trường Huổi Lính (xã Nậm Chà, Nậm Nhùm, Điện Biên) được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh trong chương trình "thay lời tri ân" năm 2019, (cô giáo thứ 2 là cô Vàng Thị Mảy).

Hai cô đã gắn bó nhiều năm với những lớp học nơi đầu gió Nậm Chà mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh trong bài " Ước mơ nơi lớp học đầu gió Nậm Chà".

Sau những lời hỏi thăm, cô giáo Khoàng Thị Pơ cho biết, điểm trường bằng tre, nứa trước kia khi báo phản ánh đã có những nhà hảo tâm xây cho lớp ghép. Hiện điểm trường Huổi Lính A của cô Pơ đang được xây dựng cứng hóa.

Hạnh phúc của lớp học đầu gió ấy không chỉ là mong mỏi của các cô Khoàng Hà Pơ, Vàng Thị Mảy mà còn là ước mơ của biết bao gia đình nơi miền khó Huổi Lính.

Năm nay cô giáo Khoàng Hà Pơ (dân tộc Hà Nhì) có một ngày 20/11 đầy ý nghĩa khi được bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những năm tháng gắn liền với vùng đất khó Huổi Lính (Xã Nậm Chà, Nậm Nhùm, Điện Biên) của cô Pơ đã được động viên kịp thời và có ý nghĩa.

Chuyện của cô giáo Khoàng Hà Pơ điển hình cho những hi sinh thầm lặng của các cô giáo trên điểm trường vùng khó.

Gia đình ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè vượt 300 km, rời xa gia đình, con thơ, cô Pơ đến với học sinh vùng khó Nậm Chà.

Nhà xa, một năm, cô Pơ chỉ về nhà 1 – 2 lần, không thể nhiều hơn phần vì đường khó, phần vì “đàn con thơ” ở Huổi Lính.

Cô giáo Khoàng Hà Pơ nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô giáo Khoàng Hà Pơ nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nước mắt của cô Pơ đã rơi không ít lần khi con mình sinh ra không nhận mẹ bởi cô xa nhà quá lâu, trong khi đóm tính nết từng đứa ở Huổi Lính A cô Pơ thuộc nằm lòng.

Mở đầu câu chuyện, cô Khoàng Hà Pơ bộc bạch: “Lần đầu tiên em đi xa đến thế đấy ạ. Xa mệt một tí nhưng mà vui”.

Kể về hành trình của mình ở vùng đất khó, cô Pơ cho biết: “Em vào đó từ năm 2015, ngày đó khó lắm, em định bỏ về mấy lần đấy anh ạ. Nhưng sau nghĩ đến lũ trẻ lại thôi”, cô Pơ tâm sự với chúng tôi về câu chuyện cô vào Nậm Chà dạy học.

Những năm tháng gắn bó với Huổi Lính, với bà con, với các con thơ cô đã coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Vì thế, mỗi lúc định buông tay tất cả để về quê, cô lại nhớ đến lá đơn nghuệch ngoạc mà người dân bản Huổi Lính gửi Ban giám hiệu xin cô ở lại, nhớ ánh mắt thơ ngây của bọn trẻ và nghĩ đến tương lai các em cô lại chẳng đành lòng.

Tấm lòng của giáo Hà Nhì dành cho những đứa trẻ vùng khó bắt đầu từ tình thương và trách nhiệm của người làm nghề giáo.

Ở vùng đất khó Huổi Lính, ngày nghỉ cuối tuần, thay vì được nghỉ, cô Pơ cùng các phụ huynh vào rừng hái măng, kiếm thức ăn về nuôi lũ học trò còn đang nheo nhóc, thơ ngây.

Những buổi đi rừng ấy, cô Pơ tranh thủ luôn việc vận động bà con dân bản quan tâm hơn đến các con nhỏ, nâng cao nhận thức của phụ huynh trong việc chăm sóc con em mình.

Đây đã là năm thứ 3 cô Khoàng Hà Pơ cắm bản ở Huổi Lính. Dân ở bản Huổi Lính A đã qua quen với hình ảnh cô giáo Pơ đi rừng kiếm măng về nuôi học sinh.

Khi được hỏi vì sao phải đi kiếm măng như vậy, cô Pơ bảo, cuộc sống ở đây còn khó khăn, bà con người Mông, Dao còn vất vả vì thiên nhiên khắc nghiệt.

Những ngày trời mưa, đường núi trơn trượt, thì đồ ăn khô cũng không thể đến điểm trường, cả cô và trò chỉ còn trông chờ vào cá suối, măng tươi mà cô Pơ vào rừng kiếm được.

Cô Pơ không chỉ là cô giáo mà còn phải kiêm luôn người nuôi trẻ, chăm sóc từ bữa ăn giấc ngủ cho các con.

Cô Pơ bảo, cũng may, các con ở miền núi nên tính độc lập rất cao, mọi việc các con có thể phụ giúp các cô như lấy bàn ăn, dọn bát và quan trọng nhất là rất nghe lời cô giáo Pơ.

Cô giáo Khoàng Hà Pơ trong phóng sự của đài truyền hình Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

Có lẽ chúng coi cô Pơ như người mẹ thứ 2 của mình bởi lên lớp ngoài được ăn, được ngủ đúng giờ, các con được học hát, học múa… những lời ca cứ thế véo von trong tâm hồn của trẻ thơ.

Người dân nơi đây đã trở nên gắn bó, tin cậy, coi cô như thành viên trong nhà, và các con học sinh cũng quấn quýt với cô như người mẹ thứ hai của mình.

Nói về ngày 20/11, cô Khoàng Hà Pơ cũng rất hào hứng khoe, ở điểm bản khó khăn vậy nhưng cũng có được rất nhiều lời chúc của các con, phụ huynh, nhất là các bạn đến 5 tuổi.

Ngoài lời chúc ngoan, lễ phép, quà của các con dành tặng cô ngày 20/11 cũng rất “đa dạng” từ những bó hoa dại ven suối đến cả cân dưa mèo cho cô trò cùng “cải thiện”.

Những món quà nhỏ của các bé mầm non càng làm cô Pơ gắn bó thêm với mảnh đất nơi đầu gió Nậm Chà này.

Khi được hỏi, cô có thể gắn bó với vùng khó được bao nhiêu năm nữa, cô Hà Pơ thật thà nói: “Em vẫn ở đây thêm mấy năm nữa cũng được, khi dân bản còn yêu quý thì mình còn ở mà. Con mình có trách mẹ không thường xuyên ở với con thì em cũng nói với con mình rằng còn bận dạy chữ cho các anh các chị; con đã có bố và ông bà chăm sóc”.

Sau khi nhận được bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cô Khoàng Hà Pơ khoe rằng cô sẽ về trường cùng các con, anh chị đồng nghiệp vui ngày 20/11, sau đó cô Pơ sẽ về Mường Nhé ăn Tết, cái tết của người Hà Nhì.

Năm nay, cái tết của cô Khoàng Hà Pơ sẽ được đầm ấm hơn, hạnh phúc hơn bởi những năm tháng gian khó của cô đã được ghi nhận.

Trần Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ngay-2011-y-nghia-cua-co-giao-khoang-ha-po-post204499.gd