Ngày 20/11 có những ý nghĩa đặc biệt không phải ai cũng biết

Cách đây 61 năm, Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo ra đời và trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới. Tuy nhiên, ý nghĩa đặc biệt về ngày 20/11 lại ít người biết và hiểu rõ.

Tháng 8/1957, Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Vác-xa-va (Ba Lan) đã quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo với ý nghĩa đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học. Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học.

Tại Việt Nam, ngày 26/9/1982 ,Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, quyết định hằng năm sẽ lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Trước khi có quyết định ban hành chính thức, ngày 20/11/1958 là lần đầu tiên Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo được tổ chức ở nước ta.

Tại thời điểm đó, Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo không những được tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh (giới tuyến quân sự tạm thời giữa ta và địch) đến các vùng biên giới hải đảo. Từ miền núi đến vùng đồng bằng ở miền Bắc đều có những hoạt động phong phú tại các trường học trên địa bàn huyện, quận, thị xã…

Nhiều thư của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Bắc gửi lên Hồ Chủ tịch, ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ với lời hứa quyết tâm học tập, rèn luyện, nâng cao giác ngộ cách mạng XHCN, ý thức đấu tranh thống nhất nước nhà, xây dựng nhà trường XHCN.

Chính vì vậy, Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo có ý nghĩa hết sức to lớn. Đặc biệt, việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.

Từ đó đến nay, ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học sinh “đền đáp” lại công ơn dưỡng dục của các thầy cô, là dịp để lớp lớp học trò ghi nhớ sâu sắc, gửi lòng thành biết ơn đến những người “tháng tháng, năm năm vẫn không ngừng chèo lái con thuyền”.

Dù còn ở tuổi cắp sách tới trường, hay đã trưởng thành rời ghế nhà trường, mỗi người Việt Nam vẫn luôn hướng đến ngày 20/11 với truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Tôn sư trọng đạo; Không thầy đố mày làm nên; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.

Trong ngày này, các em học sinh còn tặng những bó hoa tươi thắm, những tấm thiệp hay những món quà nhỏ gửi đến thầy cô của mình thay cho lời cảm ơn và lòng biết ơn.

Không những vậy, ngày 20/11 còn là ngày chúng ta dành chút thời gian để suy ngẫm, để nhớ về những kỉ niệm với thầy cô đáng kính, là những hình ảnh thân thương, không thể nào quên... Sẽ mãi theo chúng ta trên bước đường đời.

Phong Linh (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ngay-2011-co-nhung-y-nghia-dac-biet-khong-phai-ai-cung-biet-a411049.html