Ngày 14-2 tòa tuyên án vụ Thần đồng Đất Việt

Ngày 1-2, TAND quận 1, TP.HCM tiếp tục phiên xử vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt.

Đây là vụ kiện giữa ông Lê Phong Linh, Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Công ty Phan Thị về bản quyền tác giả. Vụ án đã đi gần đến hồi kết.

Kết phúc phiên xét xử ngày 1-2, HĐXX tuyên bố vụ án có nhiều tình tiết phức tạp cần làm rõ, HĐXX sẽ nghị án và sẽ tuyên án vào ngày 14-2.

Họa sĩ Lê Linh (áo trắng) tại tòa. Ảnh: MV

Họa sĩ Lê Linh (áo trắng) tại tòa. Ảnh: MV

Tại phiên tòa hôm nay, Đại diện VKS nhận định: Việc xác định ông Lê Linh là tác giả của bốn hình tượng nhân vật truyện tranh Trạng Tí, Sửu “ẹo”, Dần “béo”, “Cả” Mẹo là có căn cứ vì bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt ra đời trên cơ sở hợp tác giữa ông Linh và Công ty Phan Thị. Và tại thời điểm sáng tạo ra tác phẩm này trên thị trường chưa có tác phẩm nào mang tên Thần Đồng Đất Việt.

Quyền tác giả được phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo được thể hiện dưới một hình thức nhất định không phân biệt nội dung đã được công bố, đăng ký hay chưa đăng ký.

Việc bị đơn cho rằng chính bà Hạnh “cầm tay chỉ cho ông Linh vẽ” nhưng không có tài liệu nào chứng minh điều này và nếu có cũng không được xem là tác giả vì “tổ chức cá nhân làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu, hình ảnh sáng tạo ra tác phẩm thì không được công nhận tác giả.”

Do đó, việc ông Linh yêu cầu tòa án công nhận ông là tác giả duy nhất là có căn cứ “tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm.”

Ảnh: Minh Vương

Trước đó ngày 25-1, cả nguyên đơn và bị đơn đều khẳng định mình chính là tác giả của bộ truyện tranh này và đều đưa ra những căn cứ để chứng minh. Về phía nguyên đơn - họa sĩ Lê Linh đã lần lượt trưng ra các bức vẽ sơ phác, phác họa hình tượng bốn nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo là những nhân vật trung tâm của bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt và khẳng định ông mới chính là tác giả vì ông là người trực tiếp sáng tạo ra hình tượng nhân vật. Ông nói bà Hạnh không tham gia vào bất cứ công đoạn nào trong việc sáng tác nên không phải là tác giả.

Ông Linh nói bản thân mình đã khẳng định quyền tác giả đối với bốn hình tượng nhân vật này từ rất lâu. Khi phát hiện ra tập 24 của bộ truyện này thể hiện tên tác giả là “Công ty Phan Thị” thì ông đã một mực phản đối, không đồng ý. Hơn nữa, tập 37 của bộ truyện, ông Linh được giới thiệu là tác giả sáng tác.

Phản biện lại, bị đơn cho rằng ông Linh không phải là tác giả mà là bà Hạnh. Bà Hạnh là người đã hình dung ra các hình tượng nhân vật này từ rất lâu nhưng do bà không phải là họa sĩ vẽ không đẹp nên mới thuê ông Linh vẽ cho đúng với hình ảnh nhân vật theo ý của bà. Hơn nữa, bà Hạnh cũng đã thuê ông Linh khai thác các điển tích để xây dựng thành một bộ truyện tranh cho thiếu niên, nhi đồng.

Ông Nguyễn Vân Nam - đại diện bị đơn, khẳng định bà Hạnh là người đã trực tiếp “cầm tay chỉ cho ông Linh vẽ”. Ông Nam đã đưa ra một tập tài liệu để chứng minh ý tưởng ban đầu cho hình tượng các nhân vật nêu trên. Bên cạnh đó, bằng chứng là biên bản hòa giải ngày 16-8-2010, bà Hạnh là người nêu ý tưởng về nhân vật và thuê ông Linh để vẽ ra đúng như yêu cầu của bà Hạnh. Bổ sung thêm căn cứ, theo ông Nam, trong văn bản ngày 29-3-2002 gửi Cục Bản quyền tác giả để đăng ký bản quyền, không có nội dung nào cho thấy ông Linh xác nhận bà Hạnh là đồng tác giả mà chỉ đề cập toàn bộ quyền sở hữu thuộc về Công ty Phan Thị.

MINH VƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/ngay-142-toa-tuyen-an-vu-than-dong-dat-viet-815791.html