Ngày 13/3, tuyên án vụ 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà

Tiếp tục diễn biến phiên tòa xét xử 9 bị cáo về tội 'Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng' do liên quan vụ 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà đã kết thúc phần tranh luận. Trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) nghị án, các bị cáo đã được nói lời sau cùng. Dự kiến, HĐXX sẽ tuyên án vào chiều ngày 13/3.

Các bị cáo nói lời sau cùng, vẫn nghĩ mình vô tội

Tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Thế Trung (cựu Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà) mong muốn HĐXX xem xét quá trình giám định hậu quả vụ án, bởi đơn vị phụ trách giám định chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra sự cố vỡ đường ống cấp nước sạch sông Đà. Theo bị cáo Trung, đây là dự án tâm đắc của bị cáo trong suốt gần 40 năm công tác trong ngành xây dựng và hậu quả xảy ra là ngoài tầm kiểm soát. Bản kết luận giám định còn nhiều nội dung mâu thuẫn khiến bị cáo rất tâm tư.

Bị cáo Nguyễn Văn Khải (cựu Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà) nói, cho đến thời điểm này, các bị cáo đều không rõ vì sao họ vướng lao lý sau sự cố vỡ đường ống nước. Theo bị cáo Khải, ở góc nhìn khác, khi áp dụng khoa học - công nghệ mới chuyện gặp rủi ro là bình thường nhưng cần nhận diện một cách chính xác để cảnh báo cho những người đi sau không vướng phải sai lầm. Trở lại vụ án này, bị cáo Khải cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở đây mà không điều tra tiếp thì nguyên nhân vỡ ống sẽ không bao giờ được làm rõ và những bị cáo trong vụ án sẽ không biết nói thêm gì và điều này sẽ đeo bám họ suốt cả cuộc đời. Năm 2003-2004, khi bắt đầu dự án, tổng công ty có rất nhiều khó khăn khi có nhiều dự án lớn với nhiều việc phải giải quyết. Ở vai trò của những người trong HĐQT, nếu không quyết sẽ không bao giờ có dự án này. Dự án áp dụng công nghệ mới, sai sót khó có thể tránh khỏi, mong HĐXX xem xét đánh giá những sai sót đó có vi phạm pháp luật không khi hiện nay dự án đang mang lại hiệu quả...

Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo.

Bị cáo Trương Trần Hiển (cựu Trưởng phòng Vật tư, Thiết bị dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà) bày tỏ rằng, bị cáo không đồng tình với các kết luận giám định của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây ra sự cố của dự án. Và nếu cơ quan chức năng không tìm được nguyên nhân chính xác thì sự cố vỡ đường ống cấp nước sạch sẽ tiếp tục xảy ra, không thể khắc phục được.

Bị cáo Nguyễn Biên Hùng (cựu cán bộ Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng) nêu quan điểm, các bị cáo không có tội. “Bản thân bị cáo nghĩ rằng, cơ quan tố tụng không có căn cứ buộc tội các bị cáo bởi các bị cáo không có quyền thực hiện các nhiệm vụ liên quan chuyên môn của từng người trong dự án”.

Nói lời sau cùng, các bị cáo khác đều cho rằng, bản kết luận giám định tư pháp về sản phẩm không đạt chuẩn, gây ra sự cố vỡ ống còn nhiều mâu thuẫn, mong HĐXX xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án, nghiên cứu lại kết luận giám định để cho ra bản án công bằng cho các bị cáo.

Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo

Trước đó, trong phần đối đáp tại phiên tòa, đại diện của Tổng Công ty Vinaconex một lần nữa đề nghị HĐXX xem xét vụ án một cách khách quan, đồng thời nhìn nhận, đánh giá đúng hoàn cảnh triển khai dự án cũng như việc áp dụng công nghệ mới vào dự án nhằm đáp ứng mong mỏi của người dân Hà Nội là có nước sinh hoạt.

Tại phần đối đáp, một số luật sư tham gia tố tụng tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề liên quan đối với đại diện Viện kiểm sát (VKS). Đó là phạm vi xét xử vụ án này; đánh giá về chất lượng dự án hay hậu quả 18 lần vỡ đường ống nước và nội dung bản kết luận giám định nguyên nhân vỡ đường ống nước sông Đà. Đối đáp lần thứ 2, đại diện VKS sau khi phân tích, đánh giá về quan điểm, vấn đề mà các luật sư đặt ra đã đi đến kết luận: “giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo”. Bởi theo đại diện VKS, hành vi của các bị cáo đã gây ra hậu quả vỡ đường ống nước sông Đà là thực tế.

Đại diện VKS cho rằng, phía nguyên đơn dân sự không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại là quan điểm và sự tự nguyện của nguyên đơn dân sự. Nhưng hành vi của các bị cáo đã vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Về nguyên nhân vỡ đường ống nước, đại diện VKS cho rằng cơ quan giám định đã nêu rõ do chất lượng ống không đảm bảo. Còn về vật liệu ống áp dụng công nghệ mới dẫn đến rủi ro như các luật nêu, VKS thấy rằng căn cứ vào công văn trả lời cơ quan tố tụng của Bộ Khoa học & Công nghệ thì ống composite cốt sợi thủy tinh không nằm trong danh mục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. “Từ đó có thể thấy cáo trạng truy tố các bị cáo là đủ căn cứ. Và vì vậy, hành vi của các bị cáo không được áp dụng Điều 25 - Bộ luật Hình sự là “Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì không phải là tội phạm” - đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định.

Hà Đăng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ngay-13-3-tuyen-an-vu-18-lan-vo-duong-ong-nuoc-song-da-n142107.html