Ngày 1/7: Không ca mắc mới COVID-19, thêm chính sách thiết thực hỗ trợ người nghèo

Ngày 1/7, Việt Nam tiếp tục có thêm 1 ngày 'an toàn' khi không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19. Nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh đã được triển khai, trong đó có việc giảm tiền điện, phát tiền…

Giữ nguyên số 355 ca mắc COVID-19

Thống kê về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam của Bộ Y tế tới 18 giờ ngày 1/7

Thống kê về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam của Bộ Y tế tới 18 giờ ngày 1/7

Tính đến 18 giờ ngày 1/7, đã 76 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 12.960 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 96; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.940; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 870 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 1/7 Việt Nam có thêm 1 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh là BN335 (nam, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam) được công bố khỏi bệnh tại Bênh viện bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 4 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 4 ca.

Trường hợp nghi mắc COVID-19 tại Vĩnh Phúc đã được khẳng định âm tính

Việt Nam nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Tối 1/7, Bộ Y tế thông tin về trường hợp người Trung Quốc nghi ngờ mắc COVID-19 tại Vĩnh Phúc, mới đi từ Trung Quốc về.

Theo đó, bệnh nhân này là nam, 35 tuổi đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Mẫu bệnh phẩm dịch họng của trường hợp này được lấy ngày 30/6 gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp real-time RT-PCR.

Trước đó, trên chuyến xe chuyển 21 công dân Trung Quốc từ cửa khẩu về Vĩnh Phúc, sau khi sàng lọc đã có 1 trường hợp trong số đó nghi ngờ mắc COVID-19 và đã được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) để cách ly, phòng dịch.

Hiện kết quả xét nghiệm cho thấy trường hợp này không mắc COVID-19.

Mở mới hàng loạt đường bay nội địa

Ngày 1/7, Bamboo Airways mở mới 3 đường bay. Ảnh: Vân Sơn

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 đang được kiểm soát tốt tại Việt Nam, các hãng hàng không nội địa đã liên tục mở mới hàng loạt đường bay giữa các địa phương, kết nối các điểm đến du lịch, để tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia.

Từ ngày 1/7, Bamboo Airways khởi động sự kiện kích cầu du lịch “Bay hè sảng khoái”, với 3 đường bay mở mới từ Thanh Hóa-Quy Nhơn, Phú Quốc và Vinh-Phú Quốc Ngay trong tháng 7, hãng tiếp tục dự kiến khai trương thêm đường bay kết nối Hà Nội-Côn Đảo. Để tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia cùng với hãng kích cầu du lịch nội địa, các đường bay này đều được hãng ưu đãi hành khách với giá khởi điểm 199.000-399.000 đồng/vé.

Việc mở mới các đường bay sẽ đón đầu nhu cầu vận chuyển hành khách, khôi phục thị trường hàng không và thúc đẩy kinh tế xã hội, giao thương, du lịch tại các địa phương điểm đến trong cả nước phát triển, nhất là tại các khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với Bamboo Airways, trong tháng 6-7/2020, Vietnam Airlines đã và sẽ mở mới 18 đường bay trong nước, với các chương trình “Du lịch Việt Nam-Điểm đến sáng tươi”, "Kích cầu du lịch đồng bằng sông Cửu Long hậu COVID-19 từ chiến lược liên kết hàng không với du lịch”. Hàng loạt đường bay mở mới giữa Cần Thơ-Hải Phòng, Vinh, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt..., với hàng chục chuyến khứ hồi/tuần, đã góp phần từng bước phục hồi lại thị trường du lịch và hàng không nội địa; đồng thời, tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư đến với các vùng miền.

Kích cầu tiêu dùng nội địa để ngành bán lẻ tăng trưởng mạnh hơn

Các siêu thị ngày càng chứng tỏ sức hút với người tiêu dùng. Ảnh: Hoàng Tuyết

Nhằm hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chiều 1/7, Bộ Công Thương đã phát động Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa và tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, kế hoạch hành động của ngành công thương với mục tiêu tạo sức hút lớn, kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Trên thực tế, nền kinh tế của VIệt Nam phụ thuộc tương đối nhiều vào kim ngạch xuất khẩu. Rất nhiều năm trước theo chỉ đạo của các cấp, các ngành, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án phát triển thị trường nội địa và có thêm nhiều chương trình khác.

Tại thời điểm này khi hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì việc đẩy mạnh thương mại nội địa, thị trường trong nước hết sức quan trọng.

Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã xây dựng những chương trình về phát triển thị trường nội địa gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hay từng mặt hàng ứng với kết nối cung cầu giữa các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh thành trên địa bàn toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tổ chức các chương trình đưa hàng hóa thiết yếu đến các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa những nơi doanh nghiệp khó tiếp cận hoặc có tiếp cận nhưng không mang lại hiệu quả. Vì thế, các chương trình mà Bộ Công Thương đang xây dựng hết sức cần thiết.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng chương trình kích cầu nội địa gồm rất nhiều nội dung; trong đó có chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 và được tổ chức trên toàn quốc.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với những thành phố lớn và tất cả các địa phương để xây dựng hội chợ, triển lãm và kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng và nhất là sự phối hợp của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để đưa các mặt hàng có chất lượng đến người tiêu dùng cả nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, những điểm mới trong việc kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng được áp dụng là các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương; trong đó có các cấp các ngành, các địa phương đã xây dựng những hội nghị, hội thảo nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của các doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó là những cuộc kết nối cung cầu, sản phẩm ngay tại Việt Nam như vải, xoài, mận từ Sơn La, Lai Châu nhưng để người tiêu dùng phía Nam biết tới và những sản phẩm về thủy sản trong Nam cũng được đưa ra giới thiệu tới người tiêu dùng biên giới, vùng sâu phía Bắc.

Giảm 814 tỉ đồng tiền điện cho khách hàng tại TP Hồ Chí Minh

Điện lực TP Hồ Chí Minh giảm giá tiền điện cho khách hàng trong mùa dịch bệnh COVID-19.

Ngày 1/7, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, đơn vị đã hỗ trợ 814 tỉ đồng cho khách hàng sử dụng điện.

Ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), cho biết theo quy định của Bộ Công Thương, mức giảm giá điện, tiền điện cho các đối tượng khách hàng cụ thể: giảm 10% giá điện đối với các khách hàng sử dụng điện sản xuất, kinh doanh; giảm 10% giá điện từ bậc 1 đến bậc 4 đối với các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt; giảm từ giá kinh doanh xuống bằng mức giá sản xuất đối với khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch, sau đó giảm tiếp 10% cho khách hàng; giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, thời gian áp dụng hỗ trợ giảm giá điện là ba tháng.

Theo thống kê của EVNHCMC, tính đến nay đơn vị đã giảm cho tất cả các đối tượng khách hàng 814 tỉ đồng tiền điện. Trong đó, có 2 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được giảm tổng số tiền là 257 tỉ đồng; khoảng 83 ngàn khách hàng sản xuất được giảm hơn 334 tỉ đồng; có 65 ngàn khách hàng kinh doanh được giảm 191 tỉ đồng; 453 khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch được giảm 27 tỉ đồng và 36 cơ sở cách ly y tế được giảm hơn 2,8 tỉ đồng…

Giúp việc, thợ hồ, phụ hồ... tại TP Hồ Chí Minh được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng

Người lao động khó khăn tại quận Thủ Đức nhận hỗ trợ trong mùa dịch bệnh COVID-19 vừa qua.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt việc bổ sung hỗ trợ lao động tự do làm các nghề: giúp việc, tiếp viên hàng không, thợ hồ, phụ hồ... mỗi người 1 triệu đồng/tháng. Đây là những đối tượng nằm ngoài danh sách 6 ngành nghề đã được Chính phủ hỗ trợ theo Nghị định 15.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Sau khi rà soát, xác định tiêu chí đối tượng, điều kiện hỗ trợ, phân nhóm ngành nghề, công việc của người lao động tự do bị mất việc làm, Sở đã đề nghị mở rộng việc hỗ trợ tới nhiều nhóm công việc khác nhau như: Người làm công việc quét dọn, giúp việc gia đình thuê, bảo vệ, giữ xe, rửa xe thuê, bán hàng và trợ giúp bán hàng thuê, xử lý hạt giống để nhân giống, đốn lá lợp nhà, đánh bắt thủy sản ven biển và nội địa, thợ hồ, phụ hồ, thợ sơn, thợ mộc, thợ phụ - tự làm hoặc làm theo nhóm; tài xế, phụ xe, lơ xe, tiếp viên hàng không, nhân viên làm thuê tại các hộ kinh doanh vận tải, làm hàng thủ công mỹ nghệ, làm đẹp, thể thao, giải trí...", ông Lê Minh Tấn nói.

Theo thống kê của UBND 24 quận, huyện, hiện thành phố có khoảng 89.300 lao động tự do thuộc các nhóm ngành nghề với khoảng 280 tên gọi công việc khác nhau đang bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mức hỗ trợ được đề xuất là 1 triệu đồng/người/tháng, chi theo hằng ngày, tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch và việc làm của người lao động nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6. Nguồn kinh phí thực hiện trích từ ngân sách TP Hồ Chí Minh.

Theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính Phủ, đối tượng được hỗ trợ là lao động tự do ở 6 ngành nghề, công việc: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe...

PV/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/ngay-17-khong-ca-mac-moi-covid19-them-chinh-sach-thiet-thuc-ho-tro-nguoi-ngheo-20200701222337728.htm