Ngất ngây với thánh đường trắng tuyệt đẹp ở Abu Dhabi

Nếu có dịp tới Abu Dhabi, nhất định bạn phải tới thăm Thánh đường Hồi giáo trắng tuyệt đẹp và rất nổi tiếng Sheikh Zayed – Grand Mosque. Thánh đường này có tên đầy đủ là Sheikh Zayed Bin Sultan Al Nahyan.

Thánh đường tráng lệ nhất thế giới

Thánh đường Hồi giáo Sheikh Zayed Grand là một trong những thánh đường đẹp nhất Trung Đông. Ý tưởng cho việc xây dựng thánh đường này đến từ ông Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan - cố Tổng thống Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất - với mong muốn sẽ đoàn kết đất nước và thế giới Hồi giáo.

Ông đã có công liên hiệp sáu vương quốc riêng rẽ thành một đất nước, giành độc lập từ Anh và sử dụng tiền bán dầu mỏ để xây dựng nên một đất nước giàu có và thịnh vượng. Thế hệ sau này đã tỏ lòng biết ơn và vinh danh ông bằng cách lấy tên ông đặt cho một nhà thờ Hồi giáo xa hoa lộng lẫy bậc nhất thế giới.

Đây được xem là một trong những thánh đường lớn nhất thế giới với vẻ ngoài nguy nga, tráng lệ cùng lối kiến trúc độc đáo bên trong. Công trình đồ sộ này sử dụng đến 100.000 tấn đá cẩm thạch trắng của người Hy Lạp và Macedinia.

Những tấm đá này được thiết kế hoa văn hiện đại và tinh tế, các loại đá bán quý đẹp như ngọc lưu ly, mã não đỏ, thạch anh tím, vỏ bào ngư, ngọc thạch anh và vỏ xà cừ kết hợp với nhiều chi tiết được làm từ gốm thiết kế hình khối rất độc đáo.

Toàn bộ công trình nhà thờ được hoàn thành vào năm 2007 với tổng chi phí lên tới khoảng 2 tỷ dirham (gần 600 triệu USD). Riêng ngôi mộ của Sheikh được đặt ở phía bên phải của nhà thờ, kể từ khi ông chết, trên ngôi mộ 24 giờ/ngày luôn có người đọc kinh Coran.

Trong sân chính của nhà thờ– những chiết cột trắng lấp loáng phản chiếu trên mặt hồ phẳng lặng và một không gian đủ cho 30.000 người cầu nguyện. Thiết kế của sảnh chính được lấy cảm hứng từ nhà thờ Hồi giáo Pakistan Badshahi và nhà thờ Hồi giáo Hassan II ở Ma Rốc.

Ở các góc của nhà thờ là bốn ngọn tháp cao 107m, mang ba phong cách hình học từ ba nền văn minh khác nhau: khối Mamluk của Ai Cập trên mặt đất, hình lục giác của Bắc Phi ở giữa và phía trên cùng là ống trụ lấy cảm hứng từ kiến trúc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi cột trụ đều mang hình ảnh cây chà là – một loại cây đặc trưng vùng Trung Đông.

Nhà thờ này có 82 mái vòm hình củ hành tây với 7 kích cỡ khác nhau lấy cảm hứng từ nhà thờ Hồi giáo Badshahi của Lahore, Pakistan – để tiêu biểu cho vẻ đẹp, niềm đam mê và sự uy quyền của thời đại Hồi giáo Mughal. Những hình vòng cung ở đây phản ánh tinh túy của Moorish, hoặc kiến trúc hồi giáo Bắc Phi.

Hình ảnh nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed

Hình ảnh nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed

Sự hoành tráng là ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy bộ đèn chùm sang trọng trên trần mái vóm. Tổng cộng, trong hội trường chính điện có 7 chiếc, được treo trên cán thép chịu lực lên tới 36 tấn. Hầu hết được dát bằng vàng lá và trang trí bằng 40 triệu viên pha lê Swarovski, với các màu xanh, đỏ, vàng và trắng. Trong đó, chiếc đèn chùm lớn nhất trong Thánh đường Hồi giáo nằm ở chính giữa trung tâm của sảnh cầu nguyện chính .

Đường kính của đèn chùm lớn nhất là 10 m, chiều cao là 15 mét và trọng lượng khoảng 12 tấn, được thiết kế theo hình ảnh cây cọ, một loại cây biểu tượng của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Cây cọ là một loại cây có “sức mạnh phi thường” bởi nó đủ cứng rắn để có thể chịu đựng được khi thiếu nước mưa và nhiệt độ vào mùa hè trung bình là từ 41 độ đến 43 độ C.

Dưới sàn nhà thờ, trong phòng cầu nguyện chính có tấm thảm len lớn nhất thế giới rất đẹp và cực kỳ tinh xảo, rộng gần 6.000m2, nặng 47 tấn, được thiết kế bởi nghệ nhân Iran Ali Khaliqi, do 1.200-1.300 thợ dệt Iran miệt mài làm việc, với 2,2 tỷ nút thắt, 38 tấn len và 25 màu sắc tự nhiên, trong vòng gần 2 năm mới hoàn thành. Công đoạn vận chuyển chiếc thảm cũng hết sức kỳ công do chuyển về từ Iran, nên phải được cắt ra thành 9 mảnh và được chở trên hai chiếc máy bay phản lực lớn.

Sảnh cầu nguyện lớn với sức chứa 8.000 người được chống đỡ bởi 96 cây cột cao vút, mỗi cái được phủ bằng đá cẩm thạch Macedonia và được dát với vỏ ngọc trai và nhiều loại đá quý khác. Bên trong mỗi cột là một hệ thống điều hòa không khí có kích thước tương đương một chiếc xe bus cỡ nhỏ.

Ngoài ra, nhà thờ Hồi giáo không chỉ là một tòa nhà tôn giáo tín ngưỡng, mà còn là một trung tâm văn hóa. Tòa tháp nằm ở phía bắc có một thư viện, một bộ sưu tập sách khổng lồ, bao gồm cả sách hiện đại và cổ xưa, dành cho nhiều lĩnh vực như khoa học, văn hóa, nghệ thuật và thư pháp.

Tuân thủ nguyên tắc nghiêm ngặt

Câu nói cửa miệng của những hướng dẫn viên nơi đây chính là “Mọi người đều được chào đón ở đây, cho dù bạn là người Do Thái, Kitô hay những tôn giáo khác”, đây là những điểm rất đặc biệt ở nơi này. Mục tiêu mà Thánh đường Hồi giáo này muốn hướng đến là không chỉ trở thành nơi mà người Hồi giáo có thể cầu nguyện mà còn là một nơi để trao đổi những nền tảng văn hóa khác nhau.

Tuy nhiên, nếu không phải người theo đạo Hồi, khi đến thăm các nhà thờ Hồi giáo, đặc biệt là thánh đường Sheikh Zayed Grand, mỗi người cần nắm được các quy tắc phải tuân thủ nghiêm ngặt. Cửa chính đi vào khuôn viên Nhà thờ luôn chia làm hai bên, một bên cho đàn ông và một bên cho phụ nữ. Lý do là vì Thánh đường đạo Hồi có những quy định khắt khe về trang phục cho từng giới, thể hiện sự tôn kính với thế giới linh thiêng.

Với nam giới, không mặc áo phông và quần short. Với phụ nữ, du khách sẽ được phát một bộ áo choàng rộng Abaya và khăn trùm đầu Shaila gần cửa vào Sheikh Zayed Grand. Nhưng trang phục bên trong vẫn phải nghiêm túc, chỉ được mặc quần áo rộng rãi và che phủ cánh tay, đầu gối (đến tận mắt cá chân là tốt nhất).

Một mẹo nhỏ là nếu có mái tóc dài, hãy búi cao hoặc buộc đuôi ngựa, nó sẽ giúp cho bạn giữ được khăn choàng đầu tốt hơn và đảm bảo che phủ hết được tóc của bạn. Tất cả mọi người đều phải bỏ giày dép trước khi vào thánh đường, do đó tốt hơn hết là nên lựa chọn dép tông hay giày lười.

Trong khi tham quan nhà thờ Hồi giáo, du khách nên đăng ký một tour khoảng 60 phút có hướng dẫn. Đây là cách tốt nhất để tìm hiểu hết về thánh đường. Hãy thoải mái đặt các câu hỏi và hướng dẫn viên du lịch sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về kiến trúc, lịch sử và văn hóa của nhà thờ.

Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed

Cần duy trì sự tôn trọng, khi vào bên trong nhà thờ Hồi giáo, du khách cũng phải tránh mọi biểu hiện tình cảm khác giới. Điều này có nghĩa là không đụng chạm, kể cả khi chụp ảnh. Đặc biệt, không chạm vào Kinh Koran là nguyên tắc phải tuyệt đối tuân thủ.

Khi kết thúc chuyến tham quan nhà thờ, hãy yên tâm là giày dép của bạn vẫn còn nguyên, và đừng quên trả lại quần áo cùng khăn trùm đầu đã mượn.

Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed Grand giờ đây đã trở thành niềm tự hào của các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, bên cạnh các tòa nhà chọc trời nổi tiếng thế giới. Chuyến đi tới Abu Dhabi sẽ không trọn vẹn nếu du khách không ghé thăm thánh đường Sheikh Zayed Grand, để chiêm ngưỡng lối kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu và đắm mình trong bầu không khí linh thiêng của thế giới đạo Hồi.

Hòa An

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/ngat-ngay-voi-thanh-duong-trang-tuyet-dep-o-abu-dhabi-450216.html