Ngất ngây miền biển La Maddalena

Chiếc xuồng cao su động cơ Suzuki 150 bốn thì, lướt như bay, cắt sóng băng vào miền biển trời xanh ngắt như hòa làm một ở quần đảo La Maddalena, để từ đó, những hấp dẫn, quyến rũ của các bãi tắm tiên, của vách đá dựng, của những rạn san hô cùng bờ biển đẹp đến… tê người, dần mở ra theo dấu chân lữ khách phương xa.

Nhắc đến du lịch ở La Maddalena, dân Ý bản địa coi đấy là miền “thiên đường” cho những kỳ nghỉ đầy thú vị. Chí ít là không bị ảnh hưởng bởi những đoàn khách rồng rắn hàng trăm người, xì xồ - xì xào, ăn to nói lớn, chen lấn xô đẩy như thường gặp ở Rome, Florence hay Venice.

La Maddalena cũng có phố cổ, nhưng tuổi đời chỉ hơn 200 năm, quá non so với những lẫy lừng di tích ngàn năm khắp nước Ý. Thế nhưng, quần đảo nhỏ xíu này lại sở hữu một miền thiên nhiên kỳ diệu, đậm nét hoang sơ, không phù hợp cho kiểu du lịch số đông, mà chỉ tập trung vào bộ phận nhỏ những người ưa thích khám phá, trong đó có không ít giới siêu giàu của Ý nhập cuộc.

Rạn san hô bao quanh La Maddalena là thiên đường cho dân lặn biển.

Rời ngôi nhà bên sườn núi theo chiếc xe cà tàng về lại cảng biển La Maddalena, Giuliano đầy nhiệt tình đưa tôi ra tận bến thuyền, giới thiệu với đám chiến hữu là dân làm du lịch biển, nhờ vậy tôi được tham gia vào một chuyến khám phá các đảo nhỏ quanh Maddalena bằng xuồng cao su.

Thực tình khi ngồi lên thuyền, cái bụng vẫn chưa ưng lắm với lựa chọn của Giuliano giúp tôi, bởi ở cảng biển, còn vô số những con tàu lớn nhỏ đủ kiểu, đủ loại, có cả phong cách du ngoạn theo kiểu cổ, sử dụng tàu cột buồm, trông đầy vẻ điện ảnh, đẹp không khác gì những thước phim cướp biển của Hollywood.

Tôi thầm nghĩ, nếu không có sự nhiệt tình của Giuliano, chắc giờ này tôi đã ngồi một vị trí nào đó trên những chiếc thuyền ưng mắt kia chứ không phải giăng nắng trên xuồng cao su bé nhỏ. Thôi thì đành an phận. Vậy là hành trình lang thang vào biển cả bắt đầu, với tốc độ chầm chậm, xuồng đưa tôi rời bến cảng La Maddalena, duyệt qua hàng loạt vẻ đẹp du thuyền lớn nhỏ đang neo đậu ngay ngắn chờ giờ ra khơi.

Xuồng cao su cao tốc là phương tiện tối ưu khám phá những bãi tắm đẹp

Tạm gác lại chuyện ra khơi, bởi tôi nhận ra trong số những siêu du thuyền đang neo đậu, có một “viên ngọc” quý trong giới chơi du thuyền quốc tế, đấy chính là chiếc Ocean Pearl, dài 41m, gồm 5 phòng ngủ siêu sang, chứa được 12 khách. Du thuyền này do kiến trúc sư lừng danh người Anh, Lord Norman Foster và cộng sự thiết kế từ 2010.

Ocean Pearl là chiếc thứ hai trong số những du thuyền có cùng thiết kế là Ocean Emerald và Ocean Sapphire. Vẻ đẹp ngoại hình hầm hố với vỏ bọc từ chất liệu nhôm tổng hợp cùng màu sơn xám đen đầy bí ẩn của Ocean Pearl khiến nó nổi bật ngay cảng biển. Được biết, muốn sở hữu Ocean Pearl trong một tuần, ngay với mùa thấp điểm, giá thuê trung bình là 140 ngàn euro, tính ra mỗi ngày phải cần đến hơn 500 triệu đồng mới có cửa đưa Ocean Pearl ra khơi lướt sóng.

Viên ngọc của đại dương, du thuyền Ocean Pearl ở cảng La Maddalena

Sau những giây phút trầm trồ cùng đường nét kiêu sa của Ocean Pearl, tôi quay về với thực tại trên chiếc xuồng cao su tí hon, cố vớt vát chút tự hào nho nhỏ rằng: Nhỏ con nhưng… ngon. Bởi tốc độ tối đa của Ocean Pearl chỉ là 16 Knots (khoảng 30km/h) thì của chiếc xuồng cao su Suzuki DF 150 tôi đang ngồi, chỉ nhấn ga nhẹ nhàng đã là 25,7 Knots (gần 50km/h), nếu “bắn” hết cỡ có thể lên đến 70km/h – một tốc độ… quá nhanh, quá nguy hiểm.

Nước trong như ngọc bích là một “di sản” của La Maddalena

Tất nhiên tôi không hề có ý muốn trải nghiệm tốc độ tối đa của xuồng cao su ở xứ biển này, nhưng cũng nhờ lựa chọn hợp lý với phương tiện nhỏ gọn, tốc độ cao, mà các điểm đến của hành trình hôm ấy từ Isola di Spargi, tiếp đến Isola di Razzoli, Budelli, lên tận Isola Santa Maria, qua Di Barrettini, về Caprera… rút ngắn được kha khá thời gian di chuyển.

Thêm một điểm lợi từ chuyện dùng xuồng cao su, ấy là có thể len lỏi vào tận mép biển bám theo vách núi, thong dong lên những phiến đá granite đủ hình thù kỳ dị, tạo nên từ triệu năm phong hóa của đất trời, định hình thành một vùng ngoạn cảnh đầy mê hoặc, quyến rũ.

Phong cảnh ngoạn mục của núi đá granite ở Cala Granara, đảo Spargi.

Vách núi đẹp mê hồn ở đảo Caprera.

Chán với ngoạn cảnh biển, những bãi lặn san hô ở Cala Soraya, Cala Corsara (đảo Spargi), hay lên phía nam ở bãi Porto della Madonna (đảo Budelli)… là lựa chọn hoàn hảo để đổi góc nhìn. Chỉ với chiếc kính lặn, ống thở, úp mặt xuống làn nước trong xanh màu ngọc bích, cả một thế giới lung linh, huyền diệu với vô vàn loại cá sặc sỡ và thảm san hô dày đặc đan kín đáy biển, đẹp đến ngỡ ngàng, cứ ngỡ như đang xem phim trong rạp chứ chẳng thể hình dung trái đất lại còn những miền tươi đẹp đến vậy.

La Maddalena nằm trong số những điểm du lịch biển hàng đầu ở Ý

Một ngày, không quá dài để chán chê với chuyến dạo chơi quanh quần đảo La Maddalena, nhưng cũng không quá ngắn để cảm thấy nuối tiếc. Tôi theo chiếc xuồng cao su về lại bến cảng chính, người đỏ kè như con tôm luộc, vai rát bỏng vì cháy nắng, nhưng kỳ thực lòng âm ỉ sướng, bởi có được nhiều trải nghiệm hấp dẫn cùng vẻ đẹp hoang sơ ở miền biển La Maddalena.

Mãn nguyện với chuyến đi biển, nhưng hành trình ở La Maddalena vẫn chưa thể kết thúc, bởi còn lắm chuyện hay nơi hướng núi mà tôi định bụng sẽ làm chuyến khám phá vào ngay ngày hôm sau.

THIÊN AN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/ngat-ngay-mien-bien-la-maddalena-12836.html