Ngập trong nợ nần, nhà máy đường Bình Định bỏ hoang

Công ty Đường Bình Định bỏ hoang nhà máy từ cuối năm 2018 đến nay trong bối cảnh liên tục gây ô nhiễm môi trường, nợ ngân hàng, lương người lao động và thuế hơn 150 tỷ đồng.

Năm 1995, Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO) ra đời, có trụ sở chính trên quốc lộ 19 thuộc địa phận xã Tây Giang, huyện Tây Sơn. Tròn 24 năm thành lập, doanh nghiệp từng đạt lợi nhuận lớn, có năm thu lãi hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nợ nần chồng chất công ty đã đóng cửa, ngừng hoạt động.

Năm 1995, Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO) ra đời, có trụ sở chính trên quốc lộ 19 thuộc địa phận xã Tây Giang, huyện Tây Sơn. Tròn 24 năm thành lập, doanh nghiệp từng đạt lợi nhuận lớn, có năm thu lãi hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nợ nần chồng chất công ty đã đóng cửa, ngừng hoạt động.

Trước đó, năm 2003, Công ty chuyển sang doanh nghiệp cổ phần, vốn điều lệ 34 tỷ đồng. Đến năm 2006, hơn 90% cổ phần BISUCO được Tập đoàn Anagar Juna (Ấn Độ) mua lại với giá 93 tỷ đồng. Trong lúc dự án đang được mở rộng, nâng công suất chế biến 5.000 tấn mía mỗi ngày thì chủ đầu tư lặng lẽ rút lui.

Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trở thành kho chứa rơm rạ cho gia súc của người dân xã Tây Giang. Tháng 4/2018, UBND tỉnh Bình Định quyết định tạm đình chỉ; làm thủ tục niêm phong nhà máy của BISUCO do cố tình vi phạm về lĩnh vực môi trường, xả thải gây ô nhiễm.

Tháng 6/2018, Bình Định xử phạt công ty này 1,9 tỷ đồng do gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chậm khắc phục. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị buộc phải nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Trước tình hình này, tháng 7/2018, lãnh đạo BISUCO bất ngờ thông báo tạm dừng hoạt động nhà máy khiến gần 330 công nhân lâm cảnh điêu đứng. Trong ảnh là ôtô của doanh nghiệp bụi phủ dày trong gara.

Cỏ dại vây kín xung quanh các phân xưởng nhà máy. Ông Trần Văn Đồng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Đường Bình Định, cho hay từ tháng 7/2018 đến nay, lãnh đạo công ty không còn trả lương, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Bà Văn Thị Liên (ngụ xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) cho hay nhà máy đóng cửa khiến hàng nghìn hộ dân trồng mía khốn khổ theo.

"Nhiều người dân địa phương chuyển đất trồng mía sang trồng cây nông sản khác, số còn lại bán mía cho nhà máy đường An Khê (Gia Lai). Các cửa hàng xăng dầu, quán ăn, nước giải khát cũng ế ẩm, khó khăn. Khối tài sản của gần cả trăm tỷ giờ bị bỏ hoang chẳng khác nào đống phế liệu", bà Liên xót xa.

Sau hơn một năm ngừng hoạt động, ông chủ người Ấn Độ trốn biệt tăm nên hàng trăm người lao động đồng loạt ký đơn gửi về TAND Bình Định khởi kiện Công ty CP Đường Bình Định đòi quyền lợi.

Máy ép mía gỉ sét bị hư hỏng nặng. Theo Chi cục thi hành án dân sự huyện Tây Sơn, BISUCO còn nợ ngân hàng hơn 131 tỷ đồng.

Cục Thuế Bình Định vừa công khai danh sách 210 doanh nghiệp, đơn vị nợ thuế trên địa bàn. Trong đó, đứng đầu danh sách là Công ty CP Đường Bình Định nợ gần 25 tỷ đồng.

Phòng nguyên liệu nhà máy khóa chặt cửa. Lãnh đạo huyện Tây Sơn, chia sẻ suốt hai năm qua, doanh nghiệp liên tục gặp sự cố ô nhiễm môi trường và công nhân đòi nợ lương. Tuy nhiên, phía công ty không phối hợp cơ quan chức năng giải quyết nên nhiều việc phải chờ phán quyết từ tòa án.

“Chúng tôi nhiều lần yêu cầu nhà máy tạm dừng sản xuất để có biện pháp khắc phục tình trạng xả thải gây ô nhiễm nhưng BISUCO vẫn tái diễn sai phạm. Địa phương kiên quyết không cho doanh nghiệp này hoạt động đến khi nào họ thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.

Công ty CP Đường Bình Định sát bên đường quốc lộ 19, huyện Tây Sơn. Ảnh: Google Maps.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ngap-trong-no-nan-nha-may-duong-binh-dinh-bo-hoang-post981566.html