Ngập tràn xe nhập khẩu, ưu đãi xe lắp ráp, nhưng giá vẫn cao

Hàng rào kỹ thuật đối với xe nhập khẩu miễn thuế từ khu vực ASEAN đã không còn gây khó khăn với các doanh nghiệp ôtô tại Việt Nam, xe từ khu vực ASEAN như Thái Lan và Indonesia đang dần chiếm lĩnh các phân khúc, đặc biệt là xe bán tải và SUV 7 chỗ.

Xe từ Thái Lan và Indonesia thống lĩnh phân khúc SUV và bán tải ở Việt Nam

Hiện nay, hầu hết các thương hiệu như Toyota, Honda, Ford... đều chuyển sang nhập khẩu xe từ ASEAN để tận dụng thế mạnh có các nhà máy công suất lớn, cũng như được hỗ trợ phát triển nội địa, trong khi lại được nhập khẩu xe miễn thuế vào Việt Nam.

Trong nửa đầu năm 2018, do những điều kiện mới về kinh doanh nhập khẩu ôtô (đặc biệt là giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại - VTA), hàng loạt mẫu xe dần biến mất trên thị trường Việt Nam, như Toyota Fortuner, Honda CR-V, Mitsubishi Pajero Sport... Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 8 vừa qua, và đặc biệt là nửa đầu tháng 9 này, hàng loại mẫu xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia đã chính thức vượt qua “cửa ải 116” để bắt đầu xuất hiện trở lại.

Các hãng xe tại Việt Nam chuyển sang nhập khẩu toàn bộ các dòng bán tải và SUV 7 chỗ từ ASEAN

Đáng chú ý, phân khúc SUV và bán tải hiện nay tại Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ các nước khác, như Thái Lan và Indonesia. Đây vốn là các dòng xe được ưa chuộng trong khu vực ASEAN và dễ dàng tối ưu hóa đầu tư khi sử dụng chung hệ thống khung gầm, động cơ và trang bị tiện nghi.

Hiện tại, mẫu Ford Everest, cùng với Ranger, nhập khẩu từ Thái Lan đã thông quan được; tương tự là Chevrolet Trailblazer/Colorado, Isuzu Mu-X/D-max, Mitsubishi Pajero Sport/Triton, Toyota Fortuner (từ Indonesia)/Hilux , Mazda BT-50, Nissan Navara (sắp tới là cả chiếc SUV Terra).

Miễn thuế - Vì sao giá xe vẫn cao?

So với năm 2017, các dòng SUV và xe bán tải nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2018 này đều được miễn thuế nhập khẩu theo quy định chung của khu vực ASEAN; đồng thời, các hãng tập trung vào các dòng động cơ dung tích nhỏ để được hưởng thuế Tiêu thụ Đặc biệt thấp hơn. Thuận lợi là vậy, nhưng giá bán xe ở phân khúc này hầu như không có sự thay đổi như mong đợi của người tiêu dùng.

Động cơ mới, trang bị nhiều hơn, chi phí dành cho thủ tục đăng kiểm (theo từng lô, từng chủng loại xe, từng cửa khẩu hải quan khác nhau...) là những lí do chủ yếu mà các hãng đưa ra để biện minh cho việc giá bán xe vẫn cao như hiện nay.

Năm 2018 giá ô tô không giảm mạnh như mong đợi của người tiêu dùng Việt Nam

Lấy ví dụ mẫu Isuzu Mu-X vừa mới ra mắt trong tháng 9 này, với 3 phiên bản giá bán từ 820 triệu (1.9L 4x2 MT) - 1,12 tỉ đồng, trong khi hồi cuối năm 2017 có giá 899 (2.4L 4x2 AT) - 982 triệu đồng dù đã được hưởng thuế nhập khẩu 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn 10%.

Mitsubishi Pajero Sport vào tháng 12/2017, với động cơ diesel 2.5L và động cơ xăng 3.0L (đi kèm các lựa chọn dẫn động 2 bánh và 4 bánh) có giá bán 704 triệu - 1,36 tỉ đồng. Đến thời điểm tháng 8/2018, mẫu SUV 7 chỗ này, cũng với hai động cơ xăng và diesel, có giá bán từ 1,062 - 1,250 tỉ đồng, các trang bị tiện nghi và an toàn trên xe không thay đổi nhiều so với hồi tháng 12/2017.

Tương tự, Toyota Fortuner nhập khẩu từ Indonesia trong tháng 9/2018 này có giá bán 1,026 - 1,354 tỉ đồng, trong khi cũng chính các phiên bản này, trang bị tiện nghi và an toàn cũng không hề khác biệt hồi cuối năm 2017 có giá bán 981 - 1,308 tỉ đồng.

Xe lắp ráp trong nước - Miễn nhiễm cạnh tranh, quyết giữ giá?

Không như các phân khúc khác, hầu hết xe nhỏ tại Việt Nam được lắp ráp trong nước (trừ Mitsubishi Mirage/Attage hay Suzuki Celerio...), trong đó có một số dòng xe sẽ được hưởng ưu đãi của Chính phủ, với mức thuế nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất là 0% (xem điều kiện được hưởng mức thuế nhập khẩu linh kiện ưu đãi). Các dòng xe này sẽ được truy thu thuế sau từng năm nếu đáp ứng đủ các điều kiện mà các nhà quản lí đặt ra; có thể kể đến những cái tên như Hyundai với Grand i10, KIA với Morning, Toyota với Vios... Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có những khác biệt thực sự về giá bán.

Tháng 12/2017, Toyota Vios có giá bán từ 513 đến 565 triệu đồng (các phiên bản E/G) nhưng hiện mẫu xe hạng B lắp ráp vẫn có giá bán từ 531 - 606 triệu đồng (không tính phiên bản G TRD chỉ có cuối năm ngoái). Cùng thời điểm, Hyundai Grand i10 có giá bán từ 315 (hatchback 1.0L MT base) - 415 triệu đồng (sedan 1.2L AT) thì tới tháng 9/2018, giá bán không hề thay đổi. Tương tự là KIA Morning có giá bán từ 295 triệu (1.0 MT) - 379 triệu đồng (Si 1.2L AT) vào thời điểm cuối năm 2017, và đến tháng 9/2018 giá vẫn ở mức 290 - 393 triệu đồng (phiên bản Si 1.2L AT) cho dù vẫn cùng một thế hệ xe được lắp ráp tại Việt Nam.

Cho dù được hưởng các ưu đãi của Chính phủ, nhưng đến nay, các dòng xe lắp ráp trong nước vẫn chưa có thay đổi nào tương xứng về giá bán đến tay người tiêu dùng

Trong khi đó, việc doanh nghiệp được hoàn thuế nhập khẩu linh kiện dù chưa thực hiện được nhưng thị trường vẫn phải mua những dòng xe giá cao hơn, cho dù chỉ cần chuyển từ năm 2017 sang năm 2018, các dòng xe (từ 9 chỗ trở xuống) có động cơ dưới 2.000cc đã được hưởng thuế Tiêu Thụ Đặc biệt giảm 5%.

Vậy là người tiêu dùng Việt Nam đang buộc phải chấp nhận một thực tế: sau khi thị trường ôtô gia nhập với khu vực ASEAN cùng với các nỗ lực hỗ trợ sản xuất trong nước, giá bán xe vẫn chưa giảm, trong khi niềm hy vọng của người dân mua xe giá thấp trong năm 2018 đang dần trở thành tuyệt vọng, khi thời gian đã gần bước sang quý IV.

Theo Dân Trí

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/ngap-tran-xe-nhap-khau-uu-dai-xe-lap-rap-nhung-gia-van-cao-12604.html