Ngập tràn ký ức khi ngang sông mùa lũ

Thôi, ta cứ bắt đầu từ cây cầu Quan thương nhớ giữa lòng phố xá. Cây cầu đã từng là vật chứng cho nhiều cơn lũ, mùa lũ

May là vỉa hè lát gạch xi măng hồng tươi vẫn còn nhìn thấy rõ dưới làn nước trong veo, nên xe máy vẫn đi được. Còn ô tô cứ hiên ngang rẽ rước giữa đường mà đi, bởi nước mới lên chừng hơn nửa bánh xe. Qua cây cầu sắt cong cong ở giáp công viên, sang bên kia thì con đường ven rạch đã ngập nặng.

Khi miền Trung đang chịu trận với cơn lũ thứ hai, ở Tây Ninh lũ cũng tràn về, chẳng biết là cơn thứ mấy. Chỉ biết cơn đầu tiên là vào ngày 20-10. Dân phố chắc không mấy ai để ý, nhưng dân các xã ven sông Vàm Cỏ Đông thì nhớ từng ly, từng tí. Tôi đã hỏi cả ba nơi- mấy bác lái xe máy cày đường ra cầu Bến Đình, dân chài lưới Bến Đình, Long Thành Nam và các lão nông Bến Đình, Trường Tây (huyện Hòa Thành), thì đáp án như nhau: 20-9 âm lịch.

Không đi thì chẳng biết! Nhưng ở phố Tây Ninh may có con rạch, nên ai nhìn sẽ thấy ngay thôi. Cũng ngày ấy, bắt đầu nước ngập một đoạn đường hẻm số 3, từ cầu Thái Hòa xuôi theo ven rạch. Xe máy còn có thể đi qua, dĩ nhiên là như xe lội nước. Nhưng hôm mùng 2-10 âm, tức 1-11 dương lịch thì đã vô phương. Vì cơn lũ lớn hơn hẳn 12 ngày trước đó - đã tràn lên.

Thôi, ta cứ bắt đầu từ cây cầu Quan thương nhớ giữa lòng phố xá. Cây cầu đã từng là “vật chứng” cho nhiều cơn lũ, như trận lũ lịch sử Nhâm Thìn 1952. Cây cầu mà trong sách “Tây Ninh xưa”, ông Huỳnh Minh- nghe theo lời kể mà chép lại từ năm 1972. Rằng lũ 1952: “Nước chảy xiết mạnh lên khỏi cầu Quan”. Nhưng khi hỏi bác Năm Chì, một cựu công chức thời Pháp thuộc có nhà trên phố Trần Hưng Đạo, khá gần cầu thì bác bảo: “Đâu có, nước cũng còn cách mặt cầu khoảng 40cm”. Bác nhớ tường tận thế vì đã ngồi đo thử; ngồi trên mặt cầu thõng chân xuống thấy gót chân chạm nước. Còn sách “Khí hậu Tây Ninh” của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh in năm 1985 chỉ cho biết: “Trận lũ tháng IX năm 1952 có đỉnh lũ là 3,66m ở thị xã Tây Ninh”. Tôi không có cốt nền các phố để so sánh nhưng chắc chắn là lũ năm ấy đã dìm vào biển nước hầu hết khu phố chợ cũ, từ đường Yết Kiêu, Phan Châu Trinh trở vào đến khu chợ mới hiện nay. Một tấm ảnh in trong sách “Tây Ninh xưa” giúp ta có thể đối chiếu là nước lên ngang giữa tường rào công sở xã Thái Hiệp Thạnh (vị trí Phòng Giáo dục- Đào tạo Thành phố hiện nay).

Còn lũ hôm 1-11, nước mới chỉ lên gần tới mặt dầm ngang cầu Quan. Đo thử, thấy mặt nước còn cách mặt cầu tới 2,47m. Nước cũng còn cách đỉnh bờ kè 107cm đoạn công viên đầu cầu và 78cm ở đoạn dưới chân cầu Mới. Khá đông người lớn lẫn trẻ em vẫn ung dung với mấy chiếc cần câu. Nhưng bên đường Yết Kiêu, chỉ trừ khu vực có nhiều quán ăn đêm, còn lại đoạn từ gầm cầu Mới ra công viên Tỳ Bà bên ngã ba rạch đều ngập. May là vỉa hè lát gạch xi măng hồng tươi vẫn còn nhìn thấy rõ dưới làn nước trong veo, nên xe máy vẫn đi được. Còn ô tô cứ hiên ngang rẽ rước giữa đường mà đi, bởi nước mới lên chừng hơn nửa bánh xe. Qua cây cầu sắt cong cong ở giáp công viên, sang bên kia thì con đường ven rạch đã ngập nặng. Con hẻm số 3, đường Trưng Nữ Vương đến bữa nay cũng đã ngập hoàn toàn. Vậy là nhà bác Hà Huyền Mộng- chủ vườn chim đã hoàn toàn bị cô lập. Ngoắt xe lên Trà Phí thuộc khu phố Ninh Sơn, nơi có cầu Bến Dầu thượng nguồn rạch Tây Ninh, cách cầu Quan độ 4 km thì chao ơi! Từ giữa cây cầu bê tông mới bắc chỉ thấy mênh mông nước khắp bốn bề. Thượng lưu, hạ lưu miên man những cuộn xoáy hồng hào nước lũ. Chỉ có thể nhận ra dòng chính ngày thường nhờ những bờ cây. Bên tả ngạn thuộc Ninh Sơn còn nhận ra những ngọn lá chuối đã ngả vàng, vật vờ giữa dòng nước xoáy. Ngước về phía núi, núi vẫn sẫm xanh và nổi bật cây cần cẩu tháp đang xây trụ sở Tòa án tỉnh. Nếu không có những khối nhà cao thành phố và con đường bê tông nhựa đẹp như mơ chạy tít tới ấp Giồng Cà của xã Bình Minh thì cảnh tượng này đâu có kém gì mùa lũ Nhâm Thìn 1952.

Dù sao thì đây mới chỉ là con rạch Tây Ninh, một chi lưu của sông Vàm Cỏ. Rạch mà còn thế, chắc sông còn mênh mông nước lũ hơn nhiều. Thế là xuyên dọc Thanh Điền đi tới cầu Gò Chai. Qua cầu kênh 1 đã thấy bốn bề lai láng nước. Thứ cây hiên ngang nhất vẫn mơn mởn xanh tươi dù gốc cây đã ngập ở đây, vẫn là loài tràm bông vàng và bình bát. Nhà bên cầu kênh nước lé đé hiên nhà. Vài ba chiếc xuồng câu chèo tay lại qua. Lên tới giữa cầu, mới thấy dòng sông Vàm Cỏ Đông nước đã tràn cả đôi bờ tả hữu. Ba ngôi nhà bên phía thượng lưu cầu, phía hữu ngạn đã như ba hòn đảo nhỏ. Một chiếc nhà tôn đuôi mái chỉ cách mặt sông 1 mét. Vườn chuối bên hông nhà đang rũ lá. Chỉ vài cây dừa vẫn gắng gỏi xanh. Lũ sông mà vẫn có gương mặt hiền lành, không thấy ầm ào cuộn xoáy. Một chiếc vỏ lãi con con chạy xuôi làm xao động cả mặt sông mênh mang có màu nước hoe hồng. Thu được vào máy ảnh một chú cò cô đơn quá đỗi. Chú đậu dưới một gốc cây cô đơn cùng một đám lục bình giữa mặt nước mênh mông.

Qua cầu, trên đường 786 sang Bến Cầu vẫn thấy ở bên tay trái một vùng nước bao la, núi Bà xanh mơ và những áng mây hồng. Tới cầu Bến Đình, trước đình Long Chữ vẫn chỉ thấy hai bên đường nước ngập đồng trắng xóa. Xa xa những ngôi nhà ngói đỏ, ngói xanh đen thời thượng hẳn hoi mà có vẻ bơ vơ lạ. Trên đường vẫn phăm phăm xe bus Mộc Bài hoặc xe con ào ạt phóng qua. Đường đẹp quá mà! Bê tông nhựa thẫm đen, mịn mượt nổi bật giữa chiếc gương trời miên man mây, nước. Sắp tới Long Giang. Hai hàng cột điện dầm chân trong nước. Cái vựa cát, đá ở gần chợ Long Giang nước đã ngập lối vào. Tới rồi đây, cầu Long Thuận, nơi đã làm nên danh tiếng Chợ Cầu, rồi Bến Cầu. Cầu bắc qua rạch Bảo- chi lưu khá lớn của sông Vàm. Xóm nhỏ bên tả đầu cầu đã chìm trong nước, dân phải bắc cừ đóng ván làm đường đi tạm. Nhưng cơ bản cho giao thông vẫn cứ phải là xuồng. Xuồng tôn bé tẹo chở được hai người. Xuồng ba lá to gấp năm, vẫn chỉ hai người chèo lái. Họ gọi nhau í ới. Trên căn sàn gỗ mấp mé nước sông, một chàng trai vẫn thiêm thiếp giấc nồng trên cánh võng đung đưa.

Từ chợ Cầu, băng qua thị trấn mà về Tiên Thuận, để gặp lại “đứa trẻ sơ sinh” mới hơn một tháng tuổi đã phải dầm chân trong cơn lũ Bính Thân. Là cầu Bến Đình đây, thưa bạn! Cầu mới khánh thành ngày 30-8 vừa qua. Cả bảy nhịp cầu dẫn đã dầm chân trong nước. Từ đỉnh cầu nhìn đi, tứ bề bao la nước ngập. Tôi phải lội lõm bõm trong sân ngôi nhà cũ của bác Năm Kia, để chụp cho được hình núi Bà xanh ở phía Cẩm Giang. Cái sân này đã quen thuộc với tôi từ hồi Bảo tàng tỉnh đào các hố khảo cổ di chỉ cảng thị cổ Bến Đình trước khi cầu được khởi công xây dựng.

Bên phía Cẩm Giang, đoạn đường từ cầu kênh 2 tới cầu kênh 1 gần cây số vẫn ngập sâu. Cứ nhìn vào bánh xe máy cày chở xe máy qua đoạn đường này, là biết chỗ ngập sâu nhất phải hơn 1 mét. Hôm 26.10, xe ô tô còn qua được. Hôm nay đã có 2 xe chết máy giữa chừng. Xe cứu hộ Phúc Hưng đã cho xe kéo đến chở đi. Tôi lên một chiếc xe máy cày đã quen bữa trước, rồi đứng trên thùng xe, lắc qua lắc lại giữa miên man nước. Một anh vỏ lãi từ đâu bỗng tăng tốc vọt ngang đường ngay trước mũi xe. Tiếng cười rộ ran giữa chòng chành vượt lũ.

Tới Cẩm Giang, lên lầu 4 chùa Cẩm Phong nhìn qua sông Vàm Cỏ. Nước vẫn mênh mông trắng đồng bên ấy những Long Vĩnh, Long Chữ, Long Giang. Trò chuyện với các lão nông ở Bến Đình, Trường Tây, mới rõ những cánh đồng bên ấy đã ngập sâu lút đầu người. Chẳng là, vụ lúa nào các bác ấy cũng “xâm canh” bên kia sông, nên đã thuộc nằm lòng từng góc ruộng.

Nhớ! Tư liệu cũ có nêu về một “mật điện” của Tỉnh ủy Gia Ninh gửi Phân liên khu ủy miền Đông ngày 14-11-1952, trong đó có đoạn báo cáo về tình hình ngập lụt của hai huyện Châu Thành và Trảng Bàng (lúc ấy Tây Ninh mới có hai huyện, huyện Dương Minh Châu mới thành lập nên có lẽ còn chưa cập nhật). Theo đó, Châu Thành: “Thiệt hại lối 80.000 trong 100.000 giạ lúa ruộng …Nước rạch Cái Đôi ngập vô một cây số làm một em bé ở xã chợ Bà Đen và bà già ở Minh Thạnh bị chết… Trảng Bàng: 220 nhà bị sập, chết 92 người… Bót Cầu Xe gió cuốn bay tróc… Ruộng háp (nguyên văn) phần ba bị ngập, tổng số thiệt hại độ 300.000 giạ, bị hư đổ 500.000 giạ…”. Trích bấy nhiêu thôi, đủ thấy về lũ lụt ghê gớm Nhâm Thìn 64 năm trước. Huyện Dương Minh Châu cũng có đây- trong sách “Lịch sử lực lượng vũ trang huyện” in năm 2015: “Lệnh khẩn được truyền đi: “Cứu dân là trên hết…”- Chủ tịch Huỳnh Văn Một còn cử liên lạc hỏa tốc truyền đạt chỉ thị: “Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước hết, trên hết và sau cùng mọi an nguy của dân trong cơn lũ…”. Kết quả là: “Không có người dân nào bị chết vì giặc nước”.

Nói “sống chung với lũ” là đành vậy thôi! Chứ ai lại quen được với những trận lũ kinh người vài chục năm mới có một lần. Ở Tây Ninh, kể từ năm 2000 đến nay mới xuất hiện lũ lớn đến thế. Các lão nông bến Trường Tây bảo: đến vịt còn phải sơ tán lên quốc lộ 22. Quả nhiên, qua Gò Kén và ngay ở mố cầu Bến Đình thấy có vài đàn vịt mới di tản đến. Nguyên do đơn giản: không còn gò cao cho chúng ngủ và đẻ trứng. Thảo nào ra chợ phường 3, vài cô bán trứng vịt quen giờ đã nghỉ bán. Tìm mua hàng khác thì giá lên chút chút. Chẳng riêng gì miền Trung mà ở Tây Ninh, tình người trong lũ cũng dâng tràn. Tấp nập các chuyến đi cứu trợ. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thăm hỏi dân vùng lũ, khẩn trương khắc phục hậu quả của lũ ngay khi nước còn ngập trắng đồng.

Giữa mênh mông các vùng quê vừa đi qua, cứ day dứt nhớ câu hò trong bài ca “Lên ngàn” mà nhạc sĩ Hoàng Việt đã viết sau mùa lũ 1952: “Hò ơ… dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi… Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng… Nước ngập đồng xanh lúa chết, gió mưa sụp đổ mái nhà, bao nhiêu gia đình tan hoang. Đau thương lệ rơi chứa chan”.

May sao hôm nay tôi đi, vẫn còn nghe thấy tiếng cười giữa bao la nước lũ.

Theo Nguyễn Quốc Việt (Báo Tây Ninh)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/dia-phuong/ngang-song-mua-lu-chanh-long-voi-que-20161107162601226.htm