Ngập lụt vì đường không cống: Nạn nhân mới nhất

Việc xây dựng chạy theo lợi nhuận, thiếu quy hoạch đồng bộ đã đẩy TP. Vinh vào trận ngập lụt khiến cuộc sống của 5.860 hộ dân bị ảnh hưởng.

Đợt mưa lũ lịch sử giữa tháng 10/2019 đã khiến 5.860 hộ dân ở TP. Vinh, Nghệ An rơi vào cảnh sống trong biển nước. Trên báo chí, nhiều người dân ở P. Đông Vĩnh, TP. Vinh phản ánh, nguyên nhân dẫn đến ngập lụt vừa qua một phần đến từ việc các công trình giao thông trên địa bàn thi công đường nhưng không làm cống.

Cụ thể, vào đầu năm 2019, UBND phường Đông Vĩnh cho nâng cấp tuyến đường Trần Bình Trọng nhưng đến nay vẫn chưa làm hệ thống cống thoát nước, khiến tuyến đường như một con đê ngăn không cho nước thoát khi có mưa lũ.

Người dân TP. Vinh, Nghệ An vừa trải qua trận ngập lụt lịch sử.

Người dân TP. Vinh, Nghệ An vừa trải qua trận ngập lụt lịch sử.

Hàng loạt công trình cầu đường được xây dựng như tuyến đường 35 m nối Quốc lộ 46 với đường ven sông Lam, đường Trần Bình Trọng..., nhưng chưa có hệ thống cống, mương thoát nước đã dẫn đến mỗi lúc có mưa lớn các tuyến đường trên đã thành con đê ngăn nước.

Ông Nguyễn Văn Thắng (ngụ xã Hưng Đông, TP Vinh) nói với báo Người Lao động: "Trước đây, nước mưa chảy thoát giữa đồng nên không ngập. Kể từ khi tuyến đường mới rộng 72 m nối từ phường Quán Bàu - TP Vinh đến xã Hưng Tây - huyện Hưng Nguyên làm xong, đường cao như con đê chắn nước khiến nhiều nhà dân phía Nam như ở trong hồ chứa".

Ngoài ra, một số dự án giao thông trên địa bàn TP. Vinh cũng rơi vào cảnh trì trệ, khiến cho việc thoát nước khi có mưa lớn càng trở lên khó khăn.

Tình trạng đường không cống không chỉ xảy ra ở TP. Vinh mà cũng xuất hiện nhiều ở TP. Hà Nội, TP. HCM dẫn tới việc ngập, lụt khi có mưa lớn diễn ra thường xuyên.

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa – nguyên viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển TP.HCM thừa nhận, đường ngập là do không có cống là đúng nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là vấn đề quy hoạch.

"Nếu theo đúng quy định và tiêu chuẩn chuẩn đô thị thì đầu tư trên mặt đất một phải đầu tư dưới mặt đất gấp 3 lần mới đảm bảo được. Tức là cái trên mặt đất có giá 1 thì đầu tư dưới mặt đất phải đắt gấp 3 lần tiền.

Về phía, các nhà đầu tư khi đầu tư luôn tính toán làm sao có lợi nhất cho mình, do đó, mới có tình trạng chỉ lo làm phần trên mặt đất mà không lo làm phía dưới.

Chính vì chạy theo lợi nhuận nên mới có câu chuyện doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ lo xây cái nhà, làm xong cái đường chạy cho dự án còn cống thì không cần làm. Ngập dân phải chịu", ông Hòa chỉ rõ.

Như vậy, việc ngập lụt không phải do thời tiết, mưa lớn mà là do con người tạo lên. "Thượng nguồn thì chặt rừng làm thủy điện, chặn dòng nước, làm thay đổi dòng chảy, mưa xuống là chảy hết, không giữ được nước. Còn quy hoạch lại chạy theo phát triển, bê tông hóa toàn bộ khu dưới mặt đất, tạo thành máng trượt cho nước chảy đi" - ông Hòa chỉ rõ.

Bên cạnh đó, ông Hòa còn chỉ ran hiện trạng, mạnh ai nấy làm, dự án nào cũng tự lo quy hoạch của mình mà không quan tâm tới quy hoạch chung nên khi tất cả đều đúng tiêu chuẩn thì đường cũng vẫn ngập.

"Tôi biết một số dự án lớn xây dựng theo chuẩn cốt quốc gia nhưng tại sao vẫn bị ngập? Ở đây là do thiếu hẳn sự kết nối giữa các dự án với nhau, ai cũng chỉ lo làm xong cái dự án, còn đường, cống là nhà nước phải lo nên mới có câu chuyện, mỗi dự án là một cái ao" - vị chuyên gia nói.

Ngọc Mai

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ngap-lut-vi-duong-khong-cong-nan-nhan-moi-nhat-3389855/