'Ngập lụt' thực phẩm chức năng, doanh nghiệp vẫn gian dối

Thời điểm 2010-2017, thị trường thực phẩm chức năng ở Việt Nam trong tình trạng 'ngập lụt', khi mà các hãng, sản phẩm thực phẩm chức năng đua nhau ra đời.

Người tiêu dùng trong "ma trận" thực phẩm chức năng

Đến nay, thị trường thực phẩm chức năng khá sôi động nhưng đang được kiểm soát chặt chẽ.

TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã cho biết như vậy tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt nam (VAFF) nhiệm kỳ 3 (2017-2022) và Kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội đã diễn ra sáng 25.11, tại Hà Nội.

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam, thì đến nay cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành.

Một thực tế là nhiều doanh nghiệp biến mặt hàng này thành đa cấp, bất chính, khiến thực phẩm chức năng bị biến tướng về giá trị thật sự với sức khỏe cũng như giá trị thực tế của sản phẩm. Bên cạnh đó, lợi dụng kẽ hở nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, công dụng không đúng với thực tế, tác dụng hỗ trợ sức khỏe không đúng so với quảng cáo khiến người tiêu dùng khó phân biệt, mất phương hướng và cảnh giác, tẩy chay sản phẩm.

Cũng theo TS Trần Đáng, thời gian qua VAFF đã giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của ngành thực phẩm chức năng Việt Nam, trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý và giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp/cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, TS Đáng thừa nhận, "vẫn còn nhiều hành vi gian dối của các doanh nghiệp vi phạm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực thực phẩm chức năng, đặc biệt trong việc quảng cáo".

Thời gian tới, bên cạnh việc quản lý chặt chẽ của Bộ Y tế đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, Hiệp hội Thực phẩm chức năng sẽ siết chặt hơn nữa các nội quy để giảm bớt doanh nghiệp thực phẩm chức năng vi phạm. Hướng tới mục tiêu 90% người dân hiểu đúng, làm đúng, dùng đúng thực phẩm chức năng và 70% dân số Việt Nam sử dụng loại sản phẩm đặc biệt này; đồng thời đưa ngành thực phẩm chức năng Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

LH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/ngap-lut-thuc-pham-chuc-nang-doanh-nghiep-van-gian-doi-578174.ldo