'Ngáo đá' - hiểm họa vô lường!

'Cơn lốc' ma túy đá tràn vào Hà Tĩnh đã kéo theo các vụ phạm pháp hình sự gia tăng bởi những kẻ 'chơi đá' bị 'ngáo'. Hệ lụy vô lường của 'ngáo đá' ('phê', 'say' ma túy đá) đang trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội.

Muôn vàn kiểu “ngáo đá”

Đêm đã về khuya, người dân tại tổ dân phố 4 (thị trấn Thạch Hà) bỗng giật mình tỉnh giấc bởi tiếng kêu thất thanh phát ra từ ngôi nhà nhỏ của gia đình Trần Công L (SN 1993). Nguyên nhân là bởi mỗi lần lên cơn “ngáo”, đôi mắt long sòng sọc của cậu quý tử lại “ném” về phía cha mẹ mình những ánh nhìn giận dữ do lầm tưởng là kẻ thù. Sau khi đã khóa cửa nhốt “kẻ thù”, cậu ấm lại hóa thân thành… Tôn Ngộ Không leo lên bàn thờ cố thủ khiến đấng sinh thành dư… khổ!

Với hành vi đập phá cây ATM trong cơn "ngáo" đá, đối tượng Nguyễn Chí Thanh đã phải nhận bản án 21 tháng tù giam do TAND thị xã Hồng Lĩnh tuyên phạt vào ngày 20/9/2017.

Cùng chung nỗi khổ tâm như bố mẹ L., bà N. (trú phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh) nhiều phen tức tốc đưa hai cháu nội sang hàng xóm lánh nạn mỗi khi anh con trai tên H. “phê” ma túy đá. Hết quậy phá đồ đạc, H. hò hét thì dùng dao đuổi đánh 3 bà cháu ra khỏi nhà. Cực chẳng đã, bà N. đành phải cầu cứu Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội (Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) để chữa bệnh cho H.

Sợ hãi vì ảo tưởng có người tìm giết mình, hoang tưởng mình là… chim, siêu nhân để leo lên nóc nhà rồi đòi tiếp đất, “làm xiếc” trên dây điện hay ngồi khóc cười một mình… là những hành vi hết sức nguy hiểm của các đối tượng mỗi lần lên cơn "ngáo".

Đối tượng nghiện ma túy đá hiện đang được điều trị tại Trung tâm Giáo dục, chữa bệnh, lao động xã hội (Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh ghi nhận nhiều vụ án gây xôn xao dư luận và theo kết luận của cơ quan chức năng là do xuất phát từ “ngáo đá”, như vụ Nguyễn Chí Thanh (SN 1977, trú tổ dân phố 2, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh) đập phá cây ATM của Vietcombank rồi bỏ trốn vào năm 2017…

Điều đáng quan ngại, theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) nếu trước đây, “ngáo đá” thường xuất hiện ở độ tuổi trung bình trên 45 tuổi thì nay, có xu hướng trẻ hóa khi con số này dao động từ 30-32 tuổi. Tình hình sử dụng ma túy đá (methamphetamine) đang có xu hướng tăng nhanh (tăng 35% so với năm 2017) và gần 38% số người nghiện ma túy đá đã có tiền án hoặc tiền sự.

Gian nan cai nghiện cho.... người "ngáo"

Theo chân y sĩ Phạm Viết Đỉnh, Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội, chúng tôi lên tầng 2 của khu điều trị. Những song sắt lạnh lẽo ngoài ban công làm cách biệt thêm thế giới bên trong ở Trung tâm. Đang đi, bỗng bất chợt từ phía cuối hành lang dội lên tiếng la hét, lảm nhảm của một nam thanh niên gần 30 tuổi.

Dù đã được điều trị khá lâu, song học viên Nguyễn Trọng S. vẫn thường quậy phá mỗi khi đêm xuống.

Theo y sĩ Đỉnh, bệnh nhân nam tên là Nguyễn Trọng S., hộ khẩu thường trú tại phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh,được đưa vào điều trị từ tháng 4/2017. Dù bên ngoài trông rất tỉnh táo nhưng trên thực tế, bệnh nhân này không hề bình thường. Nếu ban ngày, Sỹ thường trốn một góc, nói lảm nhảm thì đêm đến, đối tượng liên tục đập phá, khóc lóc, cười nói một mình.

Giám đốc Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội, Nguyễn Văn Sỹ cho hay: Hiện trung tâm đang chữa trị cho 70 bệnh nhân nghiện ma túy, trong đó, có tới 70% học viên nghiện đá, học viên trẻ nhất năm nay chỉ mới 18 tuổi.

Quá trình điều trị "cắt cơn", cai nghiện cho các học viên ma túy đá được tiến hành trong không gian "sạch" với hàng rào thép kiên cố và hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài.

“Quá trình điều trị cho các đối tượng nghiện “đá” vô cùng gian nan, đòi hỏi quyết tâm cao cùng tính nhẫn nại của đội ngũ y, bác sỹ. Bởi các đối tượng “đập đá” khi đã ở trạng thái “ngáo” đều bất hợp tác; nhẹ thì chửi bới, vùng vằng, nặng thì đập phá, la hét, cắn xé hoặc tấn công bất cứ ai động đến mình. Do vậy, đối tượng phải bố trí ở trong không gian “sạch” (cách ly đối tượng ra khỏi các vật dụng – PV), tránh tình trạng đập phá, tự tử… mỗi khi lên cơn. Cán bộ y tế thường xuyên để mắt tới người bệnh và sử dụng thuốc an thần để “khống chế” hệ thần kinh của học viên cai nghiện ma túy đá”, ông Sỹ cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội: Quá trình điều trị cho các đối tượng nghiện “đá” vô cùng gian nan, bởi họ đều bất hợp tác; nhẹ thì chửi bới, nặng thì đập phá, la hét, cắn xé hoặc tấn công bất cứ ai động đến mình.

Theo Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh Đinh Nho Quang, khi sử dụng ma túy đá, não bộ của con người sẽ dần bị phá hủy, nguy cơ cao trở thành bệnh nhân tâm thần. Công tác cai nghiện ma túy đá cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn, ngành y tế đến nay mới có phác đồ điều trị nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện, chưa có phác đồ cai nghiện ma túy tổng hợp, tình trạng tái nghiện còn cao, trong khi cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho việc xác định tình trạng nghiện tại các cơ sở y tế chưa được đáp ứng, gây ra những lo ngại về bất ổn an ninh trật tự và an toàn cho người dân do người sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá gây ra.

Thùy Dương – Tùy Phong

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/phap-luat-doi-song/ngao-da-hiem-hoa-vo-luong/155245.htm