Ngao chết tại Quảng Ninh do mật độ nuôi quá dày, nước thiếu ô xy và tảo

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh, ông Thiều Văn Thành cho biết, hiện tượng ngao chết ở huyện Hải Hà chủ yếu là do nguyên nhân các hộ nuôi ngao với mật độ quá dày, làm nước thiếu ô xy, nguồn thức ăn trong nước (tảo) giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, ngao gầy yếu, sức đề kháng kém và bị chết.

Trong đợt kiểm tra tình hình nuôi nhuyễn thể tại huyện Hải Hà (tháng 5/2018), đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Ninh đã khuyến cáo về tình trạng người dân thả nuôi ngao với mật độ quá dày, dễ dẫn tới nguy cơ chết hàng loạt. Ảnh: baoquangninh.com.v

Ông Thiều Văn Thành khẳng định, kết quả các xét nghiệm các mẫu cho thấy, hoàn toàn không xuất hiện dịch bệnh ở ngao. Mới đây, từ giữa tháng 12 đến nay, khoảng 70ha nuôi ngao của 35 hộ gia đình tại khu vực bãi triều thuộc địa phận xã Quảng Minh (huyện Hải Hà) lại có hiện tượng ngao chết với mật độ 70 - 200 con/m2.

Theo ông Thiều Văn Thành, hiện tượng ngao chết ở Hải Hà đã xuất hiện rải rác từ tháng 10 bắt đầu từ xã Quảng Điền, sau đó là xã Phú Hải và Quảng Minh. Lúc đầu hiện tượng ngao chết bắt đầu từ cửa cống nội đồng (đây là khu vực gần khu công nghiệp và khu vực nuôi tôm nước lợ của huyện), sau đó lan sang khu vực khác và tiếp tục xảy ra trên địa bàn.

Số liệu thống kê cho thấy, toàn bộ hơn 400 ha mặt nước nuôi ngao đều có hiện tượng ngao chết với tỷ lệ thiệt hại từ 15 – 30% lượng nuôi thả, cá biệt có hộ thông báo tỷ lệ ngao chết lên đến 70 – 80%.

Mật độ nuôi thả ngao ở huyện Hải Hà thường cao hơn gấp 4 - 5 lần so với khuyến cáo của địa phương. Cụ thể, đối với ngao Bến Tre, người dân thường nuôi thả với mật độ 400 - 500 con/m2, trong khi khuyến cao mật độ nuôi thả là từ 80- 100 con/m2. Ngao đầu dầu, người dân nuôi thả với mật độ 40 - 60 con/m2, trong khi mật độ khuyến cáo là 20 con/m2. Cùng với đó, việc chăm sóc, cải tạo bãi nuôi ngao từ khi đưa vào nuôi thả đến nay (khoảng 20 năm) vẫn chưa được cải tạo lần nào.

Hiện nay, chưa ước tính được số lượng ngao bị thiệt hại. Ngay sau khi xảy ra sự việc, các hộ ngư dân đã kịp thời báo ngay cho chính quyền địa phương và các phòng ban, chuyên môn của huyện Hải Hà.

Tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần lấy các mẫu xét nghiệm ở các thời điểm khác nhau từ tháng 10 đến tháng 12. Đồng thời, mời các cơ quan chức năng như Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn), Chi cục Thú y vùng II vào cuộc từ sớm.

Hải Hà là địa phương trọng điểm về nuôi ngao, nghêu của tỉnh Quảng Ninh nên toàn huyện có 118 hộ nuôi ngao với diện tích hơn 400 ha, sản lượng thương phẩm hàng năm lên tới 5.000 tấn.

Tại công văn 2979/TY-TS ngày 19/12/2018, ngoài xác định nguyên nhân do mật độ nuôi thả dày, Cục Thú y cũng khuyến cáo, hoạt động của các khu công nghiệp có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng hệ sinh thái, thức ăn cũng như sức khỏe thủy sản quanh khu vực nếu nước thải không được xử lý và kiểm soát tốt.

Để khẳng định khu công nghiệp (Khu công nghiệp Hải Hà- PV) ảnh hưởng đến môi trường sống của ngao và các loài thủy sản khác cần phải có kết quả đánh giá chi tiết của Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn của tỉnh Quảng Ninh.

Văn Đức (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/ngao-chet-tai-quang-ninh-do-mat-do-nuoi-qua-day-nuoc-thieu-o-xy-va-tao-20190104103304337.htm