Ngành Y với áp lực mùa xuân

Mùa xuân là thời điểm đẹp nhất và được mong chờ nhất trong năm khi tất cả mọi người đều tận hưởng niềm hạnh phúc được sum vầy bên gia đình với những chuyến du xuân, tham dự các lễ hội truyền thống,… Thế nhưng trong thời điểm đẹp nhất ấy, có những con người vẫn luôn từng ngày, từng giờ thầm lặng cống hiến, hy sinh hạnh phúc của bản thân để giành giật lại sự sống cho người bệnh trước lưỡi hái của tử thần.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đối mặt với nhiều áp lực

Nghề y là một nghề cao quý nhưng cũng vô cùng vô cùng khó khăn, vất vả với nhiều áp lực mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu và thông cảm được. Đó là những áp lực đến từ chính công việc của các y, bác sĩ hằng ngày; áp lực học tập, nghiên cứu; áp lực của người nhà bệnh nhân khi tiến hành điều trị và trong quá trình chữa trị bệnh,… và muôn vàn áp lực khác đã và đang đè nặng lên đôi vai của những y, bác sĩ.

Trong dịp tết nguyên đán vừa qua, khi người người nhà nhà được tận hưởng niềm vui đón mùa xuân mới bên bạn bè, gia đình, người thân thì những y, bác sĩ vẫn lặng lẽ gồng mình chiến đấu với tử thần, cứu sống người bệnh trong bệnh viện. Cụ thể, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước đã thực hiện khám, cấp cứu cho 319.438 trường hợp, nhập viện điều trị nội trú 208.392 trường hợp, thực hiện 22.931 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó có gần 500 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do các nguyên nhân.

Có thể thấy, trong những ngày nghỉ tết và khi mùa lễ hội đang đến gần, số bệnh nhân nhập viện không ngừng gia tăng, các y, bác sĩ luôn trong trạng thái sẵn sàng để có thể kịp thời cấp cứu, điều trị phục vụ bệnh nhân bất cứ lúc nào. Tại khu vực khám cấp cứu của bệnh viện Việt Đức luôn chật kín bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông, pháo nổ, đánh nhau... Cùng với đó là một lượng lớn các bệnh nhân nặng được chuyển từ các địa phương về, khiến bệnh viện phải huy động nguồn nhân lực khá lớn. Toàn bộ trang thiết bị, máy thở, phòng phẫu thuật hoạt động hết công suất. Riêng tai nạn giao thông, trung bình trong mỗi ngày nghỉ tết, bệnh viện tiếp nhận khoảng 60 trường hợp. Không chỉ phải đối mặt với khó khăn đến từ số bệnh nhân nhập viện tăng cao, các bác sĩ còn hy sinh thời gian dành cho bản thân và gia đình, đồng hành cùng bệnh nhân ngay trong những ngày đầu năm mới.

ThS.BS. Đỗ Tất Thành, Trưởng kíp trực phòng Hồi sức tích cực, Khoa Cấp cứu bệnh viện Việt Đức chia sẻ, cùng những bệnh nhân nặng phải điều trị, cấp cứu, các y, bác sĩ cũng đón Tết trong bệnh viện với những áp lực ngay những ngày đầu năm mới. Thông thường, phòng Hồi sức 1 được thiết kế cho 6 giường, 6 máy thở, nhưng cao điểm những ngày qua phải chứa tới 12 bệnh nhân. Do không đủ máy thở, chúng tôi đã phải xin cứu viện từ các đơn vị hồi sức khác trong bệnh viện. Với lượng bệnh nhân quá đông như vậy thì đồng nghĩa với việc bác sĩ cũng không có Tết.

Còn tại Khoa Cấp cứu bệnh viện Bạch Mai, không khí làm việc trong những ngày trước, trong và sau Tết vẫn diễn ra như ngày thường. Năm nay, lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai đã huy động lực lượng của Khoa Khám bệnh tổ chức khám bệnh như ngày thường trong dịp tết và mùa lễ hội để chia sẻ khó khăn với Khoa Cấp cứu. Các bác sĩ luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để phục vụ bệnh nhân, tất cả các cáng, xe đẩy để vận chuyển bệnh nhân được điều động triệt để. Người bệnh mới đưa vào lập tức được khám sàng lọc, một số khác được chuyển ngay đến các khoa, phòng khác trong bệnh viện.

Tại khu vực dành cho người bệnh nặng, hầu hết người bệnh phải thở máy, theo dõi đặc biệt. Thống kê cho thấy, từ ngày 30 Tết đến ngày mùng 6 Tết, bệnh viện đã cấp cứu hơn 200 bệnh nhân nặng/ngày (tăng 30% so với ngày thường), trong đó 50% số ca là chuyển tuyến. Các ca bệnh chủ yếu là tim mạch, huyết áp, hô hấp, tai biến mạch máu não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, suy gan thận cấp, xuất huyết tiêu hóa liên quan đến rượu.

Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân khiến bệnh nhân nhập viện cấp cứu tăng đột biến là do thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm tăng tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây ra bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa vào dịp lễ hội đầu năm khi người dân có nhu cầu giao lưu, di chuyển thường xuyên đến những nơi đông người.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa lễ hội 2019, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo: Người dân cần phải tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: Sởi, rubella, ho gà…); Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh hô hấp, sởi, rubella… Hạn chế đến những chỗ đông người; Ăn uống đủ chất, bảo đảm dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; Bảo đảm vệ sinh môi trường, gia đình, giữ ấm nhà cửa; Khi có các dấu hiệu nghi bị truyền nhiễm cần thông báo ngay cho các cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử lý kịp thời.

Vượt lên tất cả, hết lòng vì người bệnh

Mặc dù phải đối mặt với nhiều áp lực, thế nhưng các y, bác sĩ vẫn không ngừng nỗ lực, cố gắng trau dồi bản thân; hy sinh, vươt lên tất cả, chiến đấu với bệnh tật, hết lòng vì sức khỏe của bệnh nhân. Không ít các bác sĩ vì công việc, chữa trị cho bệnh nhân mà đã bỏ lỡ những thời khắc thiêng liêng nhất bên gia đình.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương chia sẻ, mong ước chỉ đơn giản là đưa các con đi xem bắn pháo hoa đêm Giao thừa như bao gia đình khác, nhưng cũng thật khó để có thể thực hiện. Nghề của chúng tôi là giành giật sự sống cho bệnh nhân, dù có Tết hay không có Tết, có đón được Giao thừa hay không hay được nghỉ ngơi bên gia đình thì công việc cứu chữa cho người bệnh vẫn là quan trọng nhất và được đặt lên hàng đầu. Bởi niềm vui, niềm hạnh phúc của người bệnh cũng chính là niềm hạnh phúc của các bác sĩ. Không quản ngại mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng cứu chữa cho người bệnh.

Không chỉ với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, mà với tất cả những người thầy thuốc áo trắng, động lực sau những đêm trực dài hay những cái Tết không có thời gian để sum vầy bên gia đình, đó chính là những ca mổ cấp cứu thành công, bệnh nhân hồi phục; là cái bắt tay biết ơn siết chặt của người nhà bệnh nhân và còn là khoảnh khắc được đón những bé sơ sinh chào đời khỏe mạnh,… Khi đó, đối với họ, bao nhiêu mệt mỏi đều biến mất, bao nhiêu khó khăn đều có thể vượt qua.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy xã hội chất lên vai những người y, bác sĩ nhiều sứ mệnh nặng nề, cao cả, nhưng cũng cứa lên người họ đầy những vết thương. Đời sống khó khăn, những rủi ro nghề nghiệp rình rập hằng ngày khiến họ luôn phải gồng mình chống chọi. Mà đáng buồn thay, những rủi ro ấy lại đến từ chính những người mà họ luôn gắng sức cứu sống, phục vụ và chữa trị hằng ngày. Thời gian qua, tình trạng bạo hành nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, hoặc một số kẻ côn đồ “đại náo” bệnh viện gây mất an ninh trật tự, an toàn, đe dọa đến công tác khám, chữa bệnh đã dần trở nên đáng báo động.

Qua theo dõi của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, các vụ việc bạo hành nhân viên y tế thời gian qua chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60% số vụ việc), tiếp đến là bệnh viện tuyến trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (chiếm 70%), tiếp đến là điều dưỡng (chiếm 15% số vụ việc). 90% số vụ việc xảy ra tại trong khuôn viên bệnh viện. Có thể thấy, tình hình bạo hành diễn ra là một nỗi đau mang tới tâm lý bất an và những hậu quả nặng nề với nhân viên y tế. Nó không chỉ ảnh hưởng tới bản thân người bệnh mà còn ảnh hưởng tới hầu hết các bệnh nhân và người nhà của các bệnh nhân khác.

Vì vậy, để các y, bác sĩ có thể yên tâm công tác, khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký quyết định phê duyệt đề án phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật tại các cơ sở y tế giai đoạn 2019-2030. Trong Đề án này, Bộ Y tế là cơ quan đầu mối sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, gồm: Bộ Công an, Bộ Tài chính, các bộ có quản lý cơ sở y tế như Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,… để siết chặt công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các cơ sở y tế.

Như vậy, đối với mỗi người làm ngành y, áp lực và khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng hằng ngày, họ vẫn luôn đối mặt với tất cả để hết lòng, hết sức chữa trị cho người bệnh; không chỉ giúp họ vượt qua những nỗi đau của bệnh tật mà còn trao đi yêu thương, khắc phục những tổn thương về tinh thần trong quá trình điều trị.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/nganh-y-voi-ap-luc-mua-xuan-tintuc429868