Ngành y tế Việt Nam năm 2017: Đâu là những thành tựu?

Cũng như các ngành khác, ngành y tế Việt Nam năm 2017 cũng đạt được những thành tựu nhất định như lần đầu dùng robot phẫu thuật; ghép thành công tế bào gốc ngoại vi...

Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một ca ghép phổi

Đầu năm 2017, Bệnh viện 103 - Học viện Quân Y đã thực hiện thành công một ca ghép phổi cho cháu bé 6 tuổi. Đây là ca ghép phổi đầu tiên được các bác sĩ Việt Nam thực hiện, được biết ca phẫu thuật có sự tham gia phối hợp của các chuyên gia đến từ Nhật Bản..

Lần đầu tiên Việt Nam dùng robot phẫu thuật

Robot Da Vinci-Si: hệ thống robot phẫu thuật hiện đại trên thế giới.

Robot Da Vinci-Si: hệ thống robot phẫu thuật hiện đại trên thế giới.

Trong tháng 11, Bệnh viện Nhi Trung Ương đã điều trị mổ nọi soi bằng robot cho bệnh nhi Q. bị dạng nang tuyến phổi kèm lõm ngực bẩm sinh. Được biết đây là robot Da Vinci-Si, hệ thống robot phẫu thuật hiện đại trên thế giới.

Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép thận chéo thành công

Kỹ thuật ghép thận chéo đã mở ra hy vọng mới cho bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối.

Hai cặp trường hợp vừa được tiến hành ghép thận đổi chéo thành công ở Việt Nam. Ảnh Mai Phương

Những người suy thận lại có thêm hy vọng khi vào đầu tháng 1/2017, các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện thành công một ghép thận bằng phương pháp ghép thận chéo từ 2 cặp cho và ghép sống.

Lần đầu tiên ghép thành công tế bào gốc không cùng huyết thống

Vào tháng 9 năm nay, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống cho bệnh nhân Q.D.A. Kết quả xét nghiệm sau phẫu thuật xác định tỉ lệ mọc mảnh ghép cho thấy 100% tế bào là của người hiến.

Việc thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam được xem là một bước tiến vượt bậc trong công tác điều trị, mở ra hướng đi mới và hi vọng chữa khỏi bệnh cho người bệnh mắc các bệnh lý ác tính không tìm được người cho tế bào gốc cùng huyết thống phù hợp.

Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam

Hiện nay, có một số bệnh lý huyết học ác tính (ung thư) chỉ có phương pháp duy nhất để điều trị hiệu quả và có thể hết bệnh là dị ghép tế bào gốc tạo máu từ người cho khỏe mạnh.

Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM đã triển khai thành công kỹ thuật dị ghép tế bào gốc tạo máu (ghép đồng loại) từ năm 1995. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là nhiều trường hợp người bệnh không tìm được người cho tế bào gốc phù hợp HLA đồng huyết thống. Trong khi đó, tại nước ta vẫn chưa có ngân hàng tế bào gốc từ nguồn người hiến tình nguyện. Do đó, một số trường hợp người bệnh phải ra nước ngoài để tìm nguồn tế bào gốc phù hợp.

Được biết, chi phí cho mỗi ca ghép tế bào gốc tạo máu tại Việt Nam hiện nay khoảng 800 triệu đồng, trong đó Bảo hiểm y tế chi trả 60%. Chi phí này chỉ bằng 1/10 so với tại Singapore và bằng 1/5 so với Đài Loan (Trung Quốc).

Lần đầu trong 20 năm, Việt Nam nới lỏng chính sách dân số

Một người trẻ cõng trên lưng chi phí hưu trí và chăm sóc cho 4 người già, dân số già hóa không còn lực lượng lao động, là viễn cảnh đáng lo ngại khiến Việt Nam quyết định thay đổi chính sách dân số.

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/2017 nhận định nếu duy trì chính sách giảm sinh quá lâu sẽ để lại những hậu quả khó khắc phục. Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với các nước phát triển. Tỷ lệ sinh thấp, đặc biệt ở khu vực thành thị, dẫn đến số người già nhiều hơn người trẻ. Một hậu quả nữa của chiến lược giảm sinh là tệ lựa chọn giới tính thai nhi, gây mất cân đối nghiêm trọng tỷ lệ nam/nữ. Với 113 trẻ trai so với 100 trẻ gái sơ sinh hiện nay, hàng triệu đàn ông Việt Nam trong tương lai sẽ không lấy được vợ.

Ảnh minh họa.

Sau hơn 20 năm, Việt Nam thay đổi, chọn chiến lược mức sinh thay thế. Cụ thể là giảm sinh ở nơi sinh nhiều như ở vùng núi, ven biển; vận động sinh đủ hai con ở nơi sinh ít, như tại TP HCM, nơi đang có tỷ lệ con thấp nhất cả nước. Các biện pháp nhằm cân bằng giới tính khi sinh cũng được ban hành. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tuổi thọ bình quân 75; chiều cao nam trưởng thành đạt 168,5 và nữ 157,5 cm, khắc phục tình trạng ở nhóm cuối về các chỉ số thể lực ở Đông Nam Á.

Công nghệ thực tế ảo và bước đột phá trong ngành Y ở Việt Nam 2017

Nhóm tác giả từ trường Đại học Duy Tân, TP.HCM đã sáng tạo thành công phiên bản công nghệ thực tế ảo 3D trong việc giải phẫu cơ thể con người.

Công nghệ thực tế ảo đưa ra những phân tích chính xác nhất về cơ thể con người. (Ảnh: nguoiduatin)

Để mô phỏng, xây dựng cơ thể con người được chính xác, chi tiết, sinh động và đảm bảo thông tin khoa học, nhóm nghiên cứu đã nhận được sự giúp đỡ từ các PGS.TS, bác sĩ đầu ngành trong quá trình thiết lập. Với mô hình này, chỉ cần click chuột vào một vị trí xương bất kỳ trên cơ thể, ngay lập tức các thông tin giải phẫu của chiếc xương đó sẽ hiện lên trực quan và sắc nét.

“Công nghệ thực tế ảo 3D ứng dụng trong công tác y khoa" đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao giải Nhất Cuộc thi Nhân tài đất Việt năm 2017.

Mỹ An (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/nam-2017-voi-nhung-thanh-tuu-nganh-y-te-viet-nam-dat-duoc-a213883.html