Ngành Y tế Quảng Ngãi: 'Bơi' trong khó khăn sau đại dịch

Do chưa được chi trả các khoản bảo hiểm y tế (BHYT) cùng với nguồn thu thấp… khiến cho nhiều cơ sở y tế công lập tại tỉnh Quảng Ngãi rơi vào cảnh nợ chồng chất sau đại dịch Covid.

Người dân nộp viện phí tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm.

Người dân nộp viện phí tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm.

Mượn tiền thuốc để trả lương nhân viên

Sau dịch Covid-19, các tuyến y tế cơ sở tại Quảng Ngãi lâm vào cảnh khó khăn, nhất là việc xoay xở nguồn để trả lương nhân viên. Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), nơi có hơn 200 nhân viên y tế đang làm việc. Để trả lương hàng tháng, bệnh viện phải chi số tiền 1,3 tỷ đồng, tương ứng với 15,6 tỷ/năm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Diệp - Phó Giám đốc Bệnh viện này - cho biết, các năm 2020 và 2021, do dịch bệnh nên ít bệnh nhân đến khám, chữa bệnh nhưng bệnh viện phải duy trì tối đa nhân lực để chống dịch nên nguồn thu bị giảm đáng kể.

Để duy trì hoạt động, buộc bệnh viện phải mượn tiền của các công ty dược (mượn tạm kinh phí trả tiền thuốc) để trả lương cho nhân viên. Cuối năm 2021, bệnh viện nợ công ty dược khoảng 5 tỷ đồng và tính đến nay là 8 tỷ đồng.

“Nguồn thu trong những năm vừa qua là quá ít nên bệnh viện không có đủ tiền để trả lương và sửa chữa trang thiết bị y tế. Hiện, máy CT 16 lát cắt của bệnh viện đã bị hư phần bóng đèn chụp, dự kiến chi phí sửa chữa tốn 1,2 - 1,4 tỷ đồng, cùng với đó là máy nội soi cũng bị hư hỏng do quá hạn cần bảo trì nhưng đến nay đều chưa khắc phục được vì thiếu kinh phí.

Bệnh nhân phải đi hơn 50km đến các bệnh viện ở TP Quảng Ngãi để được chụp phim, chẩn đoán và điều trị dẫn đến bệnh viện mất bệnh nhân”, bác sĩ Diệp chia sẻ.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc giao dự toán chi phí khám chữa bệnh BHYT nhưng quy định này chưa phù hợp và chưa phản ánh đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Nhiều bệnh viện từ năm 2018 đến nay, BHXH Việt Nam chưa chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT, đây cũng là nguyên nhân đẩy các tuyến y tế cơ sở lâm vào tình cảnh khó khăn.

Điển hình là ở Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa, năm 2018, đơn vị này chi vượt dự toán chi phí khám chữa bệnh 4,3 tỷ đồng, năm 2019 vượt 7,6 tỷ đồng và năm 2020 là 4,6 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo đơn vị này cho biết, dù đơn vị đã có nhiều kiến nghị, giải trình nhưng đến giờ vẫn chưa được thanh toán số tiền hơn 16,5 tỷ đồng. Không được chi trả nguồn kinh phí nên đơn vị không có tiền để trả lương và chế độ chính sách khác cho nhân viên.

“Hiện, toàn huyện có gần 300 cán bộ, nhân viên y tế, mỗi tháng phải chi hơn 1,2 tỷ đồng để trả lương. Thiếu hụt nguồn thu nên đơn vị đành mượn tạm nguồn kinh phí dự phòng UBND tỉnh, nguồn dự phòng y tế xã khoảng 4,8 tỷ đồng để chi trả lương cho đội ngũ y, bác sĩ”, bác sĩ Đặng Văn Điểm - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa, cho biết.

Cần được hỗ trợ để giải nguy

Hàng loạt viên chức y tế nghỉ việc

Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin, từ năm 2020 đến cuối tháng 6/2022, Quảng Ngãi có 63 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng. Cụ thể, năm 2020 là 31 người; năm 2021 là 17 người và 6 tháng đầu năm 2022 là 15 người. Trong 15 người xin nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022, có đến 12 bác sĩ. Trong khi cả năm 2021 chỉ có 7 bác sĩ thôi việc. Trong 2 năm qua, đội ngũ các y, bác sĩ xin nghỉ việc, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với các lý do chủ yếu sau: Thu nhập thấp; chuyển sang làm việc tại cơ sở y tế tư nhân; cá nhân, đoàn tụ gia đình.

Năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định 449 về tự chủ tài chính và trong đó có nhiều đơn vị cơ sở y tế công lập được giao tự chủ 100%. Nhưng qua thời gian thực hiện, nhất là qua những năm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, đã phát sinh nhiều nút “thắt”, gây khó khăn cho tuyến y tế cơ sở.

Bác sĩ Võ Thanh Tân - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh - cho biết, từ năm 2018 - 2020 đơn vị được giao tự chủ từ 96 rồi 98 và đến 100%. Vì là tuyến y tế cơ sở nên đảm nhiệm các nhiệm vụ cộng đồng. Nếu ưu tiên trả tiền lương thì nợ tiền thuốc, thậm chí không có thuốc để điều trị cho nhân dân do không có tiền thì nhà thầu không bán thuốc.

“Từ năm 2018 đến nay, tỉnh không cấp kinh phí sửa chữa cơ sở y tế và mua sắm trang thiết bị. Trong bối cảnh như vậy làm sao các bệnh viện nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh. Thiết tha đề nghị tỉnh điều chỉnh Quyết định 449 đối với tuyến y tế cơ sở, cụ thể là không tự chủ 100% mà phải có ngân sách hỗ trợ”, bác sĩ Tân ý kiến tại buổi đối thoại của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi với cán bộ ngành Y tế vào cuối tháng 5/2022.

Ông Phạm Minh Đức - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Quảng Ngãi - xác nhận do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong hai năm qua đã ảnh hưởng và tác động rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng, đời sống, thu nhập, áp lực công việc cho đội ngũ nhân viên y tế, nhất là khó khăn về nguồn thu của các đơn vị thực hiện chế độ tự chủ tài chính.

“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh giảm mạnh, dẫn đến nguồn thu sự nghiệp giảm, trong khi đó, tỷ lệ giao tự bảo đảm chi thường xuyên không giảm so với thời kỳ trước khi xảy ra dịch Covid-19, nên đã tạo áp lực rất lớn cho các đơn vị sự nghiệp trong việc chi lương, phụ cấp và chăm lo đời sống cho cán bộ và nhân viên y tế”, ông Đức thông tin.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Y tế, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương khảo sát, đánh giá mức độ tự chủ và tham mưu ban hành cơ chế mới cho các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế Quảng Ngãi rà soát nhu cầu về cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn định mức quy định của từng đơn vị để làm cơ sở xác định lộ trình triển khai việc cải tạo, mua trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. BHXH Quảng Ngãi làm việc với BHXH Việt Nam để giải quyết nợ kinh phí khám, chữa bệnh theo BHYT từ năm 2018 đến nay.

Trần Tươi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nganh-y-te-quang-ngai-boi-trong-kho-khan-sau-dai-dich-post603691.html