Ngành Y tế: Phát huy lợi thế CNTT để chủ động phòng, chống dịch bệnh

Theo đánh giá của Bộ Y tế, ngành Y tế Quảng Ninh đang đứng đầu trong toàn quốc về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Đây là nền tảng, lợi thế để ngành Y tế Quảng Ninh tự tin triển khai hiệu quả các giải pháp ứng dụng CNTT trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng thời ứng dụng thành công các kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh (KCB); cải cách thủ tục hành chính…

Các chuyên gia hội chẩn hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân tràn khí màng phổi tái phát tại đầu cầu Bệnh viện Việt Đức.

Các chuyên gia hội chẩn hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân tràn khí màng phổi tái phát tại đầu cầu Bệnh viện Việt Đức.

Ứng dụng CNTT để đối phó với đại dịch

Ngày 9/3, Bệnh viện số 2 Quảng Ninh tiếp nhận điều trị bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19. Bên cạnh việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh, nghiên cứu phương thức phòng, chống, phác đồ điều trị... Bệnh viện số 2 đã kết nối với các chuyên gia y tế của Trung ương, của tỉnh để hội chẩn và hướng dẫn điều trị từ xa qua hệ thống Telemedicine.

Bác sĩ Hoàng Trọng Giang, Giám đốc Bệnh viện số 2, cho biết: Ngày 29/4 vừa qua, Bệnh viện số 2 cùng với các bệnh viện trong cả nước đã được Bộ Y tế tư vấn hỗ trợ trực tuyến từ xa về công tác thu dung, chẩn đoán và điều trị người bệnh mắc Covid-19, nhất là trường hợp bệnh nặng. Trước đó, thông qua hệ thống Telemedicine, chúng tôi thường xuyên được các chuyên gia, các nhà quản lý tư vấn và chỉ đạo nhanh nhất, hiệu quả nhất, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị.

Cuộc hội chẩn trực tuyến diễn ra ngay trong phòng mổ qua hệ thống Telemedicine kết nối hai đầu cầu. (Ảnh chụp tại phòng mổ Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Đặc biệt trong thời điểm bùng phát dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc, hệ thống y tế từ xa Telemedicine kết nối trực tuyến tại Quảng Ninh được coi là giải pháp an toàn, nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao.

Như mới đây, dưới sự chỉ đạo của các chuyên gia ngoại khoa Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức thông qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cứu sống bệnh nhân T.V.C (32 tuổi, Bình Liêu) bị tràn khí màng phổi tái phát do vỡ kén khí màng phổi. Các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã hỗ trợ, hướng dẫn kíp phẫu thuật của Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành mổ nội soi lồng ngực cho bệnh nhân. Bệnh nhân đã hồi phục, sức khỏe tốt.

Từ năm 2012 đến nay, ngành Y tế tỉnh đã đầu tư và phát triển hệ thống Telemedicine với 31 điểm cầu, trong đó có 10 điểm cầu đặt tại phòng phẫu thuật.

Nhờ đó, ngành Y tế đã tiến hành hàng trăm ca hội chẩn, tư vấn và hướng dẫn điều trị các ca bệnh khó từ các bệnh viện tuyến Trung ương cho tuyến tỉnh và từ tỉnh cho tuyến huyện; kịp thời triển khai cuộc họp trực tuyến, giúp chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai, thảm họa, hỗ trợ đào tạo chuyên môn...

Giao ban trực tuyến giữa các khoa, phòng tại Bệnh viện Sản Nhi trong thời gian cách ly toàn xã hội.

Ngoài ra, ngành Y tế Quảng Ninh cũng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNTT vào công tác phòng bệnh. Tiêu biểu phải kể đến việc triển khai phần mềm báo dịch Covid-19 trực tuyến trên Trang thông tin điện tử tổng hợp http://quangninhcdc.vn do CDC Quảng Ninh thực hiện.

Đồng thời, CDC Quảng Ninh cũng triển khai và đưa vào hoạt động Tổng đài báo dịch miễn phí 18009214, tự động cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, báo trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh Covid-19, thông báo các số điện thoại đơn vị y tế tiếp nhận thông tin trên địa bàn tỉnh, nghe tư vấn về dịch trực tiếp từ tư vấn viên.

Phát triển y tế thông minh

Để nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống dịch và KCB, ngành Y tế sẽ phát huy tất cả lợi thế của CNTT đã được ưu tiên đầu tư trong những năm qua. Trong đó, 100% đơn vị trong ngành đã có cán bộ chuyên trách CNTT với trình độ chuyên môn từ Cao đẳng trở lên. Đồng thời 100% bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở y tế trên toàn tỉnh đã được đầu tư, trang bị máy tính, mạng LAN, mạng internet tốc độ cao; sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử, kê khai thuế điện tử và BHXH điện tử.

Trong hoạt động KCB, các đơn vị y tế của tỉnh đã ứng dụng triệt để sức mạnh của CNTT vào các hoạt động, như: Quản lý bệnh viện; quản lý KCB; quản lý sức khỏe toàn dân; sử dụng hệ thống Telemedicine trong công tác đào tạo, hội chẩn, tư vấn, KCB từ xa...

Ứng dụng kính vi phẫu 3D phẫu thuật cho bệnh nhân bị u não tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Ngành Y tế Quảng Ninh tiếp tục tiên phong triển khai dự án y tế thông minh, triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi. Đến nay, các bệnh viện đã được đầu tư hạ tầng CNTT với hệ thống máy chủ trung tâm, hệ thống lưu trữ, hệ thống mạng, bảo mật, thiết bị ngoại vi hỗ trợ bác sĩ và bệnh nhân. Các phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa, như HIS (hệ thống thông tin bệnh viện) và RIS (hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh) đã giúp thầy thuốc dễ dàng tìm ra hình ảnh tổn thương và nguyên nhân ca bệnh, từ đó có quyết định và hướng điều trị hiệu quả.

Một số quy trình được tổ chức thực hiện theo cơ chế tự động hóa từ khâu thủ tục đăng ký khám bệnh, nhập viện, quản lý hồ sơ bệnh án, kết quả chẩn đoán, quản lý hình ảnh y khoa, xét nghiệm... đều được thực hiện trên phần mềm. Đặc biệt là việc sử dụng hồ sơ giấy được cắt giảm tối đa giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí cho cả người bệnh và đơn vị y tế; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện tình trạng quá tải, giảm thiểu thời gian chờ đợi cho người bệnh và minh bạch hóa hoạt động khám, chữa bệnh tại bệnh viện.

Nhờ đó, chất lượng quản lý, điều hành được nâng cao; rút ngắn thời gian giao dịch, minh mạch trong giải quyết thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng các dịch vụ kỹ thuật y tế.

Nguyễn Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202005/nganh-y-te-phat-huy-loi-the-cntt-de-chu-dong-phong-chong-dich-benh-2481789/