Ngành y tế nỗ lực xử lý chất thải y tế

Những năm gần đây, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động thu gom, xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải y tế nguy hại, hạn chế sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm.

Chất thải y tế nguy hại được chuyển tập trung về nhà kho lưu giữ chất thải y tế nguy hại của Bệnh viện Phổi Thanh Hóa để xử lý theo quy định.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị y tế tuyến đầu với quy mô hơn 1.000 giường bệnh. Lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 190 - 200 kg/ngày. Chất thải y tế nguy hại được phân loại ngay khi phát sinh theo đúng quy định của Bộ Y tế và được hộ lý thu gom, nhân viên chuyên trách quản lý. Sau đó được tập kết tại khu chứa rác thải nguy hại riêng của bệnh viện, bảo đảm khoảng cách an toàn. Tại đây, các nhân viên chuyên trách xử lý rác bằng máy NEWSTER NW10 – Italy (hệ thống xử lý bằng tiệt khuẩn nhiệt ma sát) và máy STERILWAVE 440 - Betin (công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt) không phát sinh mùi hôi và hoàn toàn thân thiện với môi trường. Đối với chất thải lỏng được thu gom vào hệ thống thu gom chung của bệnh viện, với trung bình 450m³/ngày đêm và xử lý tại trạm xử lý nước thải dạng hợp khối đúc sẵn công nghệ AAO tiên tiến của Kubota Nhật Bản, công suất 700m³/ngày đêm. Sau khi nước thải xử lý và đảm bảo đạt tiêu chuẩn sẽ được đấu chung hòa vào hệ thống xử lý nước thải của thành phố.

Không chỉ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đều chú trọng công tác xử lý chất thải y tế. Tại Bệnh viện Nhi, từ dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện do Bộ Y tế triển khai với vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), đã được đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế lây nhiễm với công suất 600 kg/ngày hiện đang xử lý toàn bộ lượng chất thải lây nhiễm bệnh viện cho các cơ sở y tế trên địa bàn TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và huyện Quảng Xương, bao gồm các bệnh viện trong và ngoài công lập, trung tâm y tế, phòng khám tư nhân và các trạm y tế xã, phường. Hệ thống này sử dụng công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt trong cùng khoang xử lý, để chuyển toàn bộ chất thải không sắc nhọn, có nguy cơ lây nhiễm cao, chất thải giải phẫu thành chất thải thông thường, không còn mầm bệnh lây nhiễm.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Đức Toàn, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi: Từ khi công trình này đưa vào sử dụng đã giảm thiểu khả năng gây hại cho môi trường. Tất cả chất thải rắn được đốt và xử lý qua hệ thống và được thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn cho phép. Trước đây, xử lý bằng công nghệ đốt vẫn gây ô nhiễm môi trường và không triệt để.

Tại Bệnh viện Phổi, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân, theo đó lượng chất thải rắn y tế nguy hại có khoảng 25 kg/ngày, chưa kể rác thải sinh hoạt, rác thải tái chế. Bệnh viện thường xuyên đẩy mạnh công tác kiểm tra, tập huấn cho cán bộ y tế về việc phân loại, thu gom và xử lý theo đúng quy trình, rác thải y tế trong quá trình điều trị cho bệnh nhân được phân loại từ đầu nguồn bởi các y tá, điều dưỡng trước khi chuyển đến khu vực tập kết. Từ giữa năm 2018, thực hiện xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm bằng công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt nhỏ chất thải trong khoang xử lý tại cụm Bệnh viện Nhi đã xử lý triệt để chất thải rắn y tế nguy hại của bệnh viện, giảm thiểu ảnh hưởng môi trường xung quanh, đặc biệt là khí thải ra môi trường bảo đảm hơn. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn vay WB, bệnh viện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải có công suất 235m3/ngày đêm với hệ thống thu gom nước riêng biệt và nhà vận hành hệ thống xử lý nước từ tháng 2-2019 nên qua những lần quan trắc, các chỉ số giám sát môi trường đều trong phạm vi giới hạn bình thường.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 47 bệnh viện công lập và ngoài công lập, trên 800 cơ sở y tế tư nhân (phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, cơ sở dịch vụ y tế...) với tổng số gần 13.000 giường bệnh, trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 1,5 tấn chất thải nguy hại, cùng với đó, nước thải của các cơ sở y tế có chứa vi sinh vật gây bệnh, kháng sinh, hóa chất độc hại... tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Từ các nguồn, chương trình, dự án, ngành y tế đã được đầu tư nhiều dự án, công trình chuyên xử lý chất thải y tế nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường. Về đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế, đã có 24 bệnh viện được đầu tư xây dựng, trong đó có 2 bệnh viện được đầu tư từ nguồn khoa học công nghệ (Bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh, Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh); 2 bệnh viện được đầu tư từ Quỹ phát triển toàn diện thành phố (Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa, Bệnh viện Nội tiết); 1 bệnh viện được đầu tư từ nguồn Trái phiếu Chính phủ (Bệnh viện Nhi); 19 bệnh viện được đầu tư từ kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của Trung ương và tỉnh; 5 bệnh viện từ nguồn vốn vay WB, 2 bệnh viện từ nguồn sự nghiệp môi trường... Về đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế, ngoài 24 lò đốt được trang bị cho các bệnh viện, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã được đầu tư thêm 7 cụm xử lý rác y tế đặt tại 7 cụm xử lý chất thải bằng công nghệ không đốt, rác thải sẽ được thu gom và xử lý bằng công nghệ nghiền cắt và công nghệ tiệt trùng lò vi sóng hoặc hấp ướt liên hoàn; 3 hệ thống xử lý nội bộ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước và Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa từ nguồn vốn vay hỗ trợ xử lý chất thải y tế của WB. Bước đầu dự án này đang phát huy hiệu quả, góp phần quản lý chất thải rắn y tế, cơ bản đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, kiểm soát được lây nhiễm, an toàn nghề nghiệp cho các y, bác sĩ và bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo vệ môi trường.

Theo đánh giá chung của các ngành chức năng, hầu hết chất thải rắn và nước thải y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay đều được quản lý, xử lý đúng quy chuẩn. Sở Y tế đã chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra giám sát công tác xử lý chất thải để bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế; xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện việc thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải y tế theo các quy định hiện hành.

Ông Phạm Ngọc Thơm, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: Chất thải y tế ẩn chứa nhiều mầm bệnh, nếu không được xử lý đúng quy trình thì rất dễ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh làm ảnh hưởng tới sức khỏe Nhân dân. Với sự chủ động và quyết tâm cao của ngành y tế, việc xử lý chất thải đang từng bước đi vào nền nếp, lượng chất thải y tế lây nhiễm phát sinh trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được xử lý. Đây là kết quả quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu xử lý 100% rác thải y tế vào năm 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra, góp phần bảo đảm môi trường an toàn cho xã hội.

Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/nganh-y-te-no-luc-xu-ly-chat-thai-y-te/124160.htm