Ngành y tế đối phó thế nào với truyền thông 'không giới hạn'?

Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng các nguồn, kênh lan tỏa được cập nhật liên tục, tức thì và người dân đón nhận khá đa dạng. Trong đó, công tác truyền thông về ngành y tế và ngược lại đang được người dân quan tâm, đón nhận khá tích cực. Để hiểu rõ hơn về hoạt động này, phóng viên Báo Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Ths.Bs Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế).

Thưa ông Nguyễn Đình Anh, ông có đánh giá như thế nào về công tác tuyên truyền, truyền thông của Bộ Y tế đến với người dân trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Đình Anh: Có thể nói, các nhiệm vụ của Bộ Y tế trong thời gian vừa qua cũng được người dân và cộng đồng quan tâm, sát sao nhiều hơn. Đặc biệt là ngành y tế triển khai các đề án, dự án, chủ trương chính sách lớn đến với người dân bao giờ cũng có những mặt tốt và chưa tốt. Nhưng để giúp cho người dân hiểu, đồng hành với ngành y tế và có được kết quả như ngày hôm nay thì vai trò của công tác truyền thông góp một phần rất quan trọng. Đặc biệt là khi Bộ Y tế đưa các luật mới vào cuộc sống cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu, thì truyền thông nắm giữ vai trò không thể thiếu.

Thêm nữa, truyền thông còn giúp cho việc tuyên truyền phổ biến kiến thức đến người dân như các dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh mới nổi khi mà sắp có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Truyền thông giúp cho người dân hiểu nguyên nhân gây bệnh, phương thức lây truyền, các biện pháp ngăn chặn phòng ngừa. Ngoài ra, truyền thông cũng giúp cho người dân kết nối, cộng tác, hợp tác ở cả trong và ngoài nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ ban ngành và trong hệ thống ngành y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá: “Truyền thông đi trước một bước, đồng hành và đi sau cùng”

Với sự phát triển của công nghệ như vũ bão, cộng với sự ra đời của nhiều loại hình phương tiện truyền thông mới, hiện đại và lan tỏa vô cùng nhanh nhậy như hiện nay, Bộ Y tế có nhìn nhận như thế nào về vai trò của truyền thông đối với công tác y tế trong những năm gần đây?

Ông Nguyễn Đình Anh: Phải thừa nhận rằng, trong thời gian gần đây, tính lan tỏa quá nhanh cùng xu hướng, nhu cầu thông tin và cách tiếp cận thông tin đã thay đổi so với trước kia. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc sử dụng phần mềm tích hợp vào các thiết bị điện thoại di động giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau. Nếu công tác truyền thông của chúng ta không chủ động, không đi theo bài bản thì những thông tin trái chiều, bất lợi sẽ được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, thậm chí đó là thông tin có hại cho người dân. Bởi nếu thông tin trái chiều, bất lợi tràn ngập trên mạng mà người dân không có chọn lọc thì dù có tuyên truyền tốt đến mấy thì rất khó để thay đổi nhận thức, quan điểm của người dân được.

Trên cơ sở nắm được các vấn đề về xu hướng truyền thông, nhu cầu thông tin của người dân kết hợp với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác truyền thông trong ngành y tế đã có từng bước chuyển biến tích cực, các hoạt động của ngành đã đi vào khuôn khổ.

Hoạt động của ngành y tế được giới truyền thông ngày càng quan tâm hơn

Bộ Y tế đã có những ứng dụng và phát triển công tác truyền thông trong việc tuyên tuyền về các vấn đề y tế đến cộng đồng, xã hội để người dân biết hiểu hơn và đồng cảm với ngành y tế trong những năm qua?

Ông Nguyễn Đình Anh: Bộ Y tế đã xây dựng được một mạng lưới phóng viên, nhà báo chuyên trách về ngành y tế. Chính các cơ quan báo chí đã hỗ trợ tích cực cho ngành y tế trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị và tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật đến người dân trong thời gian vừa qua. Cũng nhờ mạng lưới này, phóng viên, nhà báo theo dõi ngành y tế thường xuyên bám sát các hoạt động của ngành và chuyển tải các nội dung đó thường xuyên, kịp thời đến người dân. Đồng thời, chính những hoạt động này đã giúp cho Bộ Y tế nắm bắt được những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân để chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế có hướng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn điều chỉnh những chính sách cho phù hợp với thực tế.

Thêm nữa, do mạng xã hội (truyền thông không chính thống, không giới hạn, khó kiểm soát thông tin) phát triển nhanh nhậy, tính lan tỏa cao, khó kiểm soát thông tin. Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhìn nhận đây là một trong những vấn đề cần được quan tâm và chính Bộ trưởng cũng có fanpage riêng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin này. Hay nói cách khác, để làm được công tác truyền thông tốt, không chỉ sử dụng một kênh truyền thông mà chúng tôi đã sử dụng rất nhiều kênh truyền thông khác nhau.

Đơn cử là hoạt động của truyền thông vận động. Truyền thông vận động có thể hiểu là vận động các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách ủng hộ các chủ trương, chính sách của ngành y tế và thông qua truyền thông sẽ giúp cho chủ trương này được lan tỏa và tiếp nhận ý kiến tham khảo để các cấp ngành ủng hộ chính sách đó đi vào cuộc sống.

Thứ hai là truyền thông phổ biến kiến thức (truyền thông trực tiếp). Đây chính là mối quan hệ giữa các nhân viên y tế với người nhà, người bệnh. Nhưng khi triển khai hoạt động này cũng vấp phải những khó khăn nhất định như đã từng xảy ra việc xô xát giữa người nhà bệnh nhân, chính bệnh nhân với nhân viên y tế. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, nhân viên y tế cũng nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ này và có hướng xử lý phù hợp hơn.

Tiếp theo là truyền thông đại chúng. Hoạt động này Bộ Y tế làm rất tốt nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí thông tấn trung ương đến địa phương cũng đã truyền tải rất nhiều nội dung kịp thời, bổ ích cho người dân cả vấn đề tích cực, thành tựu và những mặt còn hạn chế của ngành y tế…

Ths.Bs Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế

Vậy Bộ Y tế có kế hoạch triển khai gì về công tác truyền thông trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Đình Anh: Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chú trọng tiếp cận thông tin đến người dân, bởi như cầu thông tin không thể thiếu được. Cái gì người dân cần thì chúng ta phải chủ động cung cấp thông tin như: bệnh tật, an toàn thực phẩm, mỹ phẩm, bảo hiểm y tế… Chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế để có những chương trình dài hạn hơn là nguy cơ bệnh tật, dịch bệnh, nguồn lây… để có hướng tuyên truyền đến người dân để họ biết và chủ động phòng tránh sớm.

Khi có sự cố y khoa thì chúng ta cũng chủ động cung cấp thông tin, minh bạch thông tin để người dân yên tâm, không gây bất ổn trong xã hội. Bởi khi ngành y tế đang có vấn đề được người dân và truyền thông quan tâm thì cũng chủ động vào cuộc thật sớm. Như Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từng nói: “Truyền thông đi trước một bước, đồng hành và đi sau cùng” và điều này Bộ Y tế đang cố gắng thực hiện và triển khai đồng bộ, xuyên suốt trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Hải Sơn

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/nganh-y-te-doi-pho-the-nao-voi-truyen-thong-khong-gioi-han-d114303.html