Ngành y tế chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ

Sáng 22/10, thời tiết ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nắng. Nước lũ đã bắt đầu rút. Đây cũng là thời điểm dịch bệnh dễ bùng phát. Ngay sau khi lũ đi qua, ngành y tế các địa phương đang chung tay giúp bà con tăng cường phòng chống dịch, bệnh sau lũ.

Lũ chồng lũ diễn ra trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày khiến hàng ngàn hộ dân bị ngập nhà cửa, nhiều gia súc, gia cầm chết gây ô nhiễm môi trường. Ngay khi nước rút, các cơ sở y tế đã tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương xử lý rác, bùn đất, xác súc vật, tập trung thu gom và xử lý để tránh dịch bệnh, cấp phát cloraminB giúp người dân khử trùng nguồn nước.

Theo báo cáo sơ bộ, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 35 trạm y tế, 119 trường học, 45.582 hộ gia đình, 30.503 giếng nước, 34.531 công trình vệ sinh bị ngập. Trong đó, một số huyện ngập nặng như: Cẩm Xuyên có 22 xã, 15 trạm y tế, 43 trường học và 10.206 hộ gia đình bị ngập; Thạch Hà có 19 xã, 13.790 hộ, 5 trạm y tế ngập. TP. Hà Tĩnh 15 xã phường, 10 trạm y tế, 15.205 hộ bị ngập.

Để kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm vùng lũ lụt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh đã triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường sau khi nước rút; kiện toàn 3 đội cơ động phòng chống dịch và sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật.

Lãnh đạo Sở Y tế và CDC Hà Tĩnh trao cơ số thuốc, hóa chất phòng chống bệnh cho Trung tâm Y tế Cẩm Xuyên.

Lãnh đạo Sở Y tế và CDC Hà Tĩnh trao cơ số thuốc, hóa chất phòng chống bệnh cho Trung tâm Y tế Cẩm Xuyên.

TS.BS. Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc CDC Hà Tĩnh cho biết: Trung tâm đã rà soát, bổ sung trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thường gặp sau bão lụt. Tăng cường nhân lực cho 3 đội cơ động, chỉ đạo các đội bám sát địa bàn, hướng dẫn, giúp đỡ các huyện xử lý vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt sau lũ lụt với phương châm nước rút đến đâu xử lý môi trường và nguồn nước sinh hoạt đến đó.

Trước mắt tập trung cho TP. Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên và Thạch Hà... rồi đến các huyện khác. Trung tâm cũng đã liên hệ với Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xin hóa chất và một số trang thiết bị phục vụ cho phòng chống dịch trong và sau bão lụt.

Tại Quảng Bình, anh Cao Viết Thành (phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn) cho biết: Đợt lũ lịch sử năm nay nước lên nhanh, nước ngập hết gây ẩm thấp. Sau khi nước rút, gia đình cũng dọn dẹp đảm bảo sạch sẽ trong nhà cũng như ngoài vườn để phòng chống dịch bệnh phát sinh sau lũ.

BS. Trương Thanh Tân - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn, Quảng Bình thông tin: Sau khi nước rút, chúng tôi chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo công tác thu dung, điều trị người bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát và phòng chống dịch bệnh, bảo đảm không để xảy ra dịch bệnh sau mưa lũ. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phương tiện, nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất phòng chống bão lụt, sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho các địa phương khi có yêu cầu...

Với phương châm nước rút đến đâu vệ sinh đến đó, hầu hết các gia đình tự chủ động dọn dẹp lau chùi nhà cửa, rác thải, xác chết động vật cũng được xử lý an toàn. Các trạm y tế cũng đã chủ động cơ số thuốc và các vật tư y tế để phục vụ bà con trong mùa mưa lũ.

Làm vệ sinh Trạm y tế để sẵn sàng đón người dân đến khám.

BS. Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết: Cùng với việc tiếp tục cử cán bộ bám sát các địa bàn để khử khuẩn nguồn nước, làm sạch môi trường, giám sát dịch bệnh..., ngành y tế đã tiến hành phân bổ kịp thời hóa chất, thuốc men thiết yếu cho các địa phương, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, nhất là các vùng bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua. Trước tình hình mưa bão số 8 đang có nhiều diễn biến phức tạp, ngành đã bố trí cán bộ trực 24/24 giờ để vận chuyển, ứng cứu kịp thời, đảm bảo công tác sơ cấp cứu ban đầu khi xảy ra các tai nạn, thương tích cho người dân. Bên cạnh đó, toàn ngành sẽ tập trung nguồn lực nhằm đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ để khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động đối phó với các cơn bão mới có thể xảy ra, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản.

Thống kê của tỉnh Quảng Trị cho thấy, tình hình mưa bão trên địa bàn có những diễn biến phức tạp khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Tính đến sáng 22/10, địa phương này ghi nhận 49 người chết, 4 người mất tích, 25 người bị thương; có 97/124 xã, phường, thị trấn với 103.822 lượt hộ/323.193 lượt người bị ngập lụt, trong đó đã triển khai sơ tán 25.533 lượt hộ/74.394 lượt người; 175 nhà bị hư hỏng nặng. Ngoài ra, rất nhiều công trình nước sinh hoạt nông thôn, thủy lợi, đê điều, sạt lở bờ sông, bờ biển, giao thông, xây dựng, trường học, y tế, bị sạt lở, ngập nước, cuốn trôi, chưa thống kê hết. Ước giá trị thiệt hại của cơn bão số 5 và đợt mưa lũ kéo dài là hơn 2.000 tỷ đồng.

Nằm ở vùng thấp trũng, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt mưa lũ vừa qua. Trưởng trạm Y tế xã Triệu Sơn Nguyễn Văn Tứ cho biết thêm: Trên địa bàn xã có 1.000/1.050 hộ ngập lụt. Trạm y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão, phân công cán bộ trực 24/24h, đồng thời quán triệt thực hiện tốt phương châm nước rút đến đâu xử lý môi trường đến đó. Cử cán bộ bám sát địa bàn đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, phòng chống tai nạn thương tích”.

Thai phụ sinh nở mẹ tròn con vuông tại Trạm y tế vùng tâm lũ tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Thành Trung

Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, Hà Lâm Chi cho biết: Với tinh thần sẵn sàng, chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão, bảo đảm các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong mọi tình huống lụt, bão, thiên tai, thảm họa, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, tính mạng người dân, ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư, hóa chất cần thiết để đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh, đồng thời xử lý môi trường sau lụt, bão. Trước mưa lũ, 100% các đơn vị y tế trực thuộc đã có kế hoạch triển khai phòng chống mưa lụt. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có kế hoạch đảm bảo triển khai hoạt động cấp cứu, khám, chữa bệnh trong và sau mưa lũ, dự trù đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện, vật tư cần thiết phục vụ công tác phòng chống lụt, bão; Huy động toàn bộ nhân lực bệnh viện tham gia thường trực, cấp cứu tại bệnh viện và chuẩn bị sẵn sàng các đội cấp cứu ngoại viện. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, địa phương tuyên truyền người dân triển khai các biện pháp phòng chống bão lụt theo phương châm “4 tại chỗ”, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trước, trong và sau lụt bão. Sau mưa lũ, triển khai công tác hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó, tổ chức thu gom, xử lý rác thải, xác súc vật chết, xử lý môi trường. Hỗ trợ cung cấp hóa chất, khử trùng nước sinh hoạt bằng cloraminB, phèn chua, vôi bột tại vùng bị ngập lụt...

Sau lũ, các bệnh thường gặp như sốt, cảm cúm, đau mắt đỏ... dễ bùng phát, ngành y tế các địa phương đang tỏa xuống địa bàn, truyền thông đến người dân nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng phòng chống dịch bệnh; ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước bằng các hóa chất khử trùng nước.

Từ Thành - Thành Trung - Hoài Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nganh-y-te-chung-tay-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-n181808.html